Gặp những "đại cao thủ bốc phét" giỏi nhất Việt Nam

Suốt hơn 300 năm qua, người dân làng Huỳnh Công, xã Vĩnh Tú (vĩnh Linh, Quảng Trị) được gắn với biệt tài nói phét.

 “Ga ni ga mô ri eng, ga ni ga chi, hai o đi mô, o mô đi vô, o mô đi ra...” - nếu là người vùng khác thoạt nghe dân địa phương nói chuyện thể nào họ cũng phân vân không biết những người dân nơi đây đang nói chuyện bằng thứ ngôn ngữ gì?  Ấy thế nhưng suốt hơn 300 năm qua làng Huỳnh Công, dân Huỳnh Công vẫn vậy! Trời phú cho người dân nơi đây biệt tài nói phét. Cứ thế họ nói phét quên ngày tháng, từ thế hệ này qua thế hệ khác mà điều đặc biệt là họ nói phét rất hay, rất độc đáo khiến người nghe ai cũng phải cười lăn, cười bò, nhưng nếu bảo bắt chước lại thì chẳng thể nào làm được...

Mối lương duyên độc đáo của những "đại cao thủ...bốc phét”

Về Quảng Trị, nghe người nào có chất giọng nặng là lạ, nói chuyện hay pha trò, vô cùng hài hước thì thể nào người đó cũng bị quy kết cho cái tội “bốc phét kiểu ni thì tay này chỉ ở người Vĩnh Hoàng chứ chẳng chạy đi đâu được”. Nhưng điều lạ là chẳng một ai thấy xấu hổ vì cái gốc gác ấy cả, mà trái lại họ còn vỗ ngực tự hào mình được là một phần của mảnh đất Vĩnh Hoàng.

Xã Vĩnh Hoàng được thành lập năm 1949, trong đó có ba thôn của làng Huỳnh Công, nên chuyện trạng Huỳnh Công được gọi chung là chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Mà đã người Vĩnh Hoàng thì ai cũng biết bốc phét, nhưng “bốc phét” kiểu Vĩnh Hoàng không phải là kiểu nói láo, nói sai với sự thật với mục đích ba hoa, lường gạt người khác. Mà trái lại, chuyện bắt đầu từ một sự việc có thực rồi họ bắt đầu nhân cách hoá, cường điệu hoá, hư cấu thành một chuyện hiển nhiên như thực, rất tự nhiên và đầy hài hước.

Với những tiếng cười đầy sảng khoái, càng làm cho họ có thêm nghị lực, sống lạc quan và yêu đời. Và đây cũng là điểm khởi đầu của mối lương duyên kỳ lạ giữa hai đại cao thủ nổi tiếng nhất nhì trong làng Huỳnh Công với kỳ tài “bốc phét”. Cặp đôi “ngang tuổi, ngang tài” ấy chính là cụ ông Trần Đức Trí và cụ bà Trần Thị Liệu (cùng SN 1938, trú thôn Tây 1, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị).

 - Ảnh 1

Hai vợ chồng ông Trần Đức Trí và bà Trần Thị Liệu “khoe” chiến lợi phẩm của mình trong những kỳ thi nói trạng.

Khi được hỏi về “nguyên cớ” nào khiến hai ông bà xưa kia vốn như nước với lửa, lại có thể nên duyên vợ chồng, cụ Trần Đức Trí phì cười: “Có chi mô chú nà, ưng thì lấy đại rứa thôi chớ”. Nhấp ngụm chè xanh, liếc nhìn về phía người tình trăm năm, cụ Trí tiếp lời: “Nói rứa thôi chớ lấy được cái bà “dở dở, ương ương” ni cũng mướt mồ hôi đó chú ơi. Trước đây, bà ấy là giáo viên tiểu học, mà giáo viên thời chiến tranh loạn lạc, lại ở ngay nơi địa đầu lửa đạn - vĩ tuyến 17 thì hầu như đã được mặc định cho cánh bộ đội rồi chớ đâu đến lượt nông dân quèn như tui. Bà ấy là người có nhan sắc, lại ăn nói có duyên nên khối anh chạy theo không kịp. May mà tui có ưu thế “nhất cự ly, nhì tốc độ” nên mới làm nên chuyện động trời!”.

“Số là tui với bà cùng tuổi, lại cùng làng nên thời kỳ chiến tranh hay tham gia tăng gia sản, xuất cùng nhau. Mỗi lúc nghỉ giải lao, cấp trên thấy tui có khiếu hài hước hay kêu tui kể chuyện pha trò giúp mọi người có những giây phút giải trí quên đi mỏi mệt. Tui cứ rứa say sưa kể chuyện, mọi người cứ cười lăn cười bò kêu tui nói dóc quá trời, riêng bà ấy cừ tủm tỉm cười không nói gì. Chẳng chịu kém cạnh, đợi tui kể xong bà ấy lại “vẽ” ra một câu chuyện khác thế là mọi người lại được dịp cười bổ lăn, bổ ngã, đến tui còn phải phục sát đất. Chỉ gặp nhau ở trên đồng ruộng thôi chớ có dám đến nhà bà ấy tán tỉnh đâu. Hồi xưa cha mẹ bà ấy dữ lắm, tui mà lớ xớ tới nhà chắc què giò đi về không chừng. Chắc là do bà ấy phần thì thích thú, phần thì thương tui từ những lần kể chuyện nghỉ giữa buổi, nên sau khi chuyến trường chinh K8 trở về, tui ngỏ lời thì bà ấy đồng ý, rứa là báo cáo lãnh đạo tổ chức cưới...”, cụ Trí chia sẻ thêm.

Nên duyên nhờ tài nói phét nhưng tình yêu của hai người đẹp đến lạ kỳ! Bảy tám mươi tuổi đầu vẫn gọi nhau bằng hai tiếng anh, em, trao cho nhau cái nhìn tình tứ, yêu thương...

Gần nửa thế kỷ cùng nhau gìn giữ “hồn phách” cho làng

Sau khi trải lòng về thiên tình sử của mình, đôi vợ chồng già dẫn chúng tôi ra vườn tham quan. Lúc này, dưới gốc cây si rợp bóng năm sáu cái đầu tóc còn để chỏm đang loay hoay lật giở từng bức tranh để học kể chuyện. Ông Trí mở lời, chú đã bao giờ nghe chuyện “lợ một buội cày chưa?”. Nhìn vẻ ngơ ngác của chúng tôi, cụ ông liền bảo thằng bé chừng tám, chín tuổi ngồi ở giữa đứng dậy kể chuyện cho mọi người cùng nghe.

Lễ hội nói chuyện trạng độc đáo

Bà Hoàng Dạ Hương, trưởng ban văn hóa xã Vĩnh Tú (huyện Vĩnh Linh) cho biết: “Lễ hội nói chuyện trạng Vĩnh Hoàng được tổ chức mỗi năm một lần vào dịp đầu xuân. Phần thưởng chỉ là cái phích nước, cái đài radio... nhưng tất cả người dân trong làng từ đứa trẻ chín, mười tuổi cho tới cụ ông, cụ bà tám, chín mươi tuổi đều hăng hái lên sân khấu tham gia thi thố tài nghệ kể chuyện trạng của mình. Đây chính là truyền thống văn hóa độc đáo của làng Huỳnh Công mà không nơi nào có được".

Đứa bé đứng dậy khoanh tay, xin phép ông bà, cô chú rồi hắng giọng lấy hơi kể: “Bựa nớ, dà có mấy méng roọng, tui ưng đi cày sớm nên dặn vợ chủn bị cơm nác. Trời đạ sáng chi mô, vợ tui đạ mần sặn một bù nác chè đặc với một mo xôi xáo vợi khoai, bay mùi ra chi thơm. Tôi nghe đạ khoái, liền lùa bò một mạch tận rú. Chộ trời chưa rạng, tui cho bò ăn một chặp, xong dắt bò ra cày, cày tới sáng mới chộ lạo cọp đang kéo cày. Sặn rạ trung tay, tui phắt một lát thiệt năng, niệt cày đứt mần đôi. Lạo cọp khiếp, chạy một mạch vô rú khôông dòm lại. Rứa là tui lợ một buội cày!”.

(Ông Trí dịch lại: Bữa đó, nhà có mấy mảnh ruộng, tui đi cày sớm nên dặn vợ chuẩn bị cơm nước. Trời đã sáng gì đâu, vợ tôi đã làm sẵn một bầu nước chè đặc với mo cơm nếp xáo với khoai, bay mùi ra thơm lắm. Tui nghe đã thích liền lùa bò một mạch tận rừng. Thấy trời chưa sáng, tôi cho bò ăn một lúc. Tui chọn một con rồi buộc vào cày và bắt đầu cày ruộng. Cày một hồi đến khi mặt trời lên mới biết cái con đang kéo cày không phải là bò mà là... cọp. Sẵn cái rựa trong tay, tôi chặt một nhát thật mạnh, cày đứt đôi. Lão cọp khiếp, chạy một mạch vô rừng, không nhìn lại. Vậy là tôi lỡ mất một buổi đi cày).

Nhìn đứa cháu nội say sưa kể chuyện, cụ Trí trải lòng: “Cái đặc sắc nhất trong truyện trạng Vĩnh Hoàng chính là chất giọng đặc sệt, người Quảng Trị gọi là nặng cạy cạy. Thanh hỏi, thanh ngã đều biến thành thanh nặng, thanh ngang và huyền khi mờ khi tỏ. Lại thêm phương ngữ Vĩnh Linh, từ cổ và từ đệm thoắt ẩn thoắt hiện trong câu chuyện. Giọng kể nhấn nhá lên xuống, lúc nhanh lúc chậm nên dù đã nghe đến cả trăm lần vậy mà vẫn thích ngồi nghe kể chuyện và cười ngả nghiêng như mới nghe lần đầu”. Tuy nhiên, hiện nay không phải người dân Huỳnh Công nào cũng biết kể chuyện. Lối sống hiện đại đã phần nào xóa mờ đi truyền thống đáng quý của làng. Bởi thế ngoài thế hệ của hai ông bà thì lứa tuổi trung niên đành chịu, không “nói trạng” được.

Với quyết tâm trên, những năm sau giải phóng ông Trí, bà Liệu đã dày công sưu tầm những câu chuyện trạng Vĩnh Hoàng từ xưa đến nay rồi kể, ghi chép lại, giúp cố TS. Võ Xuân Trang hoàn thành tuyển tập truyện Trạng Vĩnh Hoàng. Sau đó cùng ông Trần Hữu Chư (chi hội trưởng hội Người cao tuổi xã Vĩnh Tú) vẽ tranh mô phỏng truyện Trạng Vĩnh Hoàng. Cứ đến cuối tuần, ông bà lại tập trung đám trẻ con trong làng tại sân nhà mình rồi ngồi kể cho chúng nghe những câu chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Đặc biệt, dù tuổi đã cao, nhưng bất cứ khi nào có dịp hai ông, bà lại hăng hái lên sân khấu thi triển hết tài nghệ “bốc phét” cho thế hệ trẻ học hỏi thêm. Góp nhặt những mẫu chuyện từ quá khứ, hiện tại pha thêm một chút hài hước ông bà đang dành toàn bộ phần đời còn lại của cuộc đời mình để ngày đêm “truyền lửa” cho thế hệ trẻ, với tâm nguyện các em sẽ giữ được hồn phách, bản sắc văn hóa độc đáo của cha ông.

Bắt thề mới tin là nói thật

Chăm chú nghe chồng kể chuyện, thỉnh thoảng bà Liệu lại tủm tỉm cười duyên, đấm vào lưng chồng thùm thụp, cụ bà thú thật: “Hồi xưa tui với ông nhà như nước với lửa, ai cũng trổ hết tài “bốc phét” để thi thố, nhưng mãi chả phân thắng bại. Thi tài mãi cũng chán đâm ra lại... thương nhau. Lúc ông ấy ngỏ lời tui cũng hơi chột dạ, trong lòng vừa vui lại vừa sợ. Vui vì ông ấy thương tui thiệt, nhưng cũng sợ là ông ấy chỉ... nói phét cho vui. Thế là tui nghĩ ra một cách, tui bắt ông phải thề là phải nói... thật, phải lên báo cáo lãnh đạo, gia đình hai bên xin cưới đã rồi tui mới trả lời là đồng ý hay không. Phải làm thế chứ trả lời có rồi mà ông nớ nói là tui bốc phét thôi, thì chỉ có nước chui đầu xuống đất không kịp”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại