Đầu tháng 12, có mặt tại đường Giải Phóng, TP. Nam Định, không khó để nhận thấy những băng rôn đỏ rực có ghi dòng chữ “Thông báo tiếp nhận lao động đi làm việc tại Hàn Quốc không cần chứng chỉ KLPT: lao động phổ thông, đầu bếp, thợ hàn…”.
Trong vai là người lao động có nguyện vọng muốn đi XKLĐ tại Hàn Quốc, chúng tôi tìm tới trụ sở của Trung tâm dạy nghề Thanh niên khu vực Sông Hồng.
Không khó để nhìn thấy những tấm băng rôn tuyển lao động đi Hàn Quốc tại TP.Nam Định
Tại tầng 2, phòng cuối cùng của tòa nhà có treo tấm biển lớn: Văn phòng tư vấn công ty TMDV&XNK Hải Phòng (Tradimexco Hải Phòng) - Chi nhánh Hà Nội. Phụ trách văn phòng là một cặp vợ chồng còn khá trẻ, anh chồng giới thiệu tên là Quân- đại diện cho Tradimexco Hải Phòng chi nhánh Hà Nội, chuyên “tạo nguồn” tại khu vực Nam Định.
Khi nghe chúng tôi bày tỏ muốn được đi Hàn Quốc lao động, không chần chừ Quân đưa ra tập thông báo tuyển lao động đi Hàn Quốc của Tradimexco Hải Phòng có con dấu đỏ tươi của công ty.
Quân cho biết, cuối tháng 12 này chủ sử dụng Hàn Quốc sẽ về Việt Nam trực tiếp tuyển chọn lao động, tháng 2-2012 lao động sẽ xuất cảnh. Vợ chồng Quân còn trấn an chúng tôi rằng: Trung tâm này là nơi tạo nguồn rất uy tín cho công ty trên Hà Nội.
“Thằng em rể tôi mới trúng tuyển tháng 11 vừa rồi hiện đang ở sứ quán Hàn Quốc làm thủ tục rồi. Yên tâm, đây là đi XKLĐ chứ không phải du lịch. Đi du lịch quá đơn giản, 2 tuần anh sẽ có visa du lịch. Đi luôn, còn đây là anh đi theo chương trình E7, chương trình này là thẻ vàng - dành cho lao động có nghề”, nói rồi Quân lấy điện thoại định gọi cho em rể thì vợ Quân ngồi bên cạnh can ngăn lại.
Khi nghe chúng tôi nói, được biết đi lao động tại Hàn Quốc phải có nghề nhưng hiện mình có nghề gì cả, thì được Quân cho biết: “Công ty đang có các chương trình: đi bán hàng, đánh bóng, đánh cầu, thợ Hàn, phụ bếp, nấu ăn. Riêng nấu ăn thì đơn giản, chỉ cần biết gọt cà rốt, khoai tây. Chưa có bằng cấp thì học qua một lớp đào tạo rồi đi. Bọn tôi sẽ mua cho anh cái bằng trung cấp để chứng tỏ là có kinh nghiệm để cho người ta xét duyệt hồ sơ”.
Việc học và thi được Quân cho biết công ty tổ chức ở Kim Mã- Hà Nội. Lao động sẽ phải chi phí chừng 9.000 USD, bù lại lương cơ bản của người lao động sẽ từ 1.400 USD - 2.000. Thấy tôi có vẻ lưỡng lự, Quân giục rằng chủ sắp về tuyển rồi, muốn đi thì nộp tại đây mỗi người 1.000 USD trước, bao gồm tiền ăn học và tiền mua bằng.
Tỏ vẻ lưỡng lự và lấy lý do sẽ nghiên cứu rồi đưa ra quyết định, chúng tôi hứa sẽ gọi điện lại cho Quân trong thời gian sớm nhất nhất.
Sang Hàn Quốc lao động không cần biết tiếng Hàn?
Ngày 8-12, trong vai người lao động được Quân ở Nam Định giới thiệu, chúng tôi tới số nhà A4, C16 phố Trần Bình (Mỹ Đình- Từ Liêm- Hà Nội). Tại tầng 1 của ngôi nhà có biển ghi rõ: Chi nhánh Công ty TNHH thương mại dịch vụ & xuất nhập khẩu Hải Phòng (Tradimexco Hải Phòng) tại Hà Nội.
Đón chúng tôi, là một thanh niêm còn khá trẻ tên Nguyễn Văn Ngọc, nhân viên phòng tuyển dụng. Khi nghe chúng tôi hỏi về thị trường Hàn Quốc, Ngọc đon đả cho biết công ty Tradimexco đang có rất nhiều đơn hàng đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc.
Theo Ngọc tư vấn thì việc đi Hàn Quốc qua Công ty Tramexco Hải Phong không hề khó khăn chỉ cần bỏ ra trên dưới 10 ngàn USD (tuỳ thuộc vào công việc) là có thể xuất cảnh được.
Thấy chúng tôi tỏ ra mê mẩn thị trường Hàn Quốc và muốn đi theo hình thức chứng chỉ KLPT thì Ngọc cho biết: Nếu bây giờ đi theo “đường” chứng chỉ cũng phải mất đến hàng trăm triệu". Tỏ vẻ hốt hoảng vì mức giá quá cao, chúng tôi liền hỏi Ngọc: "Sao nhiều thế? Em tưởng đó là chương trình của Bộ LĐTBXH, mất ít tiền chứ?" thì rất bất ngờ được Ngọc nói: "Bộ thì Bộ chứ! Phí chính thức thì nó rẻ, nhưng phải chạy mới đi được. Và còn lâu mới đi được. Nếu đi theo đúng ngạch, không phải ai cũng đi được đâu".
Để thuyết phục tôi, Ngọc đưa ra phân tích: "Sau khi anh thi có chứng chỉ tiếng Hàn rồi, thông tin của anh chị ở trên mạng chờ chủ Hàn chọn, nhưng nếu không có người trực tiếp cầm thông tin của các anh chị đến chào mời các doanh nghiệp bên kia thì rất lâu mới có doanh nghiệp nhận anh chị".
Theo Ngọc cho biết thì công ty Tradimexco Hải Phòng có “nguồn” ở tận Hàn Quốc, có cán bộ ở bên Hàn Quốc và sẽ cầm thông tin giấy tờ của người lao động (bao gồm chứng minh thư, hộ chiếu, ngành nghề đăng ký…) tới gặp các ông chủ Hàn Quốc và “thuyết phục” các ông chủ nhận những lao động của Tradimexco Hải Phòng giới thiệu.
Đem những thông tin thu thập được từ Nguyễn Văn Ngọc trao đổi với bà Phạm Thị Kiều Oanh, Giám đốc Tradimexco chi nhánh Hà Nội thì được bà Oanh cho biết: Ngọc nhận lời giúp lao động đi theo chương trình EPS có thể là “cá nhân Ngọc có quan hệ trên Bộ. Chúng tôi sẽ làm việc với Ngọc xem thế nào”.
Tuy nhiên, ngay sau đó bà Oanh lại cho biết Ngọc đã viết đơn xin… nghỉ việc ở Tradimexco Hải Phòng. Cách nghỉ việc vội vã của Nguyễn Văn Ngọc có gì bất thường khi nhóm phóng viên còn phát hiện Tradimexco Hải Phòng chi nhánh Hà Nội đang tuyển dụng một lượng không nhỏ lao động đi Hàn Quốc theo chương trình visa E7 một cách trái phép.
Trước thông tin Nguyễn Văn Ngọc đưa ra, đặc biệt là thông tin doanh nghiệp có thể cử cán bộ cầm thông tin của lao động để sang Hàn Quốc "chào mời” chủ sử dụng chọn nhanh, chúng tôi đã có cuộc làm việc với ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý LĐNN (Bộ LĐTBXH).
Ông Quỳnh cho hay, đây là lần đầu tiên ông được nghe thông tin về việc doanh nghiệp có giấy phép XKLĐ có thể sang Hàn Quốc để tác động chủ sử dụng.
“Bản thân tôi có nhiều người nhà muốn nhờ can thiệp để được chủ sử dụng chọn sớm tôi cũng chịu, không làm được. Bên Hàn Quốc cũng đau đầu vì lao động các nước sang làm việc bị mất nhiều tiền, trong đó có lao động Việt Nam. Phía Hàn Quốc họ cũng rất bức xúc muốn làm sao để giảm tiêu cực đi”, ông Quỳnh nói.
Về thông tin cho rằng những “đường dây trên có liên quan tới người của Bộ LĐTBXH', ông Quỳnh cho biết: "Cục QLLĐNN có cơ chế kiểm soát rất kỹ cán bộ, cho đến nay chúng tôi chưa phát hiện cán bộ nào ăn tiền qua các đường dây này".
Theo Nhóm PV
Vietnamnet