Phóng viên Tuổi Trẻ thâm nhập đường dây bất lương này. Một trái dừa bình thường có giá 10.000 - 15.000 đồng.
Nhưng qua nhóm buôn bán bất lương này, du khách bị ép trả với giá 50.000 -100.000 đồng/trái, thậm chí 200.000 đồng/trái. Thực chất đó là hành vi trấn lột.
Có nhiều băng nhóm
Đội quân hành nghề bán dừa này có khoảng 30 người, lãnh địa được “quy hoạch” trước các địa điểm tham quan như hội trường Thống Nhất, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng TP.HCM...
Theo đó, khu vực đường Nguyễn Du, Lý Tự Trọng, Huyền Trân Công Chúa (P.Bến Thành, Q.1) là địa bàn hoạt động của ông Thanh, ông Ngọc, ông Tý; khu vực trên đường Lê Quý Đôn, Nguyễn Thị Minh Khai, Nam Kỳ Khởi Nghĩa (P.6, Q.3) là địa bàn hoạt động của anh em ông Tâm, ông Đầy, ông Bảy...
Sáng 6-5, khi chúng tôi lò dò xin theo "học nghề” và gia nhập, Tý - một tay bán dừa - quát tháo: “Bộ mày tưởng nghề này dễ làm lắm hả?
Rành tiếng Anh chưa chắc đã làm được. Khu vực này đã được phân chia địa bàn rồi, đâu phải dễ ăn mà vào!”.
Tý cho biết đội quân bán dừa ở khu vực trung tâm TP đều là anh em trong nhà, ở trọ cùng một chỗ nên việc “xin xỏ” vào làm rất khó.
Có lẽ đó là một trong những nguyên tắc để tổ chức hoạt động chặt chẽ và kín đáo.
Rồi Tý cũng xiêu, chỉ dẫn chúng tôi gặp ông Thanh (quê Tiền Giang), người có thâm niên bán dừa trên 10 năm.
Ông Thanh xua tay: “Mày đi chỗ khác đi, không ai cho mày bán đâu. Khu vực này đã được ăn chia cả rồi, mày bán cà chớn là tụi nó đánh chết đó”.
Để chứng minh điều mình nói, ông Thanh chỉ tay về hướng khu vực đường Nguyễn Du nói:
“Ở góc đó có một thằng bán, khu vực đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa có hai thằng bán, đường Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Quý Đôn có cả chục thằng tranh nhau từng mét vuông”.
Ông Thanh phổ biến kỹ năng moi tiền du khách: “Đối với khách trong nước mình bán giá mềm thôi, khoảng 20.000 đồng/trái, còn khi gặp khách nước ngoài tùy vào từng người mà ra giá khác nhau.
Khi thấy khách lớ ngớ là phải bám theo ra dấu bằng cách giơ ngón tay. Ra dấu từ 1 - 5 ngón tay để khách nghĩ là 5 ngón tay là 5 USD, 1 ngón tay là 10 USD”.
Khi đang dạy chúng tôi, nhác thấy hai vị khách nước ngoài đi bộ trên vỉa hè, ông Thanh hét: “Hello, sir!...” và đu theo mấy chục mét.
Nhì nhằng mãi rồi hai vị khách cũng miễn cưỡng móc tiền mua dừa.
Mấy phút sau ông ta quay lại, nói “nhìn đó mà học”. Ông Thanh nói mỗi ngày kiếm được 600.000 - 700.000 đồng, có ngày nhiều hơn.
Một tay bán dừa ở đường Nguyễn Thị Minh Khai còn trắng trợn: một ngón tay là 10 USD, nếu khách không hiểu hoặc lằng nhằng thì cầm tờ tiền gí vào mặt nó!
Tuy nhiên, tay này cũng tỏ ra thận trọng: “Muốn chém đẹp cũng phải coi mặt, có nhiều khách nước ngoài sang đây du lịch rành lắm.
Nếu bị chặt chém, họ chụp hình mình rồi gửi lên phường bắt phạt thì ráng chịu”.
“Chặt chém”, đe dọa
Ông N. (ngụ Q.2), lái xe cho một công ty du lịch chuyên chở khách nước ngoài tham quan, bức xúc cho biết nhóm bán dừa có gần 30 người bủa vây trên nhiều tuyến đường.
Khi khách nước ngoài đi ngang, nhóm thanh niên liền bám sát chèo kéo mời gánh dừa để tạo dáng chụp hình.
Tiếp đó, họ sẽ nhanh tay chặt dừa đưa cho khách mà không thông báo giá cả.
Khách dùng xong trái dừa mới tá hỏa khi biết phải trả 150.000 - 200.000 đồng/trái.
“Nhiều lần thấy du khách bị nhóm bán dừa “chặt chém” nhưng tôi và nhiều tài xế không dám can thiệp vì họ rất đông và hung dữ.
Đa số khách nước ngoài không muốn phiền phức hoặc sợ không ai bảo vệ mình nên họ trả tiền trong ấm ức” - ông N. bức xúc.
Nhiều ngày đeo bám nhóm bán dừa này, chúng tôi xác định với những vị khách lỡ gánh hàng thì nhóm người bán dừa tìm đủ cách ép mua dừa với giá cắt cổ.
Khoảng 10g ngày 5-5, ông Ngọc ôm gánh dừa loe hoe gần 10 trái núp ở góc đường Nguyễn Du đợi “con mồi”.
Vài phút sau, thấy hai du khách nước ngoài một nam, một nữ xuất hiện rảo bộ hướng về đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, lập tức ông Ngọc gánh dừa chạy băng qua đường chặn ngay trước mặt.
Sau vài ba câu tiếng Anh bập bõm, ông Ngọc chuyền gánh dừa từ vai mình qua vai du khách nam khiến người này sửng sốt.
Cuối cùng hai vị khách này buộc phải móc 200.000 đồng để mua hai trái dừa.
Trong một số trường hợp khách không chịu trả tiền thì bọn này sẵn sàng giật ví của khách, trắng trợn tự lấy tiền.
Nhưng không phải lúc nào những đối tượng này cũng thành công.
Ngày 8-5 tại giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (P.6, Q.3), hai du khách nữ bị em trai ông Tâm chặn đường dụ gánh dừa và niềm nở chặt một trái dừa cho uống.
Khi vị khách nữ vừa cầm trái dừa lên uống thì người này giơ hai ngón tay ra hiệu trả tiền.
Lúc này, hai vị khách nữ đỏ mặt sửng sốt lúi húi móc túi đưa 10.000 đồng nhưng thanh niên này lắc đầu và tiếp tục giơ hai ngón tay ra hiệu đưa thêm tiền.
Lần này, hai du khách móc thêm 10.000 đồng đưa thì người thanh niên tỏ vẻ bực tức chửi: “Đ.M, nó có tiền đó nhưng nó “kẹo” lắm, nó biết hết giá cả rồi”. Trận “chặt chém” này thất bại.
Đã xử lý nhiều trường hợp
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Công an P.6 (Q.3) cho biết để chấn chỉnh tình trạng chèo kéo, ép du khách nước ngoài mua dừa với giá cắt cổ trước Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, công an phường gần đây đã quyết liệt tuần tra xử lý hơn 10 trường hợp.
Những trường hợp này ngoài việc xử phạt hành chính, công an phường còn tịch thu dụng cụ hành nghề.
Thời gian tới, công an phường sẽ tiếp tục tuần tra xử lý triệt để tình trạng trên, vị đại diện này nói.
Chủ tịch UBND P.Bến Thành (Q.1) Nguyễn Võ Phương Quỳnh cho biết hiện nay hai phường Bến Thành và Bến Nghé đang phối hợp với P.6 (Q.3) cùng tuần tra xử lý các trường hợp bán dừa chèo kéo du khách.
“Hiện tại UBND phường chưa ghi nhận có du khách nước ngoài nào phản ảnh việc bị nhóm người này chèo kéo, bán dừa “chặt chém” mà do lực lượng chức năng phường chủ động tuần tra, khi phát hiện những gánh hàng như vậy sẽ nhắc nhở, nếu tái phạm sẽ tịch thu, lập biên bản xử lý hành chính” - bà Quỳnh nói.
>> Sự thật về phát ngôn "chữa 5.000 người ung thư" của lương y Giang
>> Hàng trăm con rắn đu mình trên cây tại "vương quốc" độc xà