Các cơ quan dự báo khí tượng cho biết đợt lạnh sẽ còn kéo dài tới cuối tuần, buộc Đức phải tái khởi động một số lò phản ứng hạt nhân để có đủ điện sưởi ấm.
Thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng tới hầu hết các nước ở châu Âu.
Ukraina là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 136 người thiệt mạng và 1.800 người phải nhập viện, tính đến ngày 7/2. Ở miền Nam, tuyết rơi dày khiến giao thông bị ngưng trệ. Theo dự báo của cơ quan khí tượng Ukraina, nhiệt độ có thể xuống tới -30 độ C vào cuối tuần này.
Tại Ba Lan, số người tử vong vì giá rét lên tới 74 người, trong đó có 50 người tử vong do lò sưởi bị hỏng dẫn tới ngạt thở vì khí cácbon và hỏa hoạn.
Đợt rét bất thường cũng khiến 23 người tử vong tại Lítva, 10 người tử vong tại Estonia, 3 người tại Slovkia và 24 người tại Cộng hoàSéc.
Tại thủ đô Mátxcơvacủa Nga, nhiệt độ xuống tới -22 độ C trong ngày 8/2 và nền nhiệt sẽ còn tiếp tục duy trì ở mức thấp cho tới cuối tuần. Tính từ đầu năm dến nay, số người thiệt mạng do giá lạnh ở Nga đã lên tới 110 người.
Trong khi đó, tại khu vực Balkan ở Đông Nam châu Âu, số người chết do giá lạnh là 25 người. Tại một số nước như Serbia, Croatia, Bosnia, Marcedonia và Mongtenegro, hơn 70.000 người bị mắc kẹt tại những vùng hẻo lánh do tuyết rơi dày.
Tại Romania, số người thiệt mạng do giá rét là 41 người. Bulgari cũng bị ảnh hưởng nặng nề do các đợt bão tuyết làm tê liệt giao thông tại khu vực Đông và Đông Bắc trong ngày 8/2.
Tính đến ngày 8/2, tổng số nạn nhân tử vong do giá rét tại Hy Lạp, Hunggari, Áo, Đức, Hà Lan, Thụy Sĩ, Pháp và Italia là hơn 80 người.
Do thời tiết giá lạnh kéo dài tại châu Âu, ngày 8/2, chính quyền Đức đã quyết định tái khởi động một số lò phản ứng hạt nhân bị đóng cửa kể từ sau thảm họa động đất - sóng thần ở Nhật Bản hồi tháng 3 năm ngoái.
Theo Dantri.com.vn