Gia đình TS Alan Phan đã chấp nhận rút ống thở cho ông

Hoàng Đan |

Theo vợ TS Alan Phan, hiện ống thở của ông đã được bệnh viện rút và cụ thể các thông tin về tang lễ sẽ được gia đình thông báo sau.

"Ông vẫn còn với chúng tôi"

Trao đổi với chúng tôi từ Mỹ, bà Melissa, vợ TS Alan Phan đã xác nhận thông tin về tình trạng rất nguy kịch của chồng mình.

Theo bà Melissa, hiện ống thở của TS Alan Phan đã được gia đình chấp nhận cho phía bệnh viện rút ra. Tuy nhiên, việc này sẽ mất thời gian.

"Hiện tại, ông vẫn còn với chúng tôi", bà Melissa viết trong thư hồi đáp.

Về tang lễ của TS Alan Phan, bà Melissa cho hay, sau khi thi thể của ông được đưa về nhà, gia đình sẽ thông báo cụ thể qua báo chí, trang mạng để mọi người đến viếng lần cuối.

Trước đó, ngày 14/10 vừa qua, gia đình đã đưa TS Alan Phan vào cấp cứu tại bệnh viện Fountain Valley, hạt Orange, Mỹ trong tình trạng hôn mê sâu.


TS Alan Phan. Ảnh trên trang cá nhân của ông

TS Alan Phan. Ảnh trên trang cá nhân của ông

Dù đã được các bác sỹ, nhân viên y tế tập trung cứu chữa, nhưng TS Alan Phan vẫn không tỉnh lại và bác sĩ cho biết không có hy vọng nên vợ ông, bà Melissa và hai con đã chấp nhận rút ống thở.

Ngay sau khi nhận được tin dữ, trên các trang cá nhân của không ít chuyên gia kinh tế, những người đã từng có dịp làm việc, tiếp xúc, nghe TS Alan Phan nói chuyện, thuyết trình hay đọc sách của ông viết đều cảm thấy rất bất ngờ và bày tỏ sự tiếc nuối.

"Năm 2013, chú ra Hà Nội và mời mình đi ăn tối. Mình đã không đến được vì có lý do đột xuất. Chuyến ra Hà Nội đó cũng là chuyến đi đầy sóng gió với chú khi chú bị giới doanh nhân bất động sản Việt Nam công kích sau một bài nói về thị trường BĐS.

Lúc ấy, mình cảm nhận được chú thực sự mệt mỏi. Cảm ơn chú người bạn cháu vô cùng ngưỡng mộ, một góc nhìn rất Alan", một nhà báo theo dõi mảng kinh tế đã viết.

"Ông già" 68 tuổi tự tin đẹp trai hơn Cường "đô - la"

Trong một vài lần trò chuyện, TS Alan Phan đã kể về câu chuyện từng đi khắp các nước trên thế giới, nắm trong tay hàng triệu USD nhưng xuất phát điểm của ông chỉ là một chân phục vụ bàn 2 USD/giờ.

Chính ông đã tâm sự, năm 17 tuổi, ông du học Mỹ với gói học bổng bao ăn ở và học phí mỗi tháng là 180 USD. Để có tiền tiêu vặt, chàng sinh viên Alan Phan đi làm bồi bàn, thời những năm 1963-1964 tiền công là 2 USD/giờ.

Như vậy, mỗi tháng ông kiếm được 80 USD. Cứ ba tháng có một kỳ nghỉ 10 ngày là ông gom số tiền này đi du lịch khắp nơi. Có lần ông hàng xóm kêu vườn cây tốt quá nhờ Alan cắt rồi trả công 10 USD. Cứ như vậy, ai kêu gì thì Alan làm đó.

Đến năm thứ ba, tôi được một giáo sư trong trường đại học thuê làm việc trong trường. Công việc là lau dụng cụ, sửa soạn bàn học cho sinh viên.

Công việc này cũng dính tới chút chuyên môn nên ông ấy trả 3-3,5 USD/giờ. Nên một tháng lại nhiều hơn nhưng cũng vẫn là làm việc tay chân”, TS Alan Phan kể.

Trong một lần khác, khi chúng tôi hỏi lại về việc ông vẫn tự tin cho rằng, mình đẹp trai hơn Cường "đô - la", TS Alan Phan đã cười và cho rằng, đó là một câu bỡn cợt để cho vui, nhưng ông vẫn tự tin về điều đó.

Ông cho rằng, vẻ đẹp của một người đàn ông hay đàn bà không chỉ tùy thuộc vào khuôn mặt hay tuổi trẻ, mà còn nhiều yếu tố khác như kinh nghiệm, trí tuệ, tâm linh, tài chính, tính lãng mạn, độ hài hước.

Đặc biệt là những thứ “lăng nhăng” mà những người yêu nhau hay chú tâm đến.

TS Alan Phan, năm nay 70 tuổi, được biết đến là một là sáng lập viên của Alan Phan Associates (APA), có trụ sở tại California và Hongkong.

APA chuyên về hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) liên lục địa và tư vấn chiến lược kinh doanh toàn cầu cho các công ty đa quốc gia.

Ông cũng là doanh nhân Việt kiều đầu tiên đưa công ty tư nhân của mình lên sàn chứng khoán Mỹ (1987), người đầu tiên giới thiệu hệ thống bán cổ phiếu qua mạng và giáo dục online tại Trung Quốc.

TS Alan Phan từng điều hành Quỹ Viasa Fund tại Hongkong chuyên đầu tư vào thị trường Trung Quốc (2002-2008).

Ông cũng là sáng lập viên và CEO của nhóm Công ty Hartcourt có 7 công ty con về IT tại Trung Quốc (1995- 2002). Ông còn là tác giả của 11 cuốn sách về kinh tế, xã hội của các thị trường mới nổi...

Ông cũng là giáo sư thỉnh giảng của vài đại học Mỹ và Trung Quốc. TS Alan Phan nhận bằng kỹ sư, thạc sĩ tại Mỹ và TS tại Australia.

Sau 8 năm về gắn bó với Việt Nam, vào cuối năm 2014, ông quyết định quay trở lại Mỹ.

Ông cũng được đánh giá là một chuyên gia với những góc nhìn thẳng thắn, sắc sảo về thực tế và dự đoán tình hình kinh tế Việt Nam.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật các thông tin mới nhất...

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại