Gia đình đồng tính là có tội?
Nhân ngày Gia đình Việt Nam (28/6), tại Hà Nội diễn ra Ngày hội Gia đình dành cho các nhóm yếu thế trong xã hội như người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người nhập cư, người có H và người đồng tính, song tính và chuyển giới…
Ngày hội gia đình là triển lãm sống với những mô hình gia đình ấn tượng và thú vị. Đó là gia đình không chỉ có "một vợ một chồng, hai con một trai, một gái", mà còn là rất nhiều hình thức gia đình khác nhau như gia đình đơn thân, gia đình với đa dạng văn hoá (người dân tộc thiểu số, người nước ngoài...), gia đình ông bà cháu, gia đình người khuyết tật, gia đình đồng tính, song tính, chuyển giới.
Bày tỏ suy nghĩ của mình về gia đình đồng tính, cậu bạn đồng tính nam Nguyễn Trần Đại Hải (sinh viên năm 3, ĐH Kinh doanh Công nghệ Hà Nội) chia sẻ: “Một người bạn đã chia sẻ với mình rằng, họ thật hạnh phúc khi trong gia đình bạn ấy có đến 2 người mẹ. Mình nghĩ mỗi gia đình đều khác biệt, chỉ có tình yêu là không thay đổi.
Đứa trẻ lớn lên trong một gia đình đồng tính không có gì khác so với gia đình truyền thống, đều nhận sự yêu thương, chăm sóc từ những người trong gia đình. Vì chỉ có tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình mới là điểm tiên quyết mang lại một gia đình hạnh phúc”.
Sinh viên Nguyễn Trần Đại Hải (ĐH Kinh doanh công nghệ Hà Nội) nói rằng, đa dạng gia đình nhưng điều cốt lõi là cùng chung một tình yêu, kể cả gia đình LGBT.
Đồng tình với ý kiến của Hải, Cao Phi Long – thành viên ICS Hà Nội đặt vấn đề: Nếu một gia đình có hai người bố, hai người mẹ…tại sao không được xã hội chấp nhận mặc dù họ có hạnh phúc?
Long chỉ ra sự khó khăn mà gia đình đồng giới gặp phải chính là quyền: quyền nhân thân, quyền kết hôn, có con, phân chia tài sản…Hơn nữa, góc nhìn của xã hội đối với gia đình LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới) được coi là “bệnh hoạn”, “kỳ cục” và người gánh chịu nhiều nhất chính là đứa con của gia đình đồng tính.
Cao Phi Long - thành viên ICS bày tỏ quan điểm về hôn nhân đồng tính và khó khăn của gia đình đồng tính trong xã hội.
“Những đứa trẻ có tội gì? Hay chỉ vì đứa trẻ là con của hai người LGBT đến với nhau? Điều quan trọng của gia đình là yêu thương và họ có yêu thương, vậy tại sao phải phân biệt gia đình đồng tính, dị tính?”, Long giải thích.
Tình yêu đồng tính...bị kỳ thị
Cặp đôi đồng tính nữ đang có một cuộc sống gia đình hạnh phúc.
Yêu nhau hơn nửa năm nay nhưng cặp đôi đồng tính nam Tuấn (Thái Bình) vẫn chưa dám công khai với gia đình bởi bản thân cậu khi công khai xu hướng tính dục của mình, cậu bị chính họ hàng, làng xóm kỳ thị thậm chí là từ mặt, tránh tiếp xúc.
Hiện Tuấn (sinh năm 1992) đang theo học ngành kiến trúc, còn người yêu (đồng tính nam) của Tuấn đang đi làm và hai bạn đang sống chung với nhau ở Hà Nội.
Tâm sự về tình yêu của mình, Tuấn chia sẻ: “Không có sự khác biệt nào trong tình yêu của người dị tính – đồng tính. Chỉ có điều, mỗi lần ra ngoài, chúng tôi chỉ dám cầm tay nhưng vẫn nhận ra ánh mắt kỳ thị, chướng mắt của những người xung quanh mặc dù cặp đôi truyền thống việc bày tỏ tình cảm công khai lại được chấp nhận. Vì vậy, tôi mong muốn nhận được sự công bằng, bình đẳng của xã hội đối với tình yêu đồng giới, người LGBT”.
Tuấn cho biết kế hoạch của hai người là sau khi học xong, ổn định công việc sẽ tính đến chuyện kết hôn.
“Nếu pháp luật Việt Nam chưa công nhận hôn nhân đồng giới, chúng tôi vẫn muốn làm đám cưới ở một địa điểm nào đó và có một cuộc sống gia đình hạnh phúc với đứa con giữa tôi và anh ấy”, Tuấn cho biết.
Hoàng Ngân (đồng tính nữ) mong muốn gia đình, xã hội chấp nhận tình yêu đồng tính để họ có cuộc sống hạnh phúc.
Đó không chỉ là ước mơ của mình Tuấn mà con của nhiều người đồng tính, cộng đồng LGBT nói chung. Hoàng Ngân (SN 1985) là đồng tính nữ là ví dụ điển hình cho mong muốn đó.
“Xu hướng tính dụng không hề xấu, LGBT hoàn toàn không xấu và tình yêu đồng tính cũng không có tội. Chúng mình đã yêu nhau được 5 tháng và mình đã dẫn cô ấy về ra mắt gia đình. Mình mong có được sự công nhận của gia đình và sẽ không còn rào cản chúng mình đến với nhau”, Hoàng Ngân chia sẻ.