Dự kiến điều chỉnh giá 350 dịch vụ y tế: Phí bảo hiểm y tế sẽ tăng 40%?

vytran |

“Nếu mức tăng viện phí như dự thảo này được chấp nhận, thì để “đủ sức” chi trả, BHYT mà người dân phải đóng sẽ tăng khoảng 40%”.

Ông Nguyễn Minh Thảo - Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN nhận định

Bộ Y tế vừa công bố dự thảo tăng viện phí mới theo hướng thu theodịch vụ. Theo đó, Bộ này điều chỉnh giá của 350 dịch vụ y tế. Về mức tăng cụ thể, trong số 350 dịch vụ, 220 dịch vụ có mức tăng dưới 2,5 lần, khoảng 70 dịch vụ có mức tăng từ 7-10 lần...

Bệnh viện thu lợi hai lần

Đây đã là "lần thứ n" Bộ Y tế đưa ra dự thảo viện phí mới, với lý do viện phí cũ xây dựng từ năm 1995 đã không còn phù hợp. Trong khi dự thảo tăng viện phí của Bộ Y tế vẫn còn nóng trên bàn dư luận thì nhiều bệnh viện (BV) đã xé rào tăng viện phí dịch vụ từ rất lâu rồi. Mức tăng này chủ yếu "đánh" vào bệnh nhân có thẻ BHYT. Người “anh em” của viện phí là BHYT cũng đứng trước bài toán tăng phí hay giữ nguyên.

Tăng viện phí cần phải đi đôi với tăng chất lượng khám chữa bệnh.Theo số liệu của BHXH VN, hiện nay có trên 53 triệu người có thẻ BHYT, chiếm 62% dân số. Các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) công lập đều ký hợp đồng KCB cho người có thẻ BHYT, mỗi quý, BHXH lại trả chi phí cho cơ sở KCB đó, tương đương với chi phí mà cơ sở đó bỏ ra cho người có thẻ BHYT.

Tuy nhiên, theo Thông tư liên bộ số 14 ngày 30.9.1995, hàng năm, Bộ Y tế cũng trích một phần ngân sách nhà nước để hỗ trợ KCB cho các BV. Mỗi giường bệnh, mỗi ca bệnh, mỗi loại bệnh đều có định suất, không kể người bệnh đó có thẻ BHYT hay không.

“Có thể nhận thấy, các BV đã thu lợi 2 lần từ những người có BHYT” - ông Lê Minh Hoàn - Phó Giám đốc BHXH quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết. Theo ông Hoàn, các BV tuyến huyện, tỉnh thu tiền KCB từ bệnh nhân BHYT chiếm từ 60-70% tổng thu KCB của BV. Muốn cho công bằng, Bộ Y tế cần kiểm soát được số thu viện phí từ nguồn thu BHYT để không chi phí 2 lần cho 1 lần KCB đối với bệnh nhân có thẻ BHYT. Hơn nữa, không ít người có thẻ BHYT lại không nhận được sự đối xử công bằng như đối với bệnh nhân khám dịch vụ.

Theo dự thảo tăng viện phí, gánh nặng viện phí sẽ đổ lên đầu hơn 33 triệu người còn lại. Nếu vẫn giữ nguyên chính sách vừa hỗ trợ KCB vừa thu phí BHYT thì BV sẽ thu lợi nhiều mà người bệnh chưa chắc được hưởng lợi từ các dịch vụ y tế, KCB tương đương với số tiền bỏ ra.

Tăng thu cần bù bảo hiểm

Với 38% số người dân chưa mua BHYT hiện nay thì 15% rơi vào đối tượng cận nghèo, còn lại là lao động tự do. Tuy được hỗ trợ khá lớn, người cận nghèo chỉ phải đóng từ 5-20% viện phí, nhưng nếu viện phí tăng đến 10% thì cũng không phải là con số nhỏ.

Thông tin từ Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Năm 2010, tình trạng sử dụng thuốc, vật tư y tế, chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng bị lạm dụng nghiêm trọng. Có bệnh viện trên 50% tổng số bệnh nhân được chỉ định siêu âm hoặc cứ có tai nạn là chỉ định chụp CT scanner sọ não ngay, không cần căn cứ dấu hiệu lâm sàng. Chất lượng 416 phim X-quang được chụp tại 6 bệnh viện thuộc 3 tỉnh Thanh Hóa, Phú Yên và Yên Bái do các chuyên gia về chẩn đoán hình ảnh của Bệnh viện Bạch Mai kiểm định cho thấy, tỷ lệ phim chụp không đạt tiêu chuẩn dao động từ 7,1-48%. Điều này dẫn đến kết luận sai về bệnh, gây lãng phí cho quá trình điều trị và tác động xấu đến tâm lý bệnh nhân.

Hơn nữa, với tính toán “nước nổi - bèo nổi” của những người hoạch định chính sách, phí BHYT cần tăng khoảng 40% mới đủ khả năng chi trả chi phí KCB cho người có thẻ BHYT. Người cận nghèo liệu có mua BHYT?

Ngay cả những đơn vị sử dụng lao động đang phải đóng BHYT cho người lao động với mức phí từ 3-4,5% tiền công lao động, giờ lại tăng thêm 40% cũng là một gánh nặng không nhỏ. Trong khi đó, Bộ Y tế đang tiến hành lộ trình để toàn dân đều mua BHYT vào năm 2014.

“Có tới 15% là đối tượng cận nghèo nên BHXH VN đề nghị các địa phương phải hỗ trợ, tạo điều kiện cho họ tham gia BHYT đầy đủ theo quy định của Luật BHYT. Đối với 25% đối tượng là lao động tự do, người dân tham gia BHYT tự nguyện, chúng tôi cũng sẽ có kiến nghị với Nhà nước có chính sách hỗ trợ 20% phí BHYT (khoảng 100.000 đồng/người/năm)” - ông Thảo cho biết.

Ông Thảo cũng đề xuất một giải pháp cho dự kiến tăng viện phí:

“Khi viện phí tính đủ thì Bộ Y tế cần chuyển các khoản chi thường xuyên cho BV công chuyển sang hỗ trợ trực tiếp cho người dân để họ có thể tham gia BHYT.Với số tiền khoảng 10.000 tỷ đồng chi cho các BV mỗi năm như hiện nay, mỗi người dân sẽ được hỗ trợ khoảng 100.000-120.000 đồng. Số tiền này sẽ bù vào mức BHYT tăng nên mức đóng BHYT của người dân cũng không có sự thay đổi lớn. Có như vậy thì việc tăng viện phí mới không là gánh nặng cho người bệnh”.

Theo Dân Việt

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại