Dương Tự Trọng: Nỗi đau và suy ngẫm

Đằng sau bản án 18 năm tù dành cho Dương Tự Trọng phải chăng là cả một câu chuyện dài về cái tình huynh đệ, về một gia đình "danh gia vọng tộc" bậc nhất đất Cảng.

Khắc tinh của giang hồ đất Cảng

Dương Tự Trọng sinh năm 1962, là con trai của ông Dương Khắc Thụ, nguyên Đại tá Giám đốc Công an Thành phố Hải Phòng trong thập niên 70-80.

Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống, các anh chị em đều là nắm giữ những chức vụ quan trọng, đều có tiền tài danh vọng. Anh trai là Dương Chí Dũng - cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines lừng lẫy một thời. Em gái út là bà Dương Thị Băng Tâm, cũng là một cán bộ trong ngành Công an.

Về bản thân Dương Tự Trọng, có một điều mà ít người biết, đó là Dương Tự Trọng xuất thân trong một gia đình công an nòi, nhưng bản thân Dương Tự Trọng lại không phải theo nghiệp công an từ đầu. Trọng là sinh viên Đại học Bách Khoa và chữa tivi, đồ điện tử rất giỏi.

Trong khoảng hơn chục năm trước, về đánh án hình sự ở phía Bắc này, có những cán bộ công an được coi là có biệt tài đánh án là Phan Văn Vĩnh (GĐ Công an tỉnh Nam Định - nay anh Vĩnh là Trung tướng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát điều tra phòng chống tội phạm), Nguyễn Đức Nhanh (Trưởng phòng Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội, rồi sau là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh 2, Giám đốc Công an TP Hà Nội - Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh vừa mới nghỉ hưu năm ngoái) và Dương Tự Trọng.

 - Ảnh 1

Dương Tự Trọng từng là khắc tinh của những tên tội phạm đất Cảng.

Đất Hải Phòng vốn là đất “dữ” và là nơi sản sinh ra nhiều băng nhóm tội phạm và với nhiều tên tội phạm hình sự khét tiếng. Nói về chất giang hồ thì giang hồ Hải Phòng là dữ nhất, mưu mẹo nhất và cũng lạnh lùng nhất. Nhiều năm làm Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, rồi sau được đề bạt làm Phó giám đốc Công an thành phố.

Sa chân vào vòng lao lý vì một chữ tình?

Ngay sau khi được báo tin như trên, Dũng đã lập tức “cầu cứu” em trai là Dương Tự Trọng, khi đó đang đương chức Phó Giám đốc Công an Hải Phòng.

Để giúp anh “đi càng xa Việt Nam càng tốt”, ngay lập tức, một phương án trốn chạy được cựu đại tá công an lên kế hoạch, với sự giúp sức của Vũ Tiến Sơn. Cựu Phó phòng CSHS Công an TP Hải Phòng không quên nhắc “sếp” Trọng trực tiếp gọi điện cho giang hồ cộm cán Dũng "Bắc Kạn" để “nhờ vả”. Cuộc đào tẩu bất thành và Dương Chí Dũng đã bị tuyên án tử tại phiên tòa sơ thẩm vừa qua.

Theo cáo buộc của Viện Kiểm sát Tối cao, bị can Dương Tự Trọng là người khởi xướng, chủ mưu, chỉ đạo và giao cho các đồng phạm tổ chức đưa Dương Chí Dũng – nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải – nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines trốn sang Campuchia ngày 23/5/2012 qua khu vực biên giới cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh.

 - Ảnh 2

Cán bộ đánh án lụy một chữ tình.

Với vai trò chủ mưu, cầm đầu, Dương Tự Trọng bị truy tố theo Khoản 3, Điều 275, Bộ Luật hình sự. Trong quá trình điều tra, bị can Dương Tự Trọng chưa thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Kết luận truy tố cũng khẳng định, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội có tổ chức, do Dương Tự Trọng là người chủ mưu, cầm đầu. Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi như sử dụng sim rác, thường xuyên thay đổi số điện thoại, thay đổi địa điểm để trốn.

Các đối tượng thực hiện từng phần việc khác nhau nhằm che dấu hành vi phạm tội đã xâm hại trực tiếp đến trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh.

Vụ việc cản trở, gây khó khăn rất lớn đến quá trình điều tra vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Vinalines do Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an khởi tố điều tra mà Dương Chí Dũng là bị can chính trong vụ án; Tạo dư luận xã hội không tốt, gây mất lòng tin của nhân dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

 - Ảnh 3

Dương Tự Trọng - cái tên để lại nhiều suy ngẫm.

Và những ngày sau tuổi 52 của ông Trọng, việc phải sống sau song sắt giống như bao nhiêu tên tội phạm mà ông đã bắt ở trước kia, vẫn chưa phải là kịch bản đau đớn nhất. Bố mẹ ông, đã chạm cái ngưỡng gần đất xa trời, vẫn còn phải quặn ruột về đứa con không còn nhỏ dại. Ở tuổi 90, người cha Nguyễn Khắc Thụ đã rất yếu, hầu như không biết gì, vẫn chưa biết cái tin động trời này. Tất cả gánh nặng nghìn cân ấy dồn lên vai người mẹ đang nuôi chồng bệnh tật.

Chỉ trong một thời gian ngắn, gia đình "danh gia vọng tộc" đã từng có nhiều cống hiến cho đất nước lại rơi vào cảnh xót xa khi các con trai Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng bị bắt; con rể Nguyễn Bình Kiên bị khai trừ Đảng và hàng loạt những người thân tín như Vũ Tiến Sơn, Hoàng Văn Thắng, Nguyễn Trọng Ánh đều vướng vào vòng lao lý.

Và cái kết 18 năm tù

Theo đúng kế hoạch, 15h ngày 8/1 HĐXX trở lại làm việc để tuyên án dành cho các bị cáo trong vụ Dương Tự Trọng cùng đồng phạm về tội Tổ chức đưa người trốn ra nước ngoài.

Đúng 15h20, vị đại diện cho HĐXX, chủ tọa Trương Việt Toàn đọc bản án cuối cùng dành cho các bị cáo. Theo HĐXX, căn cứ vào lời khai của các bị cáo tại tòa cũng như những chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra thì không có gì mâu thuẫn, vậy có thể khẳng định các bị cáo đã có hành vi tổ chức và giúp Dương Chí Dũng bỏ trốn.

Mặc dù trong suốt phiên tòa, Dương Tự Trọng đều "không phủ nhận cũng không thừa nhận", nhưng dựa vào những căn cứ đã có trong hồ sơ và những lời khai của các bị cáo khác, có thể thấy Trọng là người chủ mưu trong cuộc "đào tẩu" của anh trai. Đây là hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

HĐXX cho rằng bản án mà VKS đề xuất là chưa chính xác. Với những hành vi thuộc nhóm đối tượng đặc biệt nghiêm trọng, cần có một bản án nghiêm khắc hơn.

Các bị cáo Vũ Tiến Sơn, Trần Văn Dũng, Đồng Xuân Phong, Nguyễn Trọng Ánh, Tuấn trong quá trình điều tra đều thành khẩn khai báo, lại phạm tội vì tình cảm, nên cần xem xét giảm nhẹ tội.

Quan điểm của HĐXX là do Dương Chí Dũng đã bỏ trốn trước khởi tố một ngày, vì vậy cần tiến hành khởi tố vụ án làm lộ quá trình công tác gây khó khăn cho quá trình điều tra. Đồng thời cần điều tra làm rõ hành vi đưa và nhận hối lộ mà bị cáo Dương Chí Dũng đã khai tại phiên xét xử chiều qua đối với "ông anh" ở Bộ Công an.

 - Ảnh 4
 

Chủ tọa thông báo trong phiên xử các bị cáo thừa nhận hành vi, riêng ông Trọng không thừa nhận nhưng không phủ nhận lời khai của các bị cáo.

Theo chủ tọa, trước tòa Dương Chí Dũng cũng khai đã đưa cho "ông anh" 510.000 USD để "lo việc".

Sau khi nghe đề nghị mức án, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX xem xét khởi tố vụ án cố ý làm lộ tài liệu công tác đồng thời làm rõ về lời khai số tiền ông Dũng đã khai.

Tòa cho rằng lời khai của các bị cáo phù hợp, không mâu thuẫn với lịch trình trốn truy nã của ông Dũng. Các bị cáo đã có hành vi tổ chức cho ông Dũng trốn ra nước ngoài, vi phạm quy định Điều 275 Bộ luật hình sự.

Dù bị cáo Trọng không thừa nhận nhưng HĐXX nhận thấy bị cáo đã đứng đầu, chủ mưu kế hoạch bỏ trốn. Việc truy tố là có căn cứ, đúng pháp luật.

Theo luật sư Nguyễn Đình Hưng, ông đã chuẩn bị cẩn thận một số nội dung trước phiên sơ thẩm xét xử cựu Đại tá Dương Tự Trọng về việc tổ chức đưa anh trai Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài khi Dũng nhận được thông tin “mật báo” sẽ bị khởi tố.

Trước ngày xét xử, ngày 27/12, luật sư Nguyễn Đình Hưng cho biết: "Tôi đã gặp thân chủ nhiều lần, bây giờ anh ấy vẫn kiên định, điềm tĩnh, sẵn sàng đối mặt với án phạt dành cho mình, chỉ mong pháp luật công bằng thôi".

Nói về việc ông Trọng tổ chức cho anh trai bỏ trốn ra nước ngoài, luật sư Hưng cho rằng: "Tôi nghĩ tội thế là đúng. Nhưng việc em giúp anh bỏ trốn là việc tất yếu của người Việt, máu chảy ruột mềm, môi hở răng lạnh. Ý thức ban đầu của anh Trọng là giấu anh Dũng để hết cơn khủng hoảng thôi, trốn đi rồi thì anh Trọng phải chịu hậu quả đã xảy ra".

HĐXX tuyên án cuối cùng.

Bị cáo Dương Tự Trọng: 18 năm tù.

Bị cáo Vũ Tiến Sơn: 13 năm tù

Các bị cáo Hoàng Văn Thắng và Phạm Minh Tuấn mỗi người lĩnh án 5 năm tù.

Bị cáo Đồng Xuân Phong: 7 năm,

Bị cáo Trần Văn Dũng: 8 năm.

Bị cáo Nguyễn Trọng Ánh: 6 năm.

Sau vụ án này, sẽ tiến hành khởi tố vụ án Cố ý làm lộ bí mật nhà nước theo Điều 263 BLHS

Như vậy, chỉ trong một thời gian rất ngắn, 2 anh em Dũng - Trọng lần lượt ra trước vành móng ngựa và nhận những bản án xứng đáng với hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, phía sau vụ án này, lại là những câu chuyện dài về hình ảnh cựu PGĐ Công an Hải Phòng, một người từng là khắc tinh của bọn tội phạm, từng ghi dấu ấn trong rất nhiều vụ trọng án trong suốt những năm tháng hoạt động trong ngành.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại