Nếu câu chuyện này trở thành sự thật, nguy cơ thị trường bất động sản ở Hà Nội sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, chưa kể đến việc, tiền của hàng chục nghìn người dân đã đầu tư tiền vào các dự án này không biết sẽ ra sao?
“Không gian xanh” ám ảnh nhà đầu tư bất động sản
Trong 750 dự án bất động sản ở Hà Nội, từ năm 2009 đến nay, qua nhiều lần rà soát, Bộ Xây dựng và UBND TP. Hà Nội đã lọc ra danh mục gồm 244 đồ án quy hoạch và dự án đầu tư xây dựng được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về nguyên tắc cho phép triển khai đợt I.
Tháng 11/2010, trong Công văn 164/BC-UBND của UBND TP. Hà Nội báo cáo Thủ tướng kết quả rà soát đợt 2 và đề xuất hướng xử lý đối với các đồ án, dự án đầu tư trên địa bàn Hà Nội, đoàn công tác của UBND Thành phố đã tiến hành rà soát 398 đồ án, dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn 20 quận, huyện, thị xã (không bao gồm các dự án đã được Thủ tướng cho phép tiếp tục triển khai trong đợt I).
Trả lời báo chí về đợt rà soát thứ 2 này, ông Phí Thái Bình, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nộicho biết, trong số 398 đồ án, dự án được rà soát, Hà Nội có 220 đồ án quy hoạch và 178 dự án đầu tư với tổng quy mô diện tích gần 42.000 ha.
Hành lang xanh này sẽ được xây dựng như thế nào khi mà mạng lưới dày đặc dự án bất động sản đã chiếm gần hết diện tích?
UBND TP. Hà Nội đề xuất cho tiếp tục triển khai 202 trong tổng số 398 dự án, đồ án. Trong đó, có 176 dự án, đồ án phù hợp quy hoạch chung và 26 đồ án không, hoặc chưa phù hợp, nhưng đáp ứng được những tiêu chí đặc thù khi xét duyệt.
Hầu hết dự án, đồ án đang bị tạm dừng trong 750 dự án chờ quy hoạch nằm ngoài vành đai 3 trở ra, có những dự án lên tới hàng nghìn héc-ta nằm trong khu vực vành đai xanh theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.
TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển Hà Nội cho biết: “Hiện nay các dự án đã phủ kín quanh Hà Nội, thậm chí ở khu vực phía Tây, dự án đã phủ kín đến tận Hòa Lạc. Ngay như khu vực giữa vành đai 3 và vành đai 4, giáp ranh Hà Nội và Hà Tây trước kia cũng có vành đai xanh nhưng giờ lại toàn dự án kín rồi.
Bản đồ vùng trũng ngập (màu xanh thẫm) trong lưu vực sông Tích, sông Đáy quy hoạch thành hành lang Xanh trữ 3 tỉ m3 nước ngọt
Trong tất cả các quy hoạch Hà Nội xưa đến nay đều khẳng định Hà Nội có vành đai xanh. Việc đưa ra vành đai xanh là nhằm khống chế dân cư nội thành. Nhưng vành đai xanh của Hà Nội cũ và hành lang xanh của Hà Nội mới hiện nay khác hẳn nhau nên sắp tới tất yếu phải có sự rà soát các dự án, rà soát các khu đô thị.
Việc rà soát này thực ra đã được tiến hành trước đó, khi hàng loạt dự án phía Tây đã phải tạm đình chỉ và chỉ có số ít dự án tiếp tục được triển khai.
Việc tạm đình chỉ hàng loạt dự án trước kia đã khiến thị trường BĐS Hà Nội bị ảnh hưởng ghê gớm. Vì thế, việc tất yếu điều chỉnh dự án nằm trong quy hoạch mới mà người ta gọi là hành lang xanh lần này, nó cũng nhất khoát sẽ tác động đến các chủ đầu tư và tác động đến thị trường BĐS”.
Sẽ tìm ra cách xử lý tốt nhất?
Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, sẽ có nhiều dự án không được tiếp tục triển khai do không phù hợp với quy hoạch vùng Thủ đô, không phù hợp với nội dung nhiệm vụ quy hoạch chung Hà Nội mở rộng.
Đó là các dự án nằm trong hành lang thoát lũ, phân chậm lũ; khu vực cấm và hạn chế xây dựng theo quy định của pháp luật; không bảo đảm môi trường; không nằm trong định hướng quy hoạch chung đã được duyệt; đồ án quy hoạch chi tiết chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Không gian Xanh Hà Nội: Lấy mặt nước sông Hồng, sông Đáy làm động mạch chủ, rừng cây Ba Vì, Huơng Sơn, Sóc Sơn làm nền... Màu xanh tràn ngập bản vẽ quy hoạch HN.
Quy hoạch các cụm dân cư, đô thị (mầu da cam) là nguy cơ làm phá vỡ hành lang xanh. Cần xoá bỏ các khu đô thị tập trung dân cư mới và hạn chế mở rộng khu dân cư hiện có
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết: Thật ra việc tạm dừng các dự án bất động sản này để xem xét là việc không ai mong muốn. Tuy nhiên, điều gì có lợi, có ích cho quy hoạch chung của thủ đô thì cần phải làm.
Tuy nhiên, theo ông Nam, Chính phủ cùng Bộ Xây dựng và UBND thành phố cũng sẽ cố gắng tìm ra giải pháp tốt nhất cho các doanh nghiệp và người dân.
Ví như có thể điều chỉnh dự án ra chỗ khác. Hoặc nếu dự án còn ở trong đó thì cũng tìm cách để phù hợp với không gian xanh như giảm mật độ xây dựng, không xây nhà cao tầng. Nếu trước làm cho 300 người thì giờ giãn ra, chỉ còn làm cho 100 người. 200 người còn lại có thể được đền bù bằng số tiền lớn hơn. 100 người được quyền lợi thì cũng phải chịu mức chi phí cao hơn.
Đi một vòng hành lang xanh, vành đai xanh để ngắm cái không gian xanh tương lai của thành phố mới biết: Nếu áp đúng thực tế vào bản quy hoạch, khi mà trong hành lang xanh đang dày đặc các công trình xây dựng, các dự án bất động sản, người ta sẽ băn khoăn, định nghĩa tường minh về hành lang xanh, vành đai xanh là gì?Như vậy, câu chuyện dự án nào sẽ bị khai tử, dự án nào sẽ phải điều chỉnh còn chưa được rõ ràng thì các doanh nghiệp và người dân vẫn còn phải chờ đợi quyết định cuối cùng của Chính phủ, Bộ Xây dựng và UBND thành phố Hà Nội.
“Định hướng không gian xanh của thành phố bao gồm hành lang xanh và vành đai xanh dọc sông Nhuệ, các nêm xanh và các công viên đô thị.
Hành lang xanh gồm khu vực nông thôn, hệ thống sông hồ, đồi núi, rừng tự nhiên, vùng nông nghiệp… được bảo vệ nghiêm ngặt để trở thành khu hậu cần phục vực đô thị, giữ gìn cảnh quan và đảm bảo môi trường sống đô thị.
Vành đai xanh dọc sông Nhuệ là các vùng đệm cách biệt giữa khu vực nội đô mở rộng với khu vực đô thị mở rộng phía Nam sông Hồng.
Các nêm xanh là vùng đệm xanh phân cách các khu đô thị mới dọc phía Đông tuyến đường vành đai 4 và phía Bắc sông Hồng.
Kiểm soát phát triển các làng xóm hiện hữu, xây dựng một số công trình công cộng ở quy mô nhỏ, thấp gắng gắn với đặc trưng sinh thái cây xanh và mặt nước” – Trích Quyết định phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội 2030 tầm nhìn 2050.
Theo VietNamNet