Đứa con mang tên ngọn Hải Đăng của người chiến sỹ cảnh sát biển

Ngọc Tú |

(Soha.vn) - Đặt tên con như vậy để mỗi lần nhìn thấy ngọn hải đăng trên biển, nó sẽ ấm áp như chính mái ấm của người cảnh sát biển đang quên mình vì biển đảo quê hương.

Hiện nay, lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư Việt Nam đang ngày đêm đối mặt với sự hung hãn, ngang ngược từ phía Trung Quốc ở vị trí hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Khó khăn, trách nhiệm và cả hiểm nguy đang đè nặng lên đôi vai các anh từng ngày, từng giờ. Song, đằng sau các anh, gia đình, người thân luôn là hậu phương vững chắc, là động lực tinh thần to lớn để các anh yên tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Giữa trưa tháng 5 nắng gắt, chúng tôi tìm về nhà anh Nguyễn Xuân Tuyển (SN 1989; nhân viên tín hiệu tàu CSB 2012, thuộc Hải đội 2, Cảnh sát biển vùng 2) ở làng Thái Bình, xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Trong căn nhà nhỏ đơn sơ, chúng tôi gặp người mẹ Nguyễn Thị Tuất (56 tuổi), người vợ Nguyễn Thị Huyền và đứa con nhỏ gần 2 tuổi Nguyễn Xuân Hải Đăng của anh Tuyển. Hàng ngày, chị Huyền đi làm công nhân ở Công ty dầu ăn Trường An (TP Vinh), ở nhà chỉ có 2 bà cháu nên ngôi nhà khá vắng lặng.

Mỗi lúc anh Tuyển lên tàu ra biển làm nhiệm vụ, ở nhà bà Tuất lại lo lắng không yên.

Nhấp ngụm nước chè xanh chát, bà Tuất bắt đầu kể chuyện. Tuyển là người con trai duy nhất trong gia đình có 5 chị em. Cách đây 6 năm, vừa học hết lớp 12, Tuyển không đi làm mà quyết định xin bố mẹ nhập ngũ. Sau 2 năm huấn luyện, anh được chọn vào miền Nam để học bồi dưỡng đào tạo. Kết thúc khóa học, anh Tuyển ra trường và được nhận nhiệm vụ ở Cảnh sát biển Vùng 2.

“Vì nhà chỉ có một đứa con trai, lúc đầu Tuyển xin đi bộ đội, tôi sợ quanh năm suốt tháng con phải biền biệt xa nhà nên trong lòng cũng không vui. Nhưng thấy con quyết tâm nên gia đình tôi cũng ủng hộ. Thời gian đầu Tuyển cứ đi biền biệt quanh năm, tôi nhớ lắm”, bà Tuất tâm sự.

Ở nhà, bà Tuất cùng người chồng mỗi lúc nhớ con cũng chỉ biết gửi gắm những lời dặn dò qua các cuộc điện thoại ngắn ngủi. Mỗi lần nói chuyện điện thoại với con, biết bao cảm xúc, biết bao nỗi lòng dồn nén bà Tuất đều không có thời gian thổ lộ mà chỉ kịp hỏi thăm tình hình hiện tại của con, dặn dò con giữ gìn sức khỏe.

Mới cưới vợ được 3 ngày, anh Tuyển lại tiếp tục nhận nhiệm vụ ngoài biển xa.

Năm 2011, Tuyển được nghỉ phép về quê thăm gia đình. Cùng thời gian này,anh Tuyển và chị Nguyễn Thị Huyền (SN 1988. ở phường Hưng Dũng, TP Vinh) đã kết nên duyên vợ chồng. Cưới nhau mới được 3 ngày, anh Tuyển nhận nhiệm vụ mới nên phải ra ngoài biển xa. Chia tay vợ mới, rời xa gia đình để hành quân ra biển, tình yêu của đôi vợ chồng trẻ chỉ được kết nối bằng những cuộc điện thoại chập chờn, ngắn ngủi nhưng bền chặt thương yêu.

Ngày đứa con trai đầu lòng ra đời, anh Tuyển đang sát cánh cùng các đồng đội trên tàu làm nhiệm vụ nên không thể về cùng vợ. Nhớ vợ thương con, anh Tuyển gọi điện về nhắn vợ đặt cho con trai cái tên đầy ý nghĩa Nguyễn Xuân Hải Đăng.

