Đó là khẳng định của ông Lưu Đình Phúc, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT tại cuộc trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong.
Ông Phúc cho biết: Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 sẽ được tiến hành vào ngày 22/5/2016, đây là sự kiện chính trị hết sức quan trọng.
Đặc biệt, là cuộc bầu cử được diễn ra trong thời điểm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vừa kết thúc; bối cảnh quốc tế và khu vực có những thuận lợi, khó khăn đan xen.
Công tác thông tin, tuyên truyền của cuộc bầu cử được Bộ TT&TT chia làm 3 đợt. Chúng ta có nhiều hình thức tuyên truyền như: trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua bản tin, tờ rơi, các trạm truyền thanh…
Ngoài ra, Bộ đang nghiên cứu phương án có thể tuyên truyền thông qua hệ thống viễn thông, như gửi tin nhắn thông báo nhắc nhở cử tri ngày đi bầu cử.
Thời gian qua, có thông tin khác nhau về người tự ứng cử. Ông đánh giá sao về điều này?
Bộ TT&TT phải thường xuyên kiểm tra, giám sát các thông tin từ nguồn chính thống, hay trên các trang mạng xã hội liên quan đến bầu cử ĐBQH cũng như HĐND các cấp để từ đó chỉ đạo thông tin, báo chí sao cho phù hợp.
Ví dụ, thời gian vừa qua có những thông tin báo chí loan ra đằng sau những người tự ứng cử là những thế lực thù địch. Những thông tin như vậy nếu báo chí truyền thông lên thì ảnh hưởng đến những người tự ứng cử khác.
Có những người tự ứng cử và họ đảm bảo đầy đủ các quyền tự ứng cử, đó là quyền của họ nếu thông tin báo chí như thế sẽ gây bất lợi cho những người này.
Vấn đề này Bộ TT&TT cũng đang có chỉ đạo các cơ quan báo chí làm sao thông tin phải đảm bảo khách quan.
Không vì một trường hợp mà làm ảnh hưởng hết đến các người khác, phải phát huy dân chủ, đảm bảo quyền lợi của công dân, tất cả đều phải làm đúng pháp luật.
“Thời gian vừa qua có những thông tin báo chí loan ra đằng sau những người tự ứng cử là những thế lực thù địch. Những thông tin như vậy nếu báo chí truyền thông lên thì ảnh hưởng đến những người tự ứng cử khác. Có những người tự ứng cử và họ đảm bảo đầy đủ các quyền tự ứng cử, đó là quyền của họ nếu thông tin báo chí như thế sẽ gây bất lợi cho những người này”, ông Lưu Đình Phúc, Phó Cục trưởng Cục Báo chí.
Nhiều trang mạng xã hội, blog dịp này cũng đưa nhiều thông tin khác nhau về bầu cử. Bộ TT&TT làm gì để giúp người dân hiểu đúng về các thông tin này, thưa ông?
Thực tế, nội dung xuyên tạc trên mạng xã hội rất nhiều, có cả những tin ở trong cũng như bên ngoài nước.
Các thế lực thù địch thường xuyên tuyên truyền, xuyên tạc vào các thời điểm trước Đại hội, sau Đại hội, các sự kiện quan trọng nhất là các sự kiện liên quan đến chế độ Đảng cử dân bầu.
Chúng ta cũng đấu tranh quyết liệt trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng chính thống, với nhiều chuyên mục.
Như trên Đài Tiếng nói Việt Nam chuyên mục đấu tranh về diễn biến hòa bình cũng có nhiều chuyên gia trao đổi phản bác lại những lập luận xuyên tạc.
Tùy vào nội dung xuyên tạc chúng ta cũng có những biện pháp ngăn chặn cụ thể như sử dụng các biện pháp ngăn chặn bằng kỹ thuật.
Phải nói rằng, mạng xã hội có 2 dạng. Một là, mạng xã hội do các nhà cung cấp dịch vụ ở trong nước thì phải xin phép Bộ TT&TT thì chúng ta quản lý được.
Nếu có thông tin nội dung xấu, xuyên tạc thì ngay trong đội ngũ quản trị mạng xã hội họ phải kiểm tra, giám sát, rà soát, thẩm định và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Đối với mạng nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội ở nước ngoài, server ở nước ngoài, pháp nhân ở nước ngoài, ví dụ như facebook chúng ta không cấp phép thì nội dung trên đó được điều chỉnh bởi Nghị định 72, Nghị định 174 về xử lý vi phạm hành chính về công nghệ thông tin.
Có nghĩa là mình không xử được ông chủ thể ở nước ngoài nhưng mình xử lý người dùng.
Anh có thể tham gia thoải mái, tự do ngôn luận trên diễn đàn nhưng nếu như nội dung anh thể hiện trên mạng xã hội xâm hại đến cá nhân, tổ chức, nhà nước,... vi phạm pháp luật thì các cơ quan chức năng sẽ xác định và xử lý được.
Cảm ơn ông.