Tuy nhiên, khi được hỏi về kế hoạch di dời, nhiều hộ dân ở phố cổ cho biết ở thì khổ nhưng đi thì khó. “Qua báo chí, chúng tôi được biết thành phố đang có chủ trương di dân phố cổ sang đô thị Việt Hưng. Dù biết cuộc sống hiện tại chật chội khó khăn, ra đi sẽ nhận được nhiều hỗ trợ của thành phố nhưng nói thật gia đình không mặn mà lắm”- Ông Hoàng Tâm, một người dân ở phố Hàng Thùng nói.
Chính vì dân cư tập trung quá đông, nên bộ mặt của phố cổ hiện nay với vô vàn bức xúc dân sinh. Đáng nói là tuy nhà cửa xuống cấp, dột nát, hệ thống hạ tầng cũ nát, nhưng các hộ dân phía trong lại không được phép cải tạo, sửa chữa. Cuộc sống của nhiều hộ dân ở các tuyến phố cổ đang phải chịu điều kiện sống hết sức khó khăn như, việc chung bếp, chung nhà vệ sinh. Nhiều thế hệ trong gia đình phải sống chung ở những ngôi nhà chật chội, tối tăm.
Nhưng thực tế, vì lợi ích kinh tế khi một quán nước giải khát hay một cửa hàng nhỏ chỉ vài mét vuông có thể nuôi sống cả gia đình nên nhiều người vẫn muốn bám trụ.
Theo UBND quận Hoàn Kiếm, quận này đang cùng với các cơ quan chuyên môn gấp rút hoàn thiện đề án giãn dân phố cổ để trình thành phố phê duyệt. Nói về đề án này, ông Vũ Văn Viện- Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, đề án giãn dân phố cổ nghiên cứu và đề xuất những giải pháp thực hiện nhằm giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ mật độ 823 người/ha năm 2010 xuống còn 500 người/ha vào năm 2020 (tương ứng phải di chuyển khoảng 6.550 hộ dân với khoảng 26.200 người).
Tuy nhiên, đề án được chia làm nhiều giai đoạn, trong đó giai đoạn I sẽ di chuyển các hộ đang sống trong các di tích, trường học, công sở, số nhà đông hộ và các hộ dân tự nguyện di chuyển sang khu tái định cư.
Tú Anh
VNE