Đừng nâng tầm, quy kết chuyện khóc vì thần tượng

daquynh |

Có một thời người ta cười không dám cười, khóc không dám khóc vì còn phải xin phép cha mẹ, xin phép cơ quan.

Tôi thích K-Pop nhưng chưa đến mức phải vật vã, khóc lóc thảm thương như những người bạn đội mưa đêm chờ thần tượng vừa rồi. Tuy nhiên trong câu chuyện này tôi cũng không đồng ý việc quy kết, nâng tầm về đạo đức, về tinh thần dân tộc… để rồi "giết chết" những cảm xúc thuộc về cá nhân con người.

Có một thời người ta đã cười không dám cười, khóc không dám khóc vì còn phải xin phép cha mẹ, xin phép cơ quan, đoàn thể. Ấn tượng ấy phải chăng đang hằn vào tâm trí của những người lớn tuổi khiến họ có cách nhìn cực đoan về một cảm xúc vốn vô cùng nhân bản: KHÓC. Có cần chăng phải quy định khi nào được khóc, khi nào không?

Đừng nâng tầm, quy kết chuyện khóc vì thần tượng 1

"Có một thời người ta đã cười không dám cười, khóc không dám khóc vì còn phải xin phép cha mẹ, xin phép cơ quan, đoàn thể"

Tôi đã được đọc bài thơ của nhà thơ Đỗ Trung Quân, một người rất nổi tiếng và đáng được tôn trọng, nhưng rồi tôi thấy thất vọng. Tại sao một nhà thơ giàu cảm xúc, giàu rung động lại không thể chấp nhận được nước mắt của những thanh niên trẻ tuổi giành cho người mà họ yêu quý? Và đáng buồn hơn nữa khi lại coi đó là “những chuyện tào lao”. Giả sử như tôi trót yêu quý nhà thơ, nhà thơ đến quê tôi, tôi đi đón và khóc, thì đó cũng là câu chuyện quá tào lao rồi.

Tuy nhiên tôi nghĩ rằng nhà thơ cũng chẳng thể đại diện cho cả thế hệ của ông, cũng như những thanh niên khóc sướt mướt đón thần tượng cũng chẳng thể là đại diện cho thế hệ chúng tôi. Chỉ những người thích nâng cao quan điểm và quy kết mới nghĩ họ là tiêu biểu, là điển hình. Họ chỉ là họ. Họ có quyền được khóc vì cái mình yêu thích cũng như có quyền làm thơ về những chuyện mà họ cho là tào lao.

Ở một khía cạnh nào đó, tôi thấy những người bạn đã dám khóc công khai rất đáng được khích lệ. Họ đã vượt qua được chính mình, vượt qua rào cản tâm lý của cả thế hệ trước để thể hiện cái tôi của mình, tình yêu của mình. Chỉ những người như thế mới có thể làm được chuyện lớn lao hơn như khẩu hiệu chúng ta vẫn hô hào “hòa nhập chứ không hòa tan”. Bởi muốn không hòa tan thì chí ít ta dám sống bằng cảm xúc thật.

Điều kỳ lạ nữa, rất nhiều người chỉ vì đội bóng yêu thích của mình bị thua có thể đập phá, gào khóc… thì lại được coi là tinh thần thể thao, tình yêu thể thao. Trong khi đó những người bạn ấy khóc vì ban nhạc mình yêu thì lại bị chê bai, chế giễu. Tại sao không thể coi đó là tình yêu âm nhạc, tinh thần âm nhạc?

Nếu họ khóc là tội lỗi thì tôi lo sợ rằng một ngày nào đó mỗi người chúng ta cũng sẽ bị cấm không được khóc, cấm không được cười. Chúng ta sẽ như những con robot hoạt động giống nhau tăm tắp.

Xét cho đến cùng, khóc hay cười cũng chỉ là câu chuyện cá nhân mỗi người. Mọi sự so sánh đều là khập khiễng, càng khập khiễng hơn khi so sánh những cảm xúc cá nhân đó với tình yêu quê hương đất nước, với tinh thần tự hào dân tộc…

Tôi tin người Việt trẻ bây giờ họ có cách riêng để thể hiện tình yêu quê hương đất nước. Đừng mổ xẻ những điều không đáng! Hãy để họ được khóc vì điều mình yêu thích, để họ sống thật với cảm xúc bản thân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại