Gia đình 22 thủy thủ tàu vẫn không nguôi hy vọng đón người thân trở về. Ảnh:Nguyễn Hưng
Phí mua bảo hiểm tai nạn mà Vinalines trả cho PVI là 42 USD một thuyền viên. Tổng mức phí cho cả thủy thủ đoàn khoảng 1.000 USD. Cùng với khoản ứng trước 10.000 USD của PVI, ABIC cũng cho biết đã hỗ trợ cho mỗi gia đình thuyền viên 100 triệu đồng trong ngày 4/1.
Trao đổi với VnExpress.net, Phó tổng giám đốc PVI - Vũ Bảo Lâm cho biết 3 căn cứ để xác định trách nhiệm của nhà bảo hiểm trong những trường hợp là có tổn thất, bất ngờ và không lường trước được. Nếu áp bộ tiêu chí này vào trường hợp của Vinalines Queen thì "có đến 99,99% trách nhiệm chi trả bảo hiểm tai nạn thuộc về PVI".
Như vậy, tổng số tiền bồi thường dự kiến được hãng này chi trả cho 22 thuyền viên theo mức cao nhất sẽ lên tới 550.000 USD, trong đó 220.000 USD (tương đương khoảng 4,4 tỷ đồng) đã được PVI tạm ứng cho Vinalines trong ngày 5/1 để chuyển tới các gia đình thủy thủ.
Cũng theo Phó tổng giám đốc Vũ Bảo Lâm, hiện các thủy thủ tàu Vinalines Queen đang được đưa vào diện mất tích. Do vậy khoản tiền còn lại sẽ được chi trả ngay khi có thông tin mới về số phận các thuyền viên hoặc trong vòng một năm theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh khoản bảo hiểm tai nạn, gia đình thuyền viên cũng sẽ nhận được khoản bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu (P&I) với trị giá 15.000 USD mỗi trường hợp. Cùng với thân vỏ tàu, đây là khoản bảo hiểm được Vinalines mua từ Công ty Bảo hiểm Agribank (ABIC) và cũng là những hợp đồng khó giải quyết nhất, do nghĩa vụ bảo hiểm liên quan trực tiếp đến kết luận chính thức về nguyên nhân và số phận con tàu.
Không dễ xác định hiện trạng tàu Vinalines Queen tại thời điểm xảy ra tai nạn. Ảnh: W.P