“Cưới nhau được 3 ngày thì Tuyển hết phép phải ra biển làm nhiệm vụ. Đến lúc vợ sinh, Tuyển cũng không về được. Ngày sinh con, nó gọi điện về nằng nặc đòi đặt tên con là Hải Đăng. Tuyển bảo đặt tên con như vậy để mỗi lần nhìn thấy ngọn hải đăng là nhớ đến con”, bà Tuất nói.

"Tôi chỉ muốn nhắn với anh Tuyển rằng: Ở nhà bố mẹ và con đã có em chăm sóc. Anh cứ yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ để sớm về với em, với gia đình".

Đầu tháng 5 vừa qua, khi nghe tin tàu CSB 2012 bị tàu Trung Quốc đâm hư hỏng, bà Tuất lại đứng ngồi không yên. Lo lắng cho con, mấy đêm liền bà Tuất chẳng thể nào chợp mắt. Bà chỉ biết ngóng chờ tin con qua những bản tin thời sự trên truyền hình và những lần nói chuyện ngắn ngủi qua điện thoại.

Ngồi ôm đứa con vào lòng, chị Huyền lo lắng chia sẻ: “Nghe được tin, tôi vô cùng lo lắng cho chồng. Cháu thì còn nhỏ, chưa hiểu chuyện. Nhiều đêm ôm con ngủ, lòng tôi chẳng thể yên. Không biết giờ này anh đang làm gì và có bình an không?”. Nói đoạn, chị Huyền không kìm được những giọt nước mắt xúc động. “Những ngày này, gia đình tôi có nhiều anh em, làng xóm đến thăm hỏi, động viên nên tôi và mẹ cũng vơi bớt đi phần nào buồn lo”, chị Huyền nghẹn ngào.

Hàng ngày, bà Tuất và chị Huyền luôn dõi theo, cập nhật những tin tức của tàu CSB 2012 trên báo đài. Từ lúc nghe tin tình hình Biển Đông căng thẳng, bà Tuất không bỏ sót một bản tin thời sự nào. Bất kể dù đang làm việc gì, ở đâu, nhưng đến giờ chương trình thời sự phát sóng, bà lại tranh thủ vào xem và mong nhận được tin tốt lành từ con và các đồng đội.

Hằng ngày, bà Tuất luôn theo dõi, cập nhật những tin tức thời sự trên truyền hình. Bà không bỏ sót bất cứ bản tin nào dù rất bận với việc nhà, việc đồng áng.

“Từ ngày anh Tuyển lên tàu, rất ít khi anh gọi về. Có khi nửa tháng đến cả tháng mới thấy anh liên lạc. Anh nhớ con, muốn nghe tiếng con mà cháu mới chỉ bi bô gọi được tên bố và mấy từ mẹ dạy. Tắt máy rồi mà cháu vẫn còn bi bô, cả nhà lại không kìm được nước mắt. Trong cuộc điện thoại ngắn ngủi anh kể tình hình trên tàu, những ngày anh cùng đồng đội đối mặt với tàu Trung Quốc. Anh căn dặn cả nhà đừng lo cho anh, cố giữ gìn sức khỏe. Anh sẽ sớm hoàn thành nhiệm vụ, trở về với gia đình. Tôi cũng nói với anh rằng, gia đình, làng xóm rất tự hào về anh. Hãy yên tâm làm nhiệm vụ, ở nhà mẹ con em còn có làng xóm, dù thế nào cũng cố gắng vượt qua. Chỉ cầu mong anh bình an, sớm về với gia đình”, chị Huyền chia sẻ.

Ngồi chuyện trò một lúc, bà Tuất mở ti vi lên xem thời sự. Đúng lúc phát tin về Hoàng Sa, bà Tuất lại ôm đứa cháu nhỏ ngồi chăm chú theo dõi từng câu, từng chữ. “Xem thời sự hôm nào thấy báo tình hình ngoài biển yên ắng là tôi an tâm. Chứ ngày nào thấy thời sự nói tình hình căng thẳng, bị tàu Trung Quốc đâm là tôi lại lo lắng lắm. Thương thằng Tuyển chịu nhiều khổ cực, nhưng tôi cũng thấy tự hào lắm. Tôi chỉ muốn nhắn với nó rằng, ở nhà bố mẹ, vợ con vẫn khỏe, con cứ an lòng giữ lấy biển đảo, gia đình chờ tin tốt ở con”, bà Tuyển như siết chặt bé Hải Đăng vào lòng để nén lại những tình cảm xúc động đang trào dâng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại