"Phượt" trốn lì xì
Với tâm lý ở nhà những ngày Tết tốn hơn đi du lịch tiết kiệm (phượt) nên N. Trung (nhân viên kinh doanh, công ty xây dựng Minh Đức) quyết định chu du Thái Lan từ 28 đến mùng 5 Tết.
Dù hơi tiếc vì không được đón khoảnh khắc giao thừa cùng gia đình nhưng đi du lịch là cách để Trung đối phó với việc "lạm chi" trong ngày Tết, vừa thỏa mãn "bệnh nghiện đi".
Trung hóm hỉnh: "Sợ lắm cái cảnh chi tiêu kinh khủng trong những ngày Tết. