Sau khi ra tù, nhiều người đã cố gắng vượt qua mặc cảm để từng bước tái hòa nhập cộng đồng. Con đường hoàn lương của họ tuy có lúc gập ghềnh nhưng với quyết tâm “quay đầu là bờ”, cuối cùng họ đã thành công.
Loạt bài dưới đây một lần nữa khẳng định: “Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội…” như Điều 27 Bộ luật Hình sự đã minh định.
Chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Tấn Giàu (xã Thới Tam Thôn, Hóc Môn, TP.HCM) vào một buổi chiều khi người đàn ông ấy đang hì hục tắm cho đàn bò sữa. Thấy khách, anh chọc: “Đứng ở ngoài thôi chứ vào bị bò húc ráng chịu! Mấy con bò này dữ lắm, hễ thấy người lạ là chúi mũi vào húc thôi…”. Nghe tiếng cười khanh khách, đầy vẻ hài hước ấy, ít ai biết rằng hơn 10 năm về trước anh từng là kẻ giết người và phải chịu mức án 15 năm tù.
Bênh em, anh thành kẻ giết người
Chuyện xảy ra từ năm 2003. “Hồi đó, 21 tuổi rồi nhưng tôi chỉ mới học lớp 11 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hóc Môn. Ham chơi quá, tôi bỏ học giữa chừng”.
Hôm ấy, Giàu và em trai cùng đi nhậu với một nhóm bạn. Trong quán nhậu, em trai Giàu thấy một người ở bàn bên cạnh xỉn và ói ra máu thì nói: “Nhậu gì ói ra máu, ghê quá!”. Không ngờ nghe câu nói này, người bàn bên gằn giọng: “Mày có thích uống máu tao vừa ói ra không?”. Nói dứt câu, người này cùng nhóm bạn xông vào đánh em trai Giàu. Vì bênh em, Giàu đã làm một người chết.
Gây án xong, Giàu tính chuyện bỏ trốn. “Nhưng rồi thằng em tôi sợ quá nên nó vội vàng đi đầu thú và khai ra tôi nữa. Vậy là công an đến nhà bắt tôi đi” - Giàu kể.
Xử sơ thẩm, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Giàu 17 năm tù về tội giết người. Giàu kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tháng 10-2003, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã tuyên giảm án cho Giàu từ 17 năm xuống 15 năm tù vì bị cáo ăn năn, thành khẩn, gia đình có công với cách mạng. “Nghe tôi được giảm án, mẹ tôi bớt khóc, còn ba thì nở nụ cười động viên... Chính nụ cười này của ba đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều và lấy đó làm động lực để phấn đấu cải tạo tốt để không phụ lòng cha mẹ mình” - Giàu nói.
Một cuộc đời tái sinh
Ở trại giam, do có chút học thức nên Giàu được phân công làm thư ký phân chia cá rồi thay cán bộ quản giáo nhận và phân phối cá ra thị trường. Giàu kể: “Công việc thì vất vả, thù lao lại không có nhưng tôi làm nhiệt tình lắm. Tôi chẳng ngại việc gì cả, hễ cán bộ phân công là tôi hoàn thành thiệt tốt. Bởi những lúc ấy, tôi luôn nghĩ cha mẹ phải lam lũ nuôi mình khôn lớn, mình chưa giúp được gì cho gia đình mà giờ cha mẹ còn phải kiếm tiền để bồi thường thiệt hại do tội lỗi của mình gây ra. Nghĩ đến tương lai phía trước, tôi quyết tâm cải tạo tốt”.
Khuôn mặt hớn hở, Giàu nói: “Suốt hơn bảy năm đi tù, mỗi lần đến các ngày lễ, tết tôi đều có tên trong danh sách phạm nhân được giảm án. Có năm tôi được giảm đến hai năm tù”. Và rồi kết quả đã không phụ lòng sự nỗ lực của anh: Ngày 28-9-2010, sau bảy năm trong trại giam, Giàu được trả tự do.
Chuẩn bị đón con trai trở về, ông Nguyễn Văn Chiếc (cha Giàu) đã hồi hộp, hạnh phúc như ngày Giàu cất tiếng khóc oe oe chào đời trong bệnh viện. “Hôm đó, tôi bắt thằng anh dậy thật sớm chạy xe xuống trại giam để đón thằng em kẻo không kịp. Lỡ nó ra mà không thấy người nhà thì tủi lắm! Ở nhà, tôi dặn vợ chuẩn bị sẵn ít mâm, trong đó có mấy món ăn nó thích. Anh em, chú bác biết nó về cũng đến chung vui, động viên nhiều lắm” - cha Giàu kể.
Ông cho biết sau ngày từ trại trở về, sợ Giàu mặc cảm với quá khứ rồi trở lại con đường cũ, gia đình ông đã ráo riết tìm vợ cho con trai. “Tôi bí mật nói với các thành viên trong nhà ai biết cô gái nào thì phải đưa về giới thiệu cho nó. Có vợ nó mới tu chí làm ăn được!”.
Chuyện hôm qua chỉ là giấc mơ buồn
Đầu năm 2011, Giàu cưới vợ và suốt ngày chỉ biết lo cho gia đình và đàn bò 20 con của mình. Ông Chiếc khoe: “Một ngày nó thu được 90-100 lít sữa, với giá bán 12.000 đồng/lít, tính ra mỗi ngày nó kiếm được cả triệu đồng. Chưa nói có lúc nó còn tranh thủ đi vắt sữa thuê cho người ta nữa. Nhìn nó chí thú làm ăn, tôi ngỡ ngày hôm qua tù tội của con chỉ như một giấc mơ buồn”.
Tôi hỏi Giàu: “Trước kia vì bênh em mà phải lãnh 15 năm tù, bây giờ nếu người thân của mình bị bắt nạt, anh có ra tay làm bậy nữa không?”. Chẳng cần suy nghĩ, Giàu trả lời chắc nịch: “Không! Tôi sẽ gọi cho cảnh sát 113. Trước kia do còn trẻ, suy nghĩ chưa thấu đáo nên tôi mới hành động nông nổi, bồng bột như thế. Giờ phải khác, phải bình tĩnh để không dính vào vòng tù tội nữa”.
Miệng nói, tay Giàu thoăn thoắt trộn thức ăn cho bò. Nhìn con trai làm việc, ông Chiếc cười: “Suốt ngày nó chỉ làm bạn với bò. Lo cho mấy con bò còn… hơn cả lo cho tui nữa. Chỉ cần một con bị làm sao là nó đứng ngồi không yên”.
Nghe cha nói, Giàu đùa theo: “Ngày nào tôi cũng bận với 20 con bò của mình, đi đâu là phải tranh thủ về cho ăn, tắm rửa, làm vệ sinh chuồng trại. Chỉ cần xa nó một ngày thì… nhớ lắm!”. Giàu cho biết sắp tới đây anh dự tính sẽ xây thêm chuồng trại rồi mua thêm bò về để phát triển thành trang trại chăn nuôi tại nhà.
Anh nở nụ cười thật tươi khi nói về tương lai phía trước của mình.
Giàu là một đoàn viên tiêu biểu, được xã đoàn tuyên dương vào năm 2013 vì là thanh niên làm ăn giỏi, biết ăn năn, làm lại cuộc đời sau vấp ngã. Từ ngày trở về, Giàu luôn tu chí làm ăn, tích cực tham gia các hoạt động đoàn. Trong mấy năm qua, mỗi lần xã có chương trình giáo dục đạo đức và ý chí cho thanh thiếu niên, chúng tôi đều mời Giàu lên phát biểu…
Trung tá NGUYỄN VĂN BƠ, Trưởng Công an xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP.HCM