Giai thoại lạ về cụ bà có "mái tóc tiên" ở Bến Tre

daquynh |

Ngay từ khi sinh ra cụ Tư Miễu đã có nếp sinh hoạt lạ kỳ.

Cụ bà có “mái tóc tiên”

Dân trong vùng vẫn hay gọi cụ Phạm Thị Tưởng, là “bà Tư Miễu” vì cụ sống trong một gian miếu nhỏ tại ấp 1, xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, Bến Tre.

Được sự chỉ dẫn nhiệt tình của người dân, chúng tôi đã tìm được đến nơi ở của cụ Tư Miễu. Gian miếu khá sạch sẽ tinh tươm nhưng bên trong lại không có một bóng người.

Ngồi đợi một lúc, chúng tôi thấy một vị ni cô đã khá lớn tuổi từ con đường mòn nhanh nhẹn bước vào. Vừa gặp người ở xa đến, cụ liền cười móm mém: “Bà đi lên chùa Huệ Phước xin nhang đèn. Định ở đó đến chiều nhưng cứ linh tính có khách đến thăm nên bà lấy nhang xong là về trở lại, may quá, gặp các cháu ở đây”.

Ngay từ lúc mới sinh ra, cụ Tư Miễu đã có nếp sinh hoạt kì lạ. Theo lời cụ kể, từ lúc rất nhỏ, cụ chỉ uống được nước đường, nước cơm nhão pha đường, chứ không thể bú sữa mẹ như những trẻ khác.

Đến tuổi ăn tuổi lớn, cụ Tư Miễu lại không thể ăn được thịt cá, chỉ ăn chay qua ngày. Tuy nhiên, cũng không phải thức ăn chay đầy đủ dinh dưỡng, rau đậu như bình thường mà cụ Tư chỉ ăn được vỏ bánh mì, mì gói chay, cơm với muối trắng.

Cha mẹ cụ Tư xót con, lần nào xới cơm cũng để vào đáy chén mấy miếng thịt kho, rau củ. Thương cha mẹ, cụ Tư cố nuốt, nhưng sau đó lại nôn ra hết. Từ từ cũng quen, cụ Tư không mắc nôn nữa, nhưng mấy ngày sau, bỗng nhiên cụ phát bệnh.

Rồi kể từ đó, cụ giữ nếp ăn chay khổ hạnh cho đến bây giờ. Vừa kể, cụ Tư Miễu vừa giở chiếc lồng bàn che đậy một chén cơm trắng, một đĩa bánh mì chiên giòn và nhúm muối trắng như để minh chứng lời đã nói.

Tuy ăn uống khổ hạnh, nhưng cụ Tư Miễu vẫn còn khá khỏe mạnh so với cái tuổi 99 của mình. Cụ tự tay pha trà, mời bánh, quét dọn nhà cửa mà tuyệt nhiên không cần đến sự phụ giúp của chúng tôi.

Tuy ngôi miếu nằm gần nhà cháu ruột cụ Tư, nhưng cụ thích tự làm tất cả mọi việc từ cúng kính, nhang đèn đến giặt giũ, cơm nước… Cụ Tư Miễu cho rằng: “Còn mạnh thì còn làm thôi. Chứ già rồi, mà nằm không, chắc bà sinh bệnh mất”.

Hơn nữa, cụ Tư còn là người mẫn tiệp đến dị thường, những chuyện xảy ra cách đây vài thập kỷ, cụ vẫn nhớ rõ và kể cho chúng tôi nghe như thuộc làu làu.

giai-thoai-la-ve-cu-ba-co-mai-toc-tien-o-ben-tre

Cụ Tư Miễu

Lúc trước, cụ Tư Miễu sống tại chùa Phước Huệ. Ngôi chùa này cũng có một số vị ni cô để tóc dài như cụ Tư, và cũng được mệnh danh là “ni cô tóc tiên”.

Sau đó, Hội phật giáo đã xây ngôi miếu nhỏ gần nhà cháu ruột của cụ Tư, để cụ ngày ngày tụng kinh niệm Phật và đồng thời con cháu cũng có thể tiện bề chăm sóc cụ .

Hỏi về mái tóc dài 3,5 mét mà người dân quanh vùng vẫn đồn là “mái tóc tiên”, cụ bà lại móm mém cười: “Tóc tiên gì đâu con ơi. Bà nhớ cái hồi mới 10 tuổi, tự nhiên tóc bà không thẳng mượt như chúng bạn nữa mà bết dính, xoắn cuộn lại, cứng như rễ tre. Thấy vậy, cha mẹ bà mới cắt mớ tóc ấy đi, cứ tóc dài ra, bết dính là lại cắt”.

Nhưng rồi cắt tóc xong, cụ Tư cứ đổ bệnh nặng liên miên, người ốm dặt dẹo, xanh xao, lại ăn chay khổ hạnh nên không tài nào lại sức được.

Nghe thiên hạ đồn thổi: Thấy mỗi lần cắt tóc, là y như rằng cụ Tư ngã bệnh nên cha mẹ cụ cứ để cho mớ tóc xoắn cuộn ấy dài ra thì lạ thay, cụ cũng thôi bệnh tật?

Dân trong vùng biết được câu chuyện về mái tóc của bà cụ Tư nên đồn thổi thành “mái tóc tiên” và cho đến bây giờ, người ta vẫn hay gọi cụ Tư Miễu là “bà Tư tóc tiên”.

Chúng tôi ngỏ ý muốn chạm vào mái tóc dài 3,5 mét mà cụ luồn vào bao vải quấn quanh người. Cụ liền xua tay, cười hiền hòa nói: “Không chạm vào được đâu, các cháu thông cảm. Bà không biết tại sao, nhưng tóc bà không như tóc người ta bình thường.

Mỗi lần cắt tóc, có ai đụng vào, hay lỡ dính nước là bà mệt người rồi đổ bệnh, bệnh nặng luôn chứ không phải bệnh xoàng. Bởi vậy nên hơn 80 năm, qua bà đâu có dám tắm, chỉ thay quần áo, thỉnh thoảng lau người thôi”.

Giai thoại về cơn ngưng thở suốt 7 ngày

Chúng tôi lại tiếp tục hỏi về cơn ngưng thở suốt 7 ngày của cụ Tư mà cho đến nay, dân trong vùng vẫn thường kể về câu chuyện lạ lùng này. Bà Tư Miễu cười hiền lành rồi nói: “Để bà dắt các cháu qua nhà cháu ruột bà chơi cho mát, rồi nó kể cho nghe”.

Cụ Tư Miễu do tuổi già nên cơ thể gầy nhom, chỉ tầm 25 – 30 kg là cùng. Nhưng chỉ riêng mái tóc dài 3,5 mét quấn quanh người bà đã nặng tầm 7 – 8 kg, vác thêm một khối tóc như thế mà cụ vẫn đi lại rất bình thường dù tuổi cao, sức yếu.

Nhà ông Phạm Văn Lâm, 62 tuổi, cháu gọi cụ Tư Miễu bằng cô ruột nằm phía sau ngôi miếu nhỏ. Ông Lâm khỏe mạnh, phương phi, thoạt nhìn chắc khó ai ngờ được ông đã quá lục tuần. Bằng chất giọng hiền hòa, ông bắt đầu kể về những giai thoại lạ xung quanh người cô ruột có nếp sống khổ hạnh của mình.

Ông Lâm hớp ngụm trà rồi bắt đầu câu chuyện: “Cha tôi kể, cô Tư nhà tôi thời trẻ nhìn được lắm lại hay lam, hay làm. Bởi vậy, dù cô Tư đã ăn chay trường và đi tu nhưng vì còn để tóc nên trai trong làng để mắt đến cô không ít.

Nhưng hễ ai buông lời trêu ghẹo là y như rằng cô về bệnh suốt? Cho đến khi cô Tư tôi không dám ra ngoài nữa, ở mãi trong chùa thì mới khỏi bệnh.

Khi tôi ở độ tuổi biết chuyện, cô Tư lúc này đã tầm ngoài 40 mà dân trong xóm vẫn còn tấm tắc khen, rồi nói cô tôi “đi tu rất uổng”.

Chúng tôi tiếp tục hỏi về câu chuyện 7 ngày ngưng thở thì ông Lâm không ngần ngại trả lời: “Các chú hỏi thì tôi cũng kể tình thiệt, chứ lúc xảy ra việc đó tôi còn chưa ra đời. Những chuyện sau này cũng do cha ruột của tôi hồi còn sống hay kể cho các con nghe nên đến giờ, chúng tôi vẫn còn nhớ.

Lúc đó, cô Tư mới lên 9 tuổi, đang khỏe mạnh bình thường bỗng nhiên kêu mệt. Rồi cô Tư chạy vào nhà, thều thào vào tai cụ nội rằng:

“Cha mẹ ơi, con sắp ngủ một giấc rất dài. Nếu 7 ngày sau mà con không dậy thì xin cha mẹ đừng quá đau buồn, hãy an táng con như người đã chết. Nói xong thì lăn ra ngủ. Cả nhà lo lắng lắm, hết mời thầy thuốc lại mời thầy bùa, thầy ngải mà cô Tư vẫn không tỉnh dậy.

