Bán máu đến bán thận
Giữa tháng 12/2007, Tô Công Luân (quê Ninh Thuận, đang là sinh viên năm 2, trung cấp KTCN 4 ) chào người yêu- Thuỷ (18 tuổi) để “sang Trung Quốc làm thêm kiếm ít tiền” lo việc học hiện tại, dư chút ít gởi về gia đình và làm đám cưới. Lúc này, Thuỷ đang có thai hai tháng.
“Em quen anh Luân từ khi còn ở quê. Tụi em thương nhau lắm. Anh Luân vào Sài Gòn học, em trốn nhà vào Sài Gòn chấp nhận sống với ảnh. Em bán cà phê, đi làm thêm mỗi tháng được vài trăm ngàn, phụ tiền nhà trọ, ăn uống. Anh Luân lo học. Biết nhà mình ở quê nghèo, làm nông mùa được mùa mất nên ảnh chỉ điện về nhà xin tiền đóng học phí, còn tiền cơm nước, nhà cửa phải tự lo. Có những lúc tụi em phải chia nhau hộp cơm ăn qua bữa, có lúc phụ nhau gánh tiền nhà trọ chỉ mong tự lập, không phiền gia đình. Anh Luân đạp xe đi phụ bán quán ăn, phụ hồ, làm công nhân…; có vài lần cần tiền gấp, ảnh phải lén em đi bán máu ở bệnh viện 175 để trang trải. Mỗi lần bán máu về mặt mày ảnh xanh xao hốc hác…”, Thuỷ nghẹn ngào kể.
Thấy người yêu thu xếp đồ đạc chuẩn bị cho một chuyến đi xa, Thuỷ khóc lóc can ngăn vì trước đó không lâu, cô đã từng nghe phong thanh rằng ở chỗ bán máu, có người rủ Luân sang Trung Quốc bán thận với giá 70 triệu đồng/quả. Cô sợ anh cần tiền quá, làm liều.
Luân cùng một toán năm người khác, theo một người đàn ông tên Tám sang Trung Quốc. Một ngày. Hai ngày. Mười ngày… vẫn không có tin tức gì về Việt Nam. Trong lúc Thuỷ hoang mang lo lắng thì vào cuối tuần thứ hai, cô nhận được điện thoại của người yêu gọi về. Anh bảo vẫn khoẻ và đang làm có tiền. “Nếu 2 - 3 hôm nữa mà không thấy anh về thì em sang đưa anh trở về và ráng lo cho anh. Đừng để gia đình anh biết…”.
Cô người yêu nấc nghẹn qua điện thoại. Linh cảm mách bảo Thuỷ rằng, đó là lần cuối cùng cô nghe được giọng nói của người yêu mình.
Hành trình tìm người yêu
Cái tết trôi qua, cô gái 18 tuổi cảm nhận cái thai đang lớn dần trong mình. Nhưng người yêu cô vẫn bặt âm vô tín. Những lời nói từ cuộc điện thoại cuối cùng cứ như một đám mây đầy xui rủi có thể đổ mưa bất cứ lúc nào.
Và rồi ngày đó cũng đến. Một hôm, người đàn bà tên Thanh gọi điện giục cô lên đường sang Trung Quốc tìm và đưa Luân về. Bà Thanh nói, chính bà là người quen biết Luân trong những lần đi bán máu ở bệnh viện 175 và cũng chính là người đã từng giới thiệu Luân với Tám, đầu mối của vụ bán thận này. Bà Thanh cho biết, hiện nay Luân đang bị tai nạn ở Trung Quốc.
