Trong hồ nước, nông dân làm chuồng nuôi vịt. Qua mấy ngày mưa lũ, đàn vịt không còn, chỉ còn lại cái chuồng xiêu vẹo tả tơi. Một bác nông dân vác cuốc đi ngang dừng lại góp chuyện: “Mấy tháng trước, hồ nước sạch sẽ lắm, không ai dám thả vịt, thả cá, nước trong vắt. Nhưng từ khi thay Phật bà bằng cô du kích thì ra như ri đây”. Phật Quan Âm? Tôi ngạc nhiên và nhìn kỹ thì thấy có điều lạ là cô du kích này đứng trên... toà sen.
Bức tượng cô du kích đứng trên...toà sen trong hồ nước tại xã Đại Cường, Đại Lộc, Quảng Nam.
Bác nông dân này nói: “Hồi trước, bà con chúng tôi quyên góp tiền và xây
ở đây một tượng Phật bà. Được sáu tháng thì chính quyền không cho để
tượng nữa, đòi đập. Ông M., người phát động xây tượng, sợ đập thì uổng
phí mới kêu thợ sửa tượng lại thành cô du kích”.
Theo bác nông dân này, trước kia, đây là bức tượng Phật Quan Âm trắng tinh, ngự trên toà sen, với tà áo choàng trắng bay phất phơ, một tay cầm bình cam lồ, một tay cầm nhành dương. Thế nhưng, sau đó, người ta đã phải cắt áo choàng đi, đội lên đầu tượng một mũ tai bèo rộng sụp xuống tận trán, bẻ tay cầm hồ lô và tay cầm nhành dương rồi đặt vào đó một cây súng trường.
Tôi đến nhà ông M., chỉ cách bức tượng vài trăm mét. Ông M. nói: “Hồ nước trước kia là đám ruộng. Tôi đề xuất ý tưởng và được huyện hưởng ứng thành lập dự án đào đám ruộng thành hồ nước để lấy nước tưới cho mấy chục hecta đất màu của thôn. Hồ nước ra đời, vì nó nằm ở đầu cái làng này, nên để cho hồ nước sạch sẽ, tôi đã vận động bà con quyên góp xây bức tượng Quan Âm ở giữa hồ. Tôi nghĩ xây bức tượng Phật lên thì cái hồ nước đó mới sạch vì sẽ không ai dám vứt rác, nuôi cá, thả vịt, cho trâu dầm dưới đó. Và đúng như vậy, suốt sáu tháng sau, hồ nước vẫn sạch tinh tươm. Tuy nhiên, đùng một cái, mấy “ổng” không cho đặt tượng nữa”.
“Trước khi xây, anh có xin ý kiến chính quyền không?”, tôi hỏi. “Có chớ, huyện, xã gì tôi cũng nói. Lúc đó ai cũng vui vẻ, bởi vì có chi trầm trọng. Thành phố Đà Nẵng, cách đây 20km, người ta xây tượng Phật bà to gấp mấy lần, xây tượng Phật Như Lai cũng to gấp mấy chục lần, trung ương, địa phương về, trong nước, ngoài nước đến, mà có ai nói chi đâu. Còn của tôi, chỉ là tượng Phật ở làng, tôi là cán bộ (ông M., là cán bộ trung ương vừa nghỉ hưu – NV) chứ có phải ở chùa nào đến, tôn giáo nào tới đâu”.
Theo SGTT