Hết cách, cả gia đình đành phải hộp hộp chờ đợi đến ngày thứ 7 như lời cô Tư đã dặn. Nào ngờ đúng buổi sáng ngày thứ 7, tay chân cô động đậy, rồi mở mắt ra, cả nhà vội vã cho cô uống nước, ăn cháo rồi cô trở nên khỏe mạnh như bình thường. Sau cơn ngưng thở ấy, cô ăn chay và lớn lên một chút thì đi tu luôn”.

Ông Lâm nói tiếp: “Nghe hoang đường quá các chú không tin, chứ đi hỏi khắp vùng này thì ai cũng biết”.

Chúng tôi tiếp tục hỏi cụ Tư Miễu về thực hư cơn ngưng thở 7 ngày, cụ vẫn cười hiền hòa: “Chuyện thật mà, bà vẫn còn nhớ lúc tỉnh dậy cả nhà khóc nhiều lắm.

Luôn miệng hỏi là trong giấc ngủ 7 ngày đó bà thấy gì, đi tới nơi nào, nhưng bà đâu có biết gì đâu mà trả lời. Bà chỉ cảm thấy hơi mệt mỏi vì ngủ nhiều quá thôi”. Thực hư của việc này theo giải thích của khoa học ngành y cũng chỉ là sự tình cờ, ngẫu nhiên không có gì thần bí cả.

Về việc người có thể sống dậy sau cơn ngưng thở, chúng tôi đã liên lạc với Tiến sĩ Vũ Thế Khanh, tổng giám đốc Liên Hiệp Khoa học Công nghệ - Tin học Ứng Dụng (UIA), người chuyên nghiên cứu về ngoại cảm và các khả năng đặc biệt để tìm hiểu.

Theo đó ông cho biết, trường hợp con người sau khi ngưng tim, ngưng thở vẫn có thể tỉnh dậy sau một thời gian, tuy là điều rất hiếm nhưng không phải là chưa từng xảy ra.

Theo thống kê, thì có khoảng 2 trường hợp tự sống lại trên 1 vạn ca ngưng tim, ngưng thở. Điều này có thể lý giải dựa vào thuyết "thần thức" của nhà Phật.

Như ta thường biết, con người là thể tổng hòa của hai mặt vật chất và tinh thần, "thần thức" có thể được xem như là linh hồn.

Ở một số rất hiếm trường hợp khi ngưng tim, ngưng thở, con người đã chết lâm sàng, nhưng "thần thức" còn quá mạnh, chưa tan biến thì trong một lúc nào đó sẽ bị "kích động", hoặc "trở về" với thể xác, làm kết nối lại mối quan hệ tương hỗ giữa vật chất và tinh thần trong cơ thể người, khiến người đó sống lại?

Lại trở về chuyện cụ bà tóc dài với những giai thoại kì lạ, khi chúng tôi hỏi về bí quyết sống thọ, cụ Tư cười cười phơ phơ làn tóc trắng: "Có bí quyết gì đâu. Miễn giữ cho tinh thần thoải mái, đừng lo nghĩ quá nhiều là được. Bà hay quy mọi việc về chữ "Không" trong Phật giáo.

Nói nôm na cho các con dễ hiểu là, phàm là việc gì nếu nó đến thì dù mình lo lắng, sợ hãi, không mong chờ thì nó cũng đến, nếu nó không đến thì dù mình có hồi hộp, mừng vui, chờ đợi thì nó cũng không đến.

Chỉ cần cố gắng hết sức làm những việc phải làm thì dù kết quả có đến, hay không đến vẫn giữ nếp sống an nhiên, tự tại, đừng lo lắng quá nhiều mà tổn hao tâm sức.

Chữ "Không" trong giáo lý nhà Phật nghĩa là vô ngã, là tính không thực thể của bản ngã và sự vật". Câu trả lời quả thật làm chúng tôi giật mình và kính phục về độ mẫn tiệp, cũng như am tường giáo lý của cụ .

Trời đã quá trưa, chúng tôi tạm biệt cụ bà đáng mến, cụ luôn miệng trách chúng tôi sao không ở lại dùng cơm cùng gia đình cháu của cụ.

Vẫn nụ cười móm mém, cụ Tư Miễu khiến chúng tôi ấn tượng sâu sắc về một cụ bà với những câu chuyện kỳ lạ xung quanh nhưng lại hết sức hiền hòa, bình dị, không vin vào đó để thêu dệt nên những điều thần bí, hòng trục lợi cho bản thân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại