Sau khi tăng thêm hơn 100 đồng vào chiều qua, đến hôm nay, các ngân hàng lại tăng cường thu gom đôla Mỹ. Vietcombank niêm yết mua bán ở 20.750-20.810 đồng, tăng mạnh 70 đồng chiều thu gom và 10 đồng chiều bán.
ACB cũng công bố giao dịch USD ở 20.780-20.814 đồng. So với hôm qua, mỗi USD mua vào đã tăng 50 đồng, chiều bán giữ nguyên.
Một số nhà băng khác trong xu hướng giao dịch đồng bạc xanh cũng điều chỉnh tăng lên. Eximbank chiều nay thông báo giá mua đôla Mỹ tăng tới 130 đồng lên 20.780 đồng. Còn mức bán ra giảm nhẹ 4 đồng xuống 20.810 đồng. Biên độ giữa mua vàn bán lên mức khá cao 134 đồng.
Giá đôla trên thị trường tự do đã chạm 21.300 đồng. Ảnh:Lệ Chi.
Trên thị trường tự do ở Hà Nội, đôla giao dịch quanh 21.050-21.300 đồng, tăng gần 200 đồng so với hôm qua. Một số điểm thu đổi khác tăng giá thu gom khá mạnh, lên mức 21.150 đồng vào khoảng 14h chiều. Ở chiều bán ra, mỗi USD được niêm yết ở 21.300 đồng, tăng gần 450 đồng so với giá chiều qua.
Các chủ điểm thu đổi ngoại tệ cho hay, nhu cầu mua vào đang tăng mạnh do có nguồn tiêu thụ. Trái với tình hình ảm đạm giao dịch như cách đây một vài tuần, hiện tại, đã bắt đầu có người dân đến bán đôla, chủ một điểm thu đổi ngoại tệ trên phố Hà Trung (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết.
Tại TP HCM, lúc 16h chiều nay, giá USD trên thị trường tự do dao động quanh 20.850-21.200 đồng. So với chiều qua, mỗi đôla mua vào tăng 150 đồng trong khi bán ra tăng gần 250 đồng.
Tỷ giá đôla thị trường tự do đang tiếp tục tăng cao khiến tình hình giao dịch ngoài thị trường cũng rất phức tạp. Lực mua và bán còn tùy thuộc từng địa bàn khác nhau. Một số điểm thu đổi ngoại tệ trên đường Nguyễn Huệ, quận 1 do giá USD tăng nên lượng người đến mua đôla về cất trữ nhiều hơn bán. Trong khi, các điểm thu đổi ngoại tệ tại các quận 3, quận 5,... thì giao dịch vẫn không thay đổi nhiều so với những ngày trước. Lượng người mua và bán đều tương đương nhau.
Theo giải thích của một số chủ thu đổi ngoại tệ tại quận 1, TP HCM, người mua phần lớn do nhu cầu bắt buộc, không có hiện tượng mua ồ ạt.
Riêng sự biến động giá USD trong ngân hàng, một số chuyên giá cho rằng, đó là do việc Ngân hàng Nhà nước cho phép nhập khẩu vàng (trong đợt này phần lớn là các ngân hàng được cấp phép) đã khiến giá đôla Mỹ tiếp tục ở mức cao vì họ đang cần gom ngoại tệ để nhập vàng.
Một chuyên gia kinh tế tại TP HCM cũng cho rằng, biến động giá vàng, đôla trong khoảng thời gian ngắn gần đây, đã hé lộ triệu chứng "lâm sàng" rất đáng lo ngại cho sức khỏe của đồng tiền Việt Nam. Nếu Ngân hàng Nhà nước không có biện pháp ngăn chặn kịp thời có thể gây áp lực lên tỷ giá.
Tổng Giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần tại Hà Nội cũng bày tỏ, hiện nay, còn quá sớm để kết luận tỷ giá đang chịu áp lực hay không. Theo ông này, việc một số nhà băng đẩy mạnh thu mua đôla mới chỉ diễn ra từ chiều qua, có thể một phần do tác động tâm lý của thông tin Ngân hàng Nhà nước cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng.
Theo ông, hiện tại, nguồn cung trên thị trường không thiếu, do vậy đây có lẽ là động tác thu gom nhằm điều chỉnh lại trạng thái. "Mỗi ngân hàng có một chính sách để cân đối cung, cầu. Tuy nhiên, nếu các đơn vị đua nhau đi gom thì thị trường sẽ có khả năng trở nên căng thẳng hơn", ông chia sẻ.
Tỷ giá bình quân liên ngân hàng, theo công bố của Ngân hàng Nhà nước vẫn trụ ở 20.608 đồng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc các ngân hàng thương mại đẩy mạnh thu gom đôla từ chiều qua có thể có nguyên nhân trực tiếp là Ngân hàng Nhà nước cho phép nhập khẩu vàng. Chính điều này khiến cho nhu cầu về ngoại tệ đang dần nóng lên.
Theo Vnexpress