15 tết, Thuỷ khăn gói theo bà Thanh lên tàu ra Hà Nội. Rồi từ Hà Nội bắt xe lên nằm ở biên giới Tân Thanh ba ngày trời chờ thị thực giấy thông hành. Số tiền suốt chuyến đi là bà Thanh vét túi chịu. Sau khi qua được cửa khẩu Tân Thanh thì họ phải bắt xe đi tiếp đến Bằng Tường. Mọi thứ do bà Thanh tự xoay xở. Ở đó, do bất đồng ngôn ngữ di chuyển khó khăn. Đã có lúc họ bơ vơ ở những bến xe biên giới, nơi mà nạn buôn bán, bắt cóc phụ nữ diễn ra khốc liệt. Theo lời Thuỷ kể, tại đây có lần cô suýt bị rơi vào tình trạng bị kẻ gian ép phải bán dâm…
Đến Bằng Tường, có một người đàn bà tên Mùi đến đón Thuỷ và bà Thanh, cho ăn uống và gọi điện để bà Thanh nói chuyện với ông Phong (theo nhiều nguồn tin, hiện ông Phong còn con cái, nhà cửa tại quận 6, TPHCM). Bà Thanh còn được Tám cho biết thêm: ông Phong gốc Việt Nam, đã nhập quốc tịch Trung Quốc; hiện đang giữ một chức vụ gì đó ở Quân y viện và Tổng y viện tỉnh Quảng Châu. Ông Phong là người “chủ xị” vụ mua thận này...
Lúc bấy giờ vì hay tin ở Việt Nam, mẹ già đang lên cơn đau tim khó qua khỏi nên bà Thanh nhận từ tay bà Mùi 500 tệ để quay về Việt Nam gấp. Còn Thuỷ tiếp tục đi với bà Mùi sang Quảng Châu tìm người yêu.
Nước mắt ngày trở về
Cô gái trẻ quê Việt Nam ngơ ngác trước Quảng Châu lộng lẫy và đông đúc. Ở đó, cô được ông Phong lo cho ăn ở tươm tất để một hôm sau đến gặp người yêu. Nỗi háo hức nóng lòng bấy lâu bị sụp đổ một cách đau đớn khi cánh cửa phòng điều dưỡng của bệnh viện Quảng Châu mở ra trắng toát, Luân, người yêu cô nằm rúm ró trên một chiếc nệm trắng, tay chân co quắp và vươn mắt nhìn cô, ậm ự nhưng không sao nói được.
Cô không tin vào mắt mình, người yêu cô cao ráo khoẻ mạnh, bây giờ là một người mang trên phần thân chi chít năm vết mổ, có vết dài dọc hết phần bụng. Cô oà khóc. Và ánh mắt Luân vẫn dại dại vươn ra nhìn cô. “Em thấy ảnh khó thở và muốn nói gì đó mà không sao nói được. Lồng ngực anh ấy cứ nấc lên từng cơn…”.
Cô được ông Phong lo cho ăn ở đầy đủ trong thời gian gần hai tháng ở Quảng Châu. Sau đó, ông Phong làm đơn xuất viện cho Luân rồi đút túi Thuỷ 20 triệu để lo chi phí đưa Luân ra khỏi Trung Quốc.
“Trên đường về, vẫn phải đặt ống truyền sữa cho anh Luân. Tay chân anh co quắp, hoàn toàn không nhận biết gì. Tụi em đi chung với một anh người Nha Trang cũng sang đó bán thận. Nghe nói, bác Phong biết anh này bị bệnh nên không mua thận, đút túi người này hai triệu đồng và trả về lại Việt Nam. Còn bốn người đi cùng đợt với anh Luân đã bán thận xong, hồi tỉnh, được nhận tiền sau đó hai ngày và trở về nhà từ trước…”, Thuỷ kể.
Một mình cô phải săn sóc người yêu suốt con đường dài về nhà. Và cô vẫn nhớ lời người yêu dặn dò “có bề gì thì em hãy lo cho anh, đừng báo gia đình anh biết” nên cô quyết định thuê xe chở Luân về nhà mình ở Phan Rang chăm sóc mà không báo cho gia đình Luân hay biết.
Tám, người dắt mối chính của vụ bán thận này, trong lúc đó đang ở Sài Gòn nhưng không lộ diện. Hắn tới tấp gọi điện cho bà Thanh dặn dò: “Không được đưa Luân vào bệnh viện, coi chừng vụ việc sẽ “bể dĩa”…”.
Theo Sài Gòn tiếp thị