Phiên chợ “đánh nhau để cầu may” này khiến nhiều người lâm vào cảnh “sứt đầu mẻ trán” giữa ngày xuân. (Ảnh: Lê Duẩn)
Người ta còn gọi đây là “Chợ Choảng” bởi dân trong vùng đến đây không hẳn chỉ để mua-bán mà còn mang theo mong muốn được “đánh nhau để có may mắn cả năm”.
Từ thành phố Thanh Hóa, chạy xe gần 20 Km là đến được chợ Choảng. Chợ họp trên bãi đất trống rộng bằng một sân bóng đá, nằm ven con sông Hoàng, trên địa bàn xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn. Phiên chợ “đánh nhau để cầu may” này khiến nhiều người lâm vào cảnh “sứt đầu mẻ trán” giữa ngày xuân.
Ban đầu người đến chợ dùng cà chua ném nhau. Chủ yếu việc ném cà chua được diễn ra giữa các nhóm thanh niêm nam nữ với nhau như sự bày tỏ tình cảm. Tuy nhiên, khi cà chua đã hết, nhiều trai làng dùng cả táo, ổi, đến gạch đá… để “tỏ tình”.
Lãnh đạo xã Đông Hoàng còn cho chúng tôi biết những năm gần đây chợ Choảng đã bị nhiều đối tượng lợi dụng làm nơi thanh toán ân oán, giải quyết hiềm khích. Những hiềm khích cả năm được người ta giải quyết ở chợ Choảng. Nét đẹp văn hóa đánh nhau giả vờ cầu may bị biến thành những cuộc tử chiến, thanh trừ đối thủ. Nhiều người cho chúng tôi biết đã xảy ra những án mạng đáng tiếc từ những phiên chợ này.
Từ việc đánh nhau giả vờ với mong muốn lấy may, phiên chợ Choảng đầu xuân giờ đây đang bị biến tướng, là nơi người ta chém nhau trả thù. Năm nào cũng vậy, lực lượng công an luôn phải căng ra để hạn chế thấp nhất những hậu quả từ phiên chợ “đánh nhau cầu may” này. Nên chăng chính quyền địa phương cần có những biện pháp can thiệp mạnh hơn, đưa ra những quy định cụ thể song song với việc tuyên truyền để người dân tự giác giữ gìn một phong tục tập quán đẹp, tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra.
Một số hình ảnh mà PV ghi lại tại phiên chợ Choảng: