Tháng 4 vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã chính thức kêu gọi hoãn xây dựng đập trên dòng chảy chính trong 10 năm. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Nước của Campuchia cũng ủng hộ trì hoãn dự án. Thủ tướng Lào đã tiếp nhận những thông điệp này và tuyên bố trong Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN rằng Lào sẽ hoãn xây dựng Xayaburi để có thêm thời gian nghiên cứu; thống nhất chuyển quyền quyết định cuối cùng cho cấp Bộ.
Cá khổng lồ trên sông Mê Công đứng trước nguy cơ tuyệt chủng nếu đập Xayaburi được xây dựng. (Ảnh minh họa)
“Các quốc gia phía hạ lưu sông Mê Công hiện nay đang đứng trước hai lựa chọn đối lập ở tại một thời điểm mà họ sẽ phải quyết trong tuần tới, hoặc là trở thành các lãnh đạo toàn cầu về thủy điện bền vững và trì hoãn ra quyết định đối với đập Xayaburi; hoặc mạo hiểm cuộc sống và sinh kế của chính những người dân đất nước họ, và đẩy dòng sông yêu quý của họ vào hiểm họa khôn lường” - chuyên gia Thủy điện Bền vững củaWWF(tổ chức phi chính phủ về bảo tồn đa dạng sinh học)nhận xét.
Sông Mê Công chảy dài 4.800km dọc biển Đông và là dòng sông dài nhất tại vùng Đông Nam Á. Hơn 700 loài cá nước ngọt sinh sống ở khu vực này, 4 trong số đó thuộc 10 loài cá nước ngọt lớn nhất trong đó phải kể đến cá tra dầu, loài cá lớn nhất thế giới và là loài đặc hữu của sông Mê Công, hiện được xếp vào tình trạng nguy cấp.
WWF kêu gọi các Bộ trưởng lắng nghe các khuyến nghị của MRC về Đánh giá Môi trường Chiến lược và hoãn xây dựng đập trong 10 năm cho đến khi có đầy đủ thông tin để đánh giá tác động của đập. Quyết định cần phải dựa trên các bằng chứng và phân tích khoa học vững mạnh. WWF khuyến nghị các quốc gia hạ lưu sông Mê Công nên xem xét việc xây dựng nhà máy thủy điện trên các phụ lưu của sông Mê Công, nơi dễ tiếp cận và ít rủi ro hơn.
Theo P. Thanh
Dantri.com.vn