Đừng để cho những "cột mốc chủ quyền sống" cô đơn!

Đình Thức |

Chặng hành trình từ Trường Sa trở về nhà họ đã từng đi qua hàng trăm lần, nhưng hôm đó là một hành trình dài như vô tận.

1. Ngày 26/11, một tàu lạ nổ súng tấn công, bắn chết ngư dân trên vùng biển Trường Sa. Thông tin đến với người dân cả nước vào buổi chiều trên các phương tiện thông tin đại chúng hai ngày sau đó.

Tất cả chỉ tóm tắt rằng, một ngư dân xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi bị kẻ xấu dùng súng bắn chết. Ngư dân xấu số đó là ông Trương Đình Bảy, 45 tuổi.

Con tàu QNg 95861 TS sau khi trình báo vụ việc liền quay đầu chở thi thể nạn nhân vào bờ. Hành trình đó, họ đi trong sự hoảng loạn tột độ. Những ngư dân ăn sóng nói gió, chẳng sợ trời đất bỗng mang trong mình tâm trạng u uất, đau đớn.

Một người trong số họ đã bị tước đoạt mạng sống một cách vô nhân đạo trên vùng biển Tổ quốc, khi đang đánh bắt cá bằng nghề truyền thống của cha ông.

Chặng hành trình từ Trường Sa trở về nhà họ đã từng đi qua hàng trăm lần, nhưng hôm đó là một hành trình dài như vô tận.

Bởi, ở trong hầm chứa không phải là những sản vật mẹ thiên nhiên ban tặng, mà ở đó là một người anh em của họ mới đây còn nói cười, cùng ăn chung mâm cơm, uống chung bát rượu.

2. Sáng sớm ngày 1/11, chuyến hải trình của con tàu QNg 95861 TS mang theo thi thể ngư dân Trương Đình Bảy từ Trường Sa trở về cập cảng Sa Kỳ.

Đón đợi họ không chỉ là những người đàn bà mà còn có hàng trăm người dân xã Bình Châu ra tận bến cảng. Những người đàn bà thường ngày tranh giành, xô đẩy nhau để tranh mua, tranh bán sản vật của con tàu, hôm nay đứng im bất động.

Họ đứng, ngồi bên nhau, vai kề vai. Họ đến để chia sẻ nỗi đau quá lớn của gia đình ngư dân Bảy.

Những người đàn ông, ngư dân xã biển này đến để thông cảm với những bất trắc mà người ngư dân xấu số gặp phải, mà có thể trong tương lai không loại trừ chính họ. Thi thể ngư dân Bảy được bó chặt, giữ lạnh trong hầm đá.

Đó là nơi ngày thường ông Bảy cùng bạn tàu dành chứa những hải sản mà họ đánh bắt được mang về bờ. Hôm nay, đó là nơi ông nằm để về với quê hương, gia đình sau chuyến đi biển kinh hoàng.

Thuyền trưởng con tàu, ông Bùi Văn Cu, người tận mắt chứng kiến cái chết của thuyền viên trên tàu chia sẻ, ông đã không còn đủ tỉnh táo sau khi sự việc xảy ra. Các thuyền viên khác cũng hoảng loạn cùng cực.

Trên tàu, tiếng than khóc trên tàu của anh Trương Đình Đề, con trai ông Bảy, càng khiến những ngư dân thêm sợ hãi.

Ông Cu ước rằng, giá như lúc đó có một tàu bạn hay một sự giúp đỡ tương trợ nào đó thì có lẽ ông cùng các thuyền viên của mình đã bớt sợ hãi hơn.

Ông Cu nói, trong chuyến đi đó, cả ông và các thuyền viên vẫn lo sợ con thuyền của mình sẽ bị tấn công lần hai. Chỉ đến khi thấy đất liền từ xa xa, họ mới tin rằng mình đã không còn cô đơn lẻ loi mà đất liền cùng những người thân đang ở trước mặt.

3. Với ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, đây không biết là lần thứ bao nhiêu ông ghi vào cuốn sổ tay những chuyện đau buồn của ngư dân xã biển này.

Ông cũng chắc chắn với tôi rằng, ngư dân Bảy sẽ chưa phải là trường hợp cuối cùng gặp nạn và rằng, ông phải mua thêm một cuốn sổ mới vì cuốn sổ cũ đã đi đến những trang cuối cùng.

Ông Hùng lật sổ, tính toán từ năm 2006 đến nay đã có 77 trường hợp tàu cá của ngư dân gặp nạn, bao gồm cả thiên tai lẫn nhân tai. Ông Hùng tính, ngư dân Bảy là trường hợp thứ 25 của xã tử vong khi đang đánh bắt trên biển.

Ông cho hay, chuyện thiên tai có lúc không tránh được, nhưng những năm gần đây chuyện nhân tai diễn ra thường xuyên hơn. Bà con ngư dân bị bắt bớ, bị cướp tài sản và bị bắn chết, bị thương nhiều hơn.

4. Những ngày lang thang ở xã biển Bình Châu, Quảng Ngãi, tôi lại liên tưởng về xã biển Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Hai làng biển giống nhau đến lạ, những người con cứ lớn lên, tiếp bước cha ông ra biển biết bao đời.

Nhưng ở Bình Minh bây giờ, số người đi biển Hoàng Sa, Trường Sa còn lại không nhiều. Đó là do ảnh hưởng của cơn bão Xangsane cách đây gần 10 năm. Cả xã Bình Minh hơn 100 ngư dân bỏ mạng. Người thoát chết hoảng sợ hàng năm liền.

Bây giờ, họ vẫn đi biển. Người còn bám trụ ở quê thì đi biển gần bờ. Những người còn ham đánh bắt xa bờ thì đánh bắt ở biển... Hàn Quốc bằng việc làm thuê. Họ được lao động trên những con tàu hiện đại, an toàn và trả lương xứng đáng.

Những ngư dân Bình Minh làm thuê cho tàu Hàn Quốc được nghỉ ngơi 3 tháng mỗi năm, được thưởng hậu hĩnh sau mỗi chuyến tàu và đặc biệt là an toàn trước thiên tai.

Tuyệt nhiên những ngư dân Bình Mình đi làm thuê khi trò chuyện chẳng bao giờ nhắc đến hai chữ “nhân tai”.

Có nhiều người trở về, họ có tiền, xây nhà lầu, mua xe hơi để một năm chỉ chạy chơi vài vòng quanh xóm. Có người cũng tâm huyết đóng tàu lớn ra Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt, nhưng họ còn lắm do dự.

Họ do dự điều gì? Khi tôi hỏi, họ chỉ đăm chiêu suy nghĩ mà không trả lời. Cái danh sách đăng ký đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc của những người làng biển Bình Minh cứ dài ra thêm theo từng năm tỉ lệ thuận với những căn nhà mới, ô tô mới.

Ở làng biển Bình Châu, từ những lão ngư cho đến những ngư dân đang tuổi sung sức hay đám choai mới lớn tập sự đi biển vẫn kiên trì khẳng định: Dù có chuyện gì cũng đi Hoàng Sa, Trường Sa.

5. Có một điểm giống nhau nữa giữa hai làng chài mà tôi đau đớn không cầm được nước mắt khi gặp họ: Những người đàn bà góa phụ.

Họ từng có chồng, có con như tất cả mọi phụ nữ khác. Nhưng biển đã cướp đi người chồng, người con yêu quý của họ bởi có khi là bão tố, nhưng cũng có khi là do “nhân tai”. Tất cả trong số họ, có người mất chồng từ khi mới ở tuổi đôi mươi, đều chẳng ai đi thêm bước nữa.

Nỗi đau của người phụ nữ mất chồng vì những vết đạn trên biển. Ảnh: Trần Mai/Tuổi trẻ
Nỗi đau của người phụ nữ mất chồng vì những vết đạn trên biển. Ảnh: Trần Mai/Tuổi trẻ

6. Viết đến đây, tôi lại nhớ mình từng thầm vui mừng cho các ngư dân khi một vị đại gia từng tuyên bố năm 2014, sau vụ tàu cá của bà Huỳnh Thị Như Hoa (Đà Nẵng) bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên biển rằng, sẽ xây dựng đội tàu hàng nghìn chiếc bằng vỏ sắt.

Vị đại gia còn vẽ ra viễn tưởng xây dựng 2 cơ sở hậu cần quy mô lớn trên biển, mua máy bay trực thăng để bảo vệ ngư dân. Vị đại gia cũng sẽ thuê ngư dân đánh bắt cho ông với mức lương hậu hĩnh.

Tuyên bố đó cách đây chừng một năm làm những ngư dân làng biển mừng húm.

Nhưng rồi, tuyên bố và hiện thực khác xa nhau cả hàng nghìn km khi sự thật được phơi bày.

Vị đại gia với kế hoạch khủng muốn có thêm nguồn vốn để đầu tư vào ngành bất động sản vốn là thế mạnh của mình.

Còn kế hoạch về đội tàu vỏ sắt kia chỉ là cái cớ để ông có thể vay được vốn từ nguồn vốn không lãi suất của Chính phủ theo Nghị định 67 CP dành cho ngư dân.

7. Ngày 30/11, một tin vui thực sự đến khi chiếc tàu CSB số hiệu 8005 có thể hoạt động được ở mọi điều kiện thời tiết, tốc độ trên 40 lý/h và tầm hoạt động hơn 5.000 lý tổ chức lễ hạ thủy.

Đây là con tàu thứ 7 như vậy được đưa vào biên chế của lực lượng Kiểm ngư hay CSB.

Có mặt tại buổi hạ thủy, Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, vị Tư lệnh CSB cho rằng, con tàu sẽ góp phần giúp lực lượng chấp pháp Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ quan trọng như bảo vệ biển đảo, giữ gìn anh ninh biển, chống buôn lậu...

Thiếu tướng Đạm cũng khẳng định nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ và sát cánh cùng ngư dân đánh bắt trên biển.

Thế nhưng, những chiếc tàu của CSB hay Kiểm ngư không thể xuất hiện được ở tất cả mọi nơi, bên những chiếc tàu cá của ngư dân.

Tôi ước giá như, có doanh nghiệp chân chính nào đó, đủ sức, tiềm lực và cái tâm để thực hiện được cái kế hoạch của vị đại gia trên đã từng vẽ ra. Đến lúc đó, những con thuyền của ngư dân - những "cột mốc chủ quyền sống" trên biển - sẽ có thêm những động lực.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại