Giá phải trả cho danh xưng “thủ lĩnh” bán hàng đa cấp

camnhung |

Họ luôn khoác lên mình những bộ đồ đẹp đẽ và nói những lời có cánh, thậm chí còn là chủ nhân của những chiếc xe đời mới sang trọng.

Không ít người đã tin theo để rồi nhanh chóng vỡ mộng. Ít ai biết được rằng đằng sau sự hào nhoáng đó là cả một tấn bi kịch mang tên "mua danh".

"Bùa đa cấp"!?

Cách đây chừng 3 tháng, mẹ một người bạn thời đi học gọi điện cho tôi, khóc khóc mếu mếu nhờ khuyên can đứa con gái vừa dính phải "bùa đa cấp". Trong tiếng nức nở, bà cho biết bố mẹ chồng cô bạn tôi đã chính thức đánh tiếng về cô con dâu bất trị. Họ đang gây áp lực với gia đình bà, nếu không dạy được con sẽ đem... trả.

Hóa ra mọi sự căng thẳng bắt đầu từ khi Dương (tên cô bạn nọ) quyết định tham gia vào công ty kinh doanh đa cấp (KDĐC) T. Vốn sẵn máu kinh doanh, lại được chính những người tự xưng là “thủ lĩnh cấp cao” trong công ty mời gọi nên cô nhanh chóng đồng ý. Sau khi được chứng kiến những hóa đơn thu nhập thuộc dạng "khủng" cùng những lời có cánh của các thủ lĩnh, Dương lao vào như một con thiêu thân, ngay lập tức quên phắt mọi chuyện khác.

Từ lúc dính vào "bùa đa cấp" Dương như người trên mây, mở miệng là nói tiền tỉ và những điều phi thực tế. Mặc kệ gia đình phản đối, cô xin nghỉ việc tại công ty đang làm, cô đi đêm về hôm, thậm chí đứa con mới đẻ, cô cũng chẳng mấy quan tâm. Tối ngày chỉ thấy đi hội họp, diễn thuyết.

Đỉnh điểm của sự việc là khi cô theo chân các “thủ lĩnh” xuất ngoại sang tận Thái Lan học "bí kíp" làm giàu và ở lỳ bên đó gần một tuần. Bố mẹ chồng Dương dường như đã hết chịu nổi, gọi điện cho ông bà thông gia "tố khổ" nên tôi mới có dịp trở thành "nhà ngoại giao" bất đắc dĩ.

Hôm nay ngồi trước mặt tôi, Dương đã chính thức trở thành "người cũ" của công ty đa cấp nọ. Cũng chẳng phải do tôi khuyên can mà do cô ấy chán rồi tự bỏ. ánh mắt không giấu được vẻ thẹn thùng, cô cho tôi biết sau 8 tháng ôm mộng làm giàu nhanh chóng, cô đã "nướng" hết gần 100 triệu đồng mà chưa thu về được đồng nào. Thấy vẻ mặt sửng sốt của tôi, Dương cười đáp: "Trong ngành kinh doanh này, ai càng tham vọng thì càng dễ ăn "trái đắng". Nếu không tỉnh táo sẽ chẳng mấy tán gia bại sản".

Hỏi ra mới biết, giống như đa số các công ty đa cấp khác, công ty T cũng áp dụng triệt để sức mạnh tuyên truyền thông qua những buổi hội họp. Và chính tại nơi đây, Dương vốn đã mờ mắt vì tiền đã dễ dàng trở thành những con tốt thí cho những người mà trước đó không lâu cô vẫn tôn thờ là thủ lĩnh.

Nghe lời các "cấp trên", Dương vung tiền không tiếc vào quần áo và những buổi tiệc tùng sang trọng để thấy mình có vẻ... giàu lên. Và tất nhiên mỗi lần như thế cô đều mời theo "ứng viên tiềm năng", chiêu đãi họ để thuyết phục những người này cùng tham gia kinh doanh.

Tiếp theo các buổi hội thảo, khóa đào tạo (mà không ít ở nước ngoài) cũng lấy đi kha khá số tiền vợ chồng Dương tích cóp. Rồi sau cùng là "ôm" hàng lấy thành tích. Vì công ty T tính tiêu chí lên cấp theo doanh thu nên để đốt cháy giai đoạn, cô quyết tự bỏ tiền ra mua hàng, càng muốn lên cao lại càng phải mua nhiều.

Tôi được Dương cho xem kho hàng của cô. Cả trăm triệu đồng tiền hàng với đủ loại chai lọ, máy móc vứt lăn lóc trong phòng ngủ và không thể bán được. Cô còn cho biết, có những người còn cầm cố cả nhà cửa để tham gia kinh doanh. Thậm chí bỏ cả gia đình vì không ai chịu hiểu cho cái "lý tưởng" của họ.

Mỡ mình... rán mình

Nhận lời đề nghị của tôi, Dương dẫn tôi đến gặp K - giám đốc kinh doanh của công ty T. Người thủ lĩnh đón tiếp chúng tôi bằng cái siết tay rất chặt, liên tục ca ngợi sự quay trở lại của Dương là sáng suốt và không quên bày tỏ sự ngưỡng mộ trước lựa chọn thông minh của tôi (!?)

Thời tiết những ngày đầu năm lạnh cắt da cắt thịt khiến ai trông cũng như một cái chăn di động nhưng K vẫn ăn vận rất đúng kiểu. Một bộ veston sẫm màu, áo sơ mi trắng bóc kết hợp cavat đỏ, sức nước hoa thơm nức khiến tôi hơi "ngợp". Thấy thế Dương thầm thì: "Ở đây ai cũng thế, luôn tỏ ra là những doanh nhân thành đạt để "dọa vía" những người mới".

