Anh Nguyễn Đăng Quang, bố cháu Nguyễn Đăng Khoa đang học lớp 6 tại một trường THCS ở Hà Đông (Hà Nội) cho biết: "Dịp tết vừa rồi, hai bố con có đi xin chữ ở "phố ông đồ". Thấy Khoa hứng thú với các bức thư pháp nên nghỉ hè, tôi cho cháu đi học luôn".
Theo anh Quang, không cần học để trở thành nhà thư pháp nổi tiếng mà chỉ mong Khoa sẽ học hỏi được nhiều điều bổ ích và nuôi dưỡng được tình yêu lâu dài với bộ môn nghệ thuật thâm thúy này.Học thư pháp không chỉ các cháu nhỏ theo học mà các bạn trẻ cũng có thể thử sức với niềm đam mê mới.
Theo nhà thư pháp Kiều Quốc Khánh, người đã tổ chức thành công rất nhiều khóa học thư pháp - quốc họa, số lượng các em nhỏ theo học môn nghệ thuật này ngày một đông.
Rất nhiều em ban đầu đến với các lớp học thư pháp theo ý muốn của bố mẹ hay thấy "hay hay thì học". Nhưng sau một thời gian theo học, niềm đam mê thực sự với môn nghệ thuật đậm đà tính dân tộc này đã ngấm vào máu nhiều em.
Thầy Khánh cho biết: "Ở các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, người ta đã đưa bộ môn thư pháp vào chương trình học cho các em học sinh bậc tiểu học. Ở Việt Nam, tôi nghĩ sẽ rất hay, bổ ích nếu nhà trường đưa thư pháp Việt ngữ vào giảng dạy trong các tiết học ngoại khoá để các em được làm quen với một nét văn hóa rất riêng của dân tộc".
Theo NĐT