Từ sau lễ hội Halloween vào cuối tháng 10 đến nay, giới trẻ Hà thành rộ lên mốt chơi “môi dán”. Những đôi môi màu da báo, nửa đỏ nửa đen hay bàng bạc phát quang đem lại cho chủ nhân sự nổi bật giữa đám đông. Thế nhưng, nhiều bạn trẻ đã phải nhập viện vì sự “sành điệu” này.
Môi sưng phồng, đỏ rát
Theo nhiềuquảng cáorao bán “môi dán”, đây thực ra là một hình thức xăm môi bằng miếng dán có tẩm hóa chất như mực in. Các bác sĩ cảnh báo, nhiều ca chơi “môi dán” đã phải nhập viện do ngộ độc mực in hoặc sưng phù, ngứa rát toàn bộ vùng môi do dị ứng.
Ngồi chờ tới lượt vào khám ở Bệnh viện Da liễu Trung ương, Thùy A. sinh
viên một trường ĐH lớn ở Hà Nội, bịt khẩu trang kín mít mặt. Cô em gái
đi cùng cho biết, nghe lời bạn bè, trong buổi tiệc sinh nhật một người
bạn, Thùy A. đã dùng “môi dán”. Đôi môi màu bạc phát quang đã khiến Thùy
A. tự hào trước sự trầm trồ khen ngợi của bạn bè.
Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, ngay đêm hôm đó, sau khi tẩy trang, môi của Thùy A. bị ngứa dữ dội. Sáng hôm sau, côphải nghỉ học và đến bệnh viện khám vì môi sưng phồng, đỏ rát. Bác sĩ Nguyễn Thành, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết Thùy A. bị dị ứng nặng do hóa chất trên miếng dán môi.
Mốt môi dán sành điệu nhưng khá nguy hiểm.
Không chỉ dị ứng do hóa chất trên miếng dán, một số bệnh viện còn ghi
nhận nhiều ca nôn mửa, chóng mặt, nhức đầu do bị ngộ độc từ miếng dán
môi.
Bác sĩ Cường Anh, Bệnh việnBạch Mai, cho biết vì đôi môi là “cửa ngõ” của cơ thể nên khi dán miếng dán có hóa chất, mực in, trong quá trình ăn uống hoặc nói chuyện, hóa chất này sẽ theo nước bọt đi vào cơ thể, gây ngộ độc đối với những người có cơ địa dị ứng hoặc mẫn cảm với các thành phần của hóa chất.
Rẻ và “độc”
Qua một số bạn trẻ chơi “môi dán”, thật khó có thể tin được rằng để có những đôi môi sành điệu, khác người, nổi bật ấy lại chỉ mất có chưa đến 10.000 đồng. Hoài Mỹ, sinh viên Cao đẳng Du lịch, cho biết cả nhóm bạn của cô đều thích thú với “môi dán” vì vừa rẻ lại vừa độc đáo. “Nếu khéo mặc cả, còn có thể mua hai miếng dán chỉ với 15.000 đồng”, Hoài Mỹ nói.
BS Nguyễn Thành đang tư vấn cho một ca dị ứng do dán môi.Ảnh: Đ.Trần.
Địa điểm bán “môi dán” cũng rất thuận tiện cho nhu cầu của người sử dụng
bởi có thể mua dễ dàng ở chợ đêm sinh viên, trong các cửa hàng bán mỹ
phẩm, son phấn, các tiệm cắt tóc, gội đầu. Người bán thậm chí sẵn sàng
dán không tính công cho khách.
Lê Thị Ly, nhân viên một cửa hàng làm đầu ngay sát cổng ký túc xá Mễ Trì, cho biết chỉ việc bóc lớp nylon phía sau rồi dán phần có khối hình lên môi. Đợi 5 phút, bóc tiếp lớp nylông phía ngoài là có một "hình xăm" theo ý muốn. Khi không muốn sử dụng nữa, chỉ việc dùng lọ hóa chất tẩy trang có bán kèm sẵn theo miếng xăm, bôi lên vùng môi là tẩy hết được màu.
“Nhằm phải tối sinh nhật hay biểu diễn văn nghệ, cửa hàng em dán mấy chục đôi môi cho khách”, Ly cho hay. Theo cô nhân viên này, hàng nhập về không rõ nguồn gốc vì ngoài lớp giấy dán sau băng dính, trên đôi môi dán không hề có bất cứ một dòng chữ nào ghi xuất xứ nơi sản xuất hay thành phần hóa chất.
Bác sĩ Nguyễn Thành khuyến cáo,khi xăm hình dù bằng kim hay miếng dán, nguy cơ bị dị ứng do hóa chất có trong mực in là như nhau. Điều này sẽ nguy hiểm với người có cơ địa dị ứng hóa chất lạ, đặc biệt với môi là vùng có lớp da rất nhạy cảm với hóa chất.
Theo Đức Dũng
BDV