K đưa chúng tôi vào một sảnh rộng với la liệt những người là người và hàng hóa trưng bày. Trên tường, đâu đâu cũng thấy khẩu hiệu với ngôn ngữ rất kích thích... lòng tham và ảnh của những thủ lĩnh cấp cao. Theo K. những người đó có thu nhập tới cả trăm triệu một tháng và thậm chí nhiều người còn được đích thân chủ tịch công ty trao tặng biệt thự, du thuyền hay máy bay... (!?)

Thấy tôi có vẻ chưa "phê", K dẫn tôi vào một khán phòng nhỏ đã chật cứng người cùng tiếng vỗ tay đến váng óc. Bên trên màn hình lớn đang trình chiếu "đại hội thù lao" của công ty. Trên đó, lần lượt từng người lên nhận thưởng với số tiền lên tới cả trăm triệu, dành vài phút ca ngợi công ty rồi lại đi xuống. Bên dưới, những tràng vỗ tay reo hò không ngớt.

Tôi cáo bận xin rút. Thấy thế K cố gắng níu tôi lại, nói tôi đang đánh mất một cơ hội rất lớn để làm giàu, đồng thời mặc cả tôi nên để lại chứng minh thư nhằm chứng minh sự... thiện chí.

Dưới sự "bảo kê" của Dương, cuối cùng tôi cũng thoát được K. Khi tôi bày tỏ sự hoài nghi trong những thước phim vừa xem thì Dương nghiêm túc nói rằng tất cả những điều đó đều có thật, chính bản thân cô cũng đã có những tháng nhận được thu nhập hơn chục triệu đồng. "Nhưng toàn là mỡ mình rán mình" - Dương thì thầm.

Những con “hổ giấy”

Rời công ty T, tôi được Dương đưa vòng vèo qua vài công ty KDĐC khác. Đâu đâu cũng thấy những người tự xưng là thủ lĩnh, ăn vận rất đúng mốt và nói những lời ngọt như mía. Ở công ty K, tôi cũng được chứng kiến hóa đơn thu nhập của một lãnh đạo lên tới 64 triệu đồng/tháng và ngắm chiếc Honda Civic bóng loáng được khoe là phần thưởng năm.

Chỉ có Dương là không choáng ngợp. Với kinh nghiệm xương máu trong lĩnh vực này, cô khẳng định, toàn là tiền tự bỏ ra rồi nhận về thôi. Chẳng qua là dưới các hình thức khác nhau. Cô cũng khẳng định chắc nịch: "Kinh doanh truyền thống tỷ lệ thành công đã thấp, KDĐC còn thấp hơn nhiều. Những người thực sự kiếm được tiền chỉ 1%, còn lại toàn đem tiền nhà đi làm giàu cho chủ của mấy công ty đó".

Dương cho biết: "Doanh số của mỗi người sẽ được tính bằng tổng lượng hàng của cả nhóm tính từ người đó trở xuống. Công ty sẽ dựa vào doanh số này để quyết định danh hiệu của người đó, và mỗi chức sẽ tương đương với với một khoản doanh số. Rồi thì thưởng nhà, thưởng xe, thưởng du lịch nên ai cũng cố một tý để cho đủ chỉ tiêu dẫu biết mang hàng về cũng không thể bán hết được. Có những người tham chuyến du lịch trị giá 10 triệu của công ty mà bỏ đến mấy chục triệu ôm hàng".

Rồi cô cũng cho biết, các “thủ lĩnh” trong ngành này đều là những người rất giỏi trong việc khai thác tâm lý. Nhiều thủ lĩnh không có tâm thậm chí còn áp dụng cả "tháp nhu cầu Maslow" (một nghiên cứu khoa học về tâm lý được thế giới công nhận rộng rãi -PV) để khơi gợi lòng tham của những thành viên bên dưới, qua đó trục lợi cá nhân.

Bằng những câu động viên, khích lệ tưởng như rất ân cần, họ biến những người bên dưới thành những con thiêu thân, ôm về hàng trăm triệu tiền hàng để qua đó đạt được doanh số. Mỗi khi cấp dưới thăng chức, họ tổ chức liên hoan tiệc tùng chúc mừng rất linh đình khiến cho mọi người càng mờ mắt hơn.

Nhưng rồi "gậy ông đập lưng ông", khi quá nhiều người bỏ "cuộc chơi", chính những thủ lĩnh này phải tự móc hầu bao lấp vào những chân bị rụng để duy trì chức danh. Rồi như một vòng xoáy ma quái, cứ thế mãi, chính họ cũng kiệt quệ bởi cái danh hão của mình. "Trông ai cũng bóng bẩy thế, chứ chẳng ai thực có tiền đâu" - Dương nói.

Chia tay Dương, tôi nhớ lại câu chuyện đã có rất nhiều bạn bè cũng đã tham gia KDĐC, ban đầu ai cũng hào hứng rồi sau đó cứ thế "rụng" dần. Mang đủ thứ máy móc, thuốc thang ra mời mọc người thân. Không mua thì hờn dỗi, trách móc. Giá như họ đủ tỉnh táo để hiểu được sự bí ẩn đằng sau những "con hổ giấy" ấy ngay từ đầu...

Theo Đời sống và Pháp luật

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại