Một suất cơm bình dân 90 nghìn đồng
Ở những đất nước như Lào, Thái Lan có đông đảo cộng đồng người Việt làm ăn, sinh sống. Vì vậy, không khó để bắt gặp đồng hương của mình ở những nước này và thậm chí họ là những người chủ của nhiều quán hàng ăn ở đây. Nhưng dường như vì lý do đó mà họ càng "chém" đẹp dân của mình trên nước bạn.
Tiền Lào có tỉ giá gấp gần 3 lần tiền Việt Nam nên đối với những du khách Việt du lịch kiểu phượt sẽ tiết kiệm tiền một cách tối đa bằng việc suy xét kỹ việc sử dụng dịch vụ trên đất nước Triệu Voi.
Chị Thanh Thu (Dịch Vọng - Cầu Giấy) vừa ra trường đi làm được 1 năm cố dành dụm chút tiền du lịch ở đất nước Triệu Voi trong dịp lễ 30/4, 1/5 cùng nhóm bạn. Chị bức xúc kể lại rằng, những suất cơm bình dân quán người Việt kiều đều có giá “cắt cổ”.
Cửa hàng cơm bình dân của Việt kiều chặt chém đồng hương.
"Khi ra nước ngoài mình không biết tiếng nên rất khó khăn khi giao tiếp, vì vậy gặp được một người đồng hương là vô cùng quý. Trên đường đến Luang Prabang, chúng tôi dừng chân ở quán cơm của người Việt để ăn trưa vì tôi nghĩ giá thành sẽ vừa phải hơn.
Tôi gọi 4 suất cơm cho 4 người bạn của mình, suất cơm chỉ có một ít rau, vài miếng thịt nhưng khi ăn xong, tôi choáng váng khi chủ quán hét giá 90 nghìn tiền Việt Nam/ suất", chị Thu trình bày.
Còn anh Xuân Trường (Mai Dịch, Hà Nội) bày tỏ sự thất vọng vì một lần bị người Việt kiều ở Lào “chém đẹp”.
Anh chia sẻ: "Trong một chuyến đi phượt, xe khách chúng tôi đi từ Viên Chăn về Hà Nội, khi xe khách dừng lại ở một quán ăn nhà sàn chưa qua cửa khẩu để ăn tối. Được chủ xe giới thiệu là nhà ăn của người Việt Nam, tôi vào gọi một bát bún và lúc thanh toán giá là 90 nghìn VNĐ/bát. Tôi có thắc mắc, chủ quán mắng và cho rằng như thế là rẻ”.
Mặc dù, một bát phở bình thường tại Viêng Chăn chỉ có giá 15 - 25 kip tức từ 40 - 60 nghìn đồng Việt Nam.
30 nghìn đồng phí... nạp tiền điện thoại hộ
Không chỉ bức xúc vì chi phí dịch vụ ăn uống đắt hơn bình thường, nhiều du khách Việt phàn nàn về “dịch vụ” nạp giúp tiền vào tài khoản điện thoại từ thẻ Unitel tiếng Lào.
Trường hợp anh Linh (Hà Đông) là một ví dụ. Mặc dù đã chuyển vùng quốc tế thuê bao điện thoại của mình nhưng anh phải đi tìm mua một chiếc sim Lào để dùng, vì phí chuyển vùng quốc tế khá đắt đỏ.
Anh đi dọc một con đường ở thị trấn XiangKhoang, tỉnh XiangKhoang để mua một chiếc sim Unitel. Anh phấn khởi bắt chuyện với người Việt Nam là chủ đại lý sim thẻ. Nhưng đến lúc trả tiền, anh há hốc mồm vì không ngờ họ lấy của tôi tới 10 000 kip trong khi ở cửa khẩu chỉ có 5.000 kip (gần bằng 150 nghìn tiền Việt Nam).
Thậm chí, tình thế dở khóc dở cười khi một người bạn cùng đoàn với anh Linh bị “đòi” 30 nghìn VNĐ khi nhờ chủ quán phở là người Việt nạp nhờ giúp thẻ điện thoại Unitel ghi tiếng Lào.
"Kiếm tiền để tồn tại là điều ai cũng phải làm. Nhưng cách kiếm tiền bằng mọi giá và đôi khi đánh đổi cả tình người, tình đồng hương thì liệu có nên?" - anh Linh chia sẻ.
Chưa kể việc những người Việt làm ăn trên nước bạn sẵn sàng hét giá sản phẩm lên gấp đôi hay dịch vụ điền thông tin hộ vào tờ khai khi đi qua cửa khẩu…
Về chuyện này, chị Giang (Đường Láng) tức tối kể lại hành trình mua đồ ở Thái Lan khi gặp người Việt Nam: "Cùng là một loại quần áo, nhưng khi tôi hỏi thì chủ cửa hàng là người Việt Nam đòi 180 bath Thái Lan, tôi trả xuống nhưng nhất quyết không bán. Nhưng tôi sang cửa hàng của người Thái mua thì chỉ có 100 bath".
Và nhiều vị khách bị “chặt chém” khi đi qua cửa khẩu từ Lào sang tỉnh Udon Thái Lan phải nhờ Việt kiều ở bên Lào nhiều năm điền vào tờ khai với chi phí 10 000 kip.
Cũng do chủ quan nghĩ rằng đồng hương sẽ không "thét giá" với mình ở nước bạn nên không ít người chỉ biết "ngậm bồ hòn làm ngọt" cho qua chuyện.