Anh hùng - Thiếu tướng Mai Năng, cựu Đoàn trưởng Đoàn 126 đặc công hải quân (HQ) chỉ huy lực lượng giải phóng Trường Sa tháng 4-1975, tiết lộ viên trung úy chỉ huy binh sĩ Sài Gòn đóng trên Song Tử Tây khi quân ta đánh chiếm đảo này chính là cháu của chuẩn đô đốc Nguyễn Bá Phát, nguyên tư lệnh Quân chủng Hải quân Nhân dân Việt Nam. Thiếu tướng Năng đã kể lại cuộc trò chuyện giữa ông với người trung úy kia.
Bàn giao cho người anh em
Thiếu tướng Năng cho biết ông đã hỏi “chúa đảo” Song Tử Tây: “Lực lượng quân đội Sài Gòn ở đây từng có lời thề giữ đảo đến chết. Tại sao các cậu lại đầu hàng?”.
Viên trung úy giãi bày: “Nếu có một lực lượng nào khác không phải là quân đội miền Bắc đến chiếm đảo, chúng tôi sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng.
Tuy nhiên, khi nghe các ông gọi loa kêu hàng, chúng tôi muốn bàn giao lại đảo cho quân giải phóng vì miền Bắc hay miền Nam cũng đều là người Việt cả”.
“Nghe viên trung úy nói, tôi hết sức cảm động, nhất là khi biết anh ta lại là một người cháu của tư lệnh Nguyễn Bá Phát.
Đất nước bị chiến tranh chia cắt, chuyện những người thân trong gia đình, thậm chí cả bố con, ở 2 chiến tuyến khác nhau không phải hiếm” - Thiếu tướng Mai Năng bồi hồi.
Lãnh đạo Quân chủng Hải quân thị sát tình hình Trường Sa khi quần đảo này mới được giải phóng. Ảnh: BẢO TÀNG HẢI QUÂN
Cựu binh Đào Mạnh Hồng, khi tham gia giải phóng Trường Sa là thượng sĩ - chỉ huy một phân đội của Đội 1 đặc công HQ tấn công Song Tử Tây, đến giờ vẫn không thể quên hình ảnh “chúa đảo” tuyên bố đầu hàng quân giải phóng.
“Viên trung úy chỉ huy binh sĩ Sài Gòn tuyên bố rành rọt: “Tôi là chúa đảo Song Tử Tây, xin giao nộp lại đảo và toàn bộ binh lính, xin đầu hàng vô điều kiện”. Tôi vẫn nhớ mãi câu nói ấy” - ông hồi tưởng.
Ông Hồng cho rằng có nhiều người, nhất là ở cấp chỉ huy, hiểu rằng chính những người lính bên kia chiến tuyến đã hy sinh bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió để giữ gìn phần lãnh thổ máu thịt của Tổ quốc. Họ đáng được đối xử tử tế”.
Theo báo cáo lúc đầu, quân số trên đảo Song Tử Tây lúc đó là 40 nhưng chỉ có 33 binh lính Sài Gòn đầu hàng, cộng với 6 kẻ đã tử trận thì vẫn thiếu một người.
“Chúa đảo” Song Tử Tây cho biết người lính này bị bệnh nên đã được đưa vào bờ chữa trị trước đó vài ngày. Ông Hồng cho biết cả 33 người đầu hàng sau đó đã được tàu 673 đưa về Đà Nẵng.
Giữ vững chủ quyền
Giải phóng Trường Sa đã khó nhưng sau đó, để giữ vững được chủ quyền của ta còn gian nan hơn gấp bội.
“Nếu lực lượng của ta không có mặt kịp thời nhờ chỉ thị sáng suốt, nhanh chóng của Quân ủy Trung ương thì thế nào cũng có lực lượng khác hớt tay trên, chiếm các đảo của mình” - Thiếu tướng Mai Năng nhận xét.
Ông Năng cho biết ngay sau khi quân giải phóng chiếm được Song Tử Tây, nhận thấy Trường Sa bị đe dọa, HQ Sài Gòn vội vàng điều 2 tàu chiến từ Vũng Tàu ra định phản kích chiếm lại. Tuy nhiên, trước sự bố phòng chặt chẽ và tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao của quân ta, địch đã không làm gì được.
Ông Đào Mạnh Hồng nhớ lại: “Sau khi giải phóng Song Tử Tây, chúng tôi ở lại giữ đảo này. Khi thấy tàu HQ Sài Gòn đến có ý đòi lại đảo, chúng tôi đã đắp ụ để chuẩn bị chiến đấu.
Vũ khí trên đảo lúc ấy không có gì để chống lại tàu địch từ khoảng cách vài hải lý. Tôi bèn bàn với anh em đem ống nước to màu đen ra đặt trên lô cốt, giả làm pháo dọa chúng”…
Làm chủ được vùng biển đảo máu thịt của Tổ quốc, nhiều vị lãnh đạo Quân chủng HQ đã liên tục có những chuyến thị sát ở Trường Sa để nghiên cứu phương án bảo vệ vững chắc chủ quyền của ta.
Trong đó, đô đốc - tư lệnh Quân chủng HQ Giáp Văn Cương (giai đoạn 1977-1980 và 1984-1990) là một trong những người dành nhiều trăn trở cho Trường Sa.
Đại tá Đỗ Hữu Doanh, người từng có thời gian công tác ở Bộ Tham mưu Quân chủng HQ và Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam, nhớ lại: “Tôi có nhiều lần được đi cùng đô đốc Giáp Văn Cương ra Trường Sa để khảo sát xây dựng nhà chủ quyền kiên cố của ta tại một số đảo chìm. Ngay từ cuối năm 1977, đô đốc đã khẳng định phải có cơ sở vật chất vững chắc mới giữ được Trường Sa lâu dài”.
Đô đốc Giáp Văn Cương đã đề xuất Bộ Quốc phòng và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng khẩn trương khảo sát, xây dựng nhà nổi trên các bãi san hô ngầm, dạng vành đai vòng ngoài ở bãi cạn Ba Kè giáp quần đảo Trường Sa.
Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ được xây dựng dưới dạng các nhà giàn trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc ra đời từ đó với tên gọi DK1.