Người bơm, vá xe miễn phí
17 giờ chiều, giao lộ Điện Biên Phủ - Hà Huy Tập (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) đông nghịt người. Từng dòng xe hối hả trở về nhà sau giờ tan tầm. Từng tốp học sinh tíu tít trò chuyện, đùa nghịch sau giờ học căng thẳng.
Điểm bơm, vá, sửa xe nằm ngay giao lộ này không tên, không biển hiệu cũng bỗng chốc đông khách hơn hẳn.
“Chú Hùng ơi, bơm giúp con cái lốp xe với. Hai lốp luôn nha chú. Xe con nữa nha chú”, giọng mấy cô bé học sinh rôm rả.
Người đàn ông gầy gò, da đen nhẻm, mắt đeo kính cận mỉm cười hiền lành chào mấy vị khách của mình. Ông cặm cụi, tỉ mỉ bơm hơi cho từng chiếc xe đạp, xe đạp điện của khách hàng nhỏ tuổi.
Mấy cô cậu học sinh lại rộn ràng cảm ơn rồi lên xe về nhà mà không cần phải trả tiền.
Người đàn ông lại mỉm cười hiền lành, ngồi bên tấm biển bằng gỗ treo trước điểm bơm vá của mình nhìn dòng xe nườm nượp trên đường.
Ông tự giới thiệu mình là Trần Viết Hùng (49 tuổi, trú tại phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, Đà Nẵng).
Tấm biển của ông màu đỏ, mấy dòng chữ được viết nắn nót: “Bơm vá 325, Honda, xe đạp. Học sinh, người tàn tật, miễn phí”. Trên tấm bảng còn ghi rõ số điện thoại của ông Hùng để khách có thể gọi khi cần.
“Tôi sức khỏe yếu, không có việc làm nên ra đây mượn tạm vỉa hè trước nhà người ta bơm, vá lốp xe kiếm sống qua ngày.
Bơm 1 lốp 2 ngàn, vá 1 lốp 10 ngàn. Ngày nhiều cũng kiếm được khoảng 150 ngàn về nuôi vợ con. Cũng có ngày chẳng được đồng nào. Vậy mà đã gần 15 năm tôi kiếm sống bằng cái nghề này rồi, không giàu nhưng cũng đủ ăn.
Riêng mấy đứa học trò và mấy người khuyết tật, tôi bơm, vá miễn phí hết khi họ cần”, ông Hùng mỉm cười nói.
Ông cho hay có hai trường học chỉ cách điểm bơm vá của ông vài trăm mét. Thấy cảnh học sinh phải đẩy bộ xe về mỗi khi thủng lốp hoặc bị xì hơi mà không dám ghé chân vào tiệm khiến ông thương cảm.
Từ đó, ông nảy ra ý định bơm hoặc vá miễn phí cho tụi học trò những lúc như vậy.
Tấm biển thông báo ông Hùng nắn nót ghi chữ thật đẹp, rõ ràng
“Có chú Hùng ở đây tụi con yên tâm lắm. Tụi con đi học xe bị hư, xìu hơi, thủng lốp chú đều sửa được hết mà chẳng lấy tiền”, em Nguyễn Thị Linh Đan (học sinh lơp 12 trường THPT Thái Phiên, quận Thanh Khê) nói.
Sau đó, từ việc bơm, vá miễn phí cho học sinh ban đầu, ông Hùng mở rộng đối tượng ưu tiên thêm cho người khuyết tật.
“Họ khuyết tật nhưng tự làm, tự ăn. Phần đông trong số họ đi xe lăn rong ruổi bán vé số. Mình tay chân lành lặn, khi họ cần thì giúp chút đỉnh chứ lấy tiền họ làm chi”, ông Hùng tâm sự.
“Tôi có gì đâu mà làm từ thiện”
Ông Hùng kể, khi biết ông giúp bơm, vá miễn phí cho học sinh, người khuyết tật thìnhiều người gọi ông là “hâm”. Họ chê ông nghèo chẳng lo kiếm sống mà còn bày đặt làm từ thiện. Mà, nhà ông thì nghèo thiệt.
Ông kể, gia đình mình có 6 người phải sống trong căn hộ tập thể cũ kỹ đã hơn 30 năm qua. Mẹ ông già yếu nên phải nằm một chỗ. Vợ ông cũng không có công ăn việc làm ổn định, hàng ngày đẩy xe đi bán bánh mỳ khắp nơi.
Vợ chồng ông có 3 người con, hai người vẫn đang theo học. Riêng người con cả từ năm học lớp 9 bị bệnh nặng nên phải nghỉ học giữa chừng.
“Nó bị bệnh phổi nên sức khỏe yếu lắm. Bây giờ lớn rồi cũng chỉ ở nhà làm việc nhẹ nhàng. Hồi nó bệnh vợ chồng tôi không có tiền chữa nên bệnh mới nặng vậy. Âu cũng là cái số”, ông Hùng nói.
Công việc của cả hai vợ chồng ông đều cho thu nhập bấp bênh. Nhiều lúc, con trai đầu lên cơn bệnh, cả hai vợ chồng phải chạy vạy vay mượn từng đồng để chữa trị.
Mỗi ngày, vợ ông đi bán bánh mỳ buổi sáng thì ông phải ở nhà chăm mẹ già. Chiều, ông đi làm thì vợ ông thay ca. Ông bảo, gia đình mình quanh năm túng thiếu tiền bạc, nhưng nụ cười thì nhiều lắm.
“Nhiều người nói tôi bị khùng, làm không đủ ăn bày đặt làm từ thiện không công. Tôi nói không phải, tôi có gì mà làm từ thiện, tôi chỉ giúp những người khó, khổ hơn mình mà thôi.
Nhiều người có tiền, họ làm từ thiện hàng trăm triệu đồng giúp người nghèo khó.
Mình không có gì, chỉ có sức khỏe với cái nghề thì mình giúp họ thôi. Mấy đứa học sinh như con mình, mình giúp chúng thì khi con mình có chuyện gì sẽ có người giúp lại.
Mấy người khuyết tật, mình cầm tiền họ coi sao được. Mình nghèo tiền bạc chứ sao nghèo lương tâm được”, ông tâm sự.
Ông Hùng cho hay điểm bơm vá của ông hoạt động đến hơn 12 giờ đêm mới đóng cửa nghỉ.
“Tôi làm đêm để kiếm thêm ít tiền. Ngày cũng như đêm, tôi không bao giờ tăng giá vì bất cứ lý do gì.
Có những đêm nửa khuya, có người thủng lốp phải đẩy bộ mấy cây số. Đến khi thấy số điện thoại của tôi liền gọi để "cầu cứu".
Tôi chưa từ chối giúp đỡ ai trong những trường hợp đó bao giờ. Có điện thoại là tôi nhổm dậy, lấy đồ nghề đi ngay. Giờ đó, có việc cần họ mới ra ngoài, mình giúp họ xong có khi trời cũng vừa hửng sáng. Mệt mà vui.
Cũng có người quay lại tặng quà cảm ơn, tôi từ chối hết. Mình làm công lấy tiền, giúp họ lúc ngặt nghèo thì ơn huệ chi, miễn mọi người sống với nhau vui là được”, ông Hùng cười hiền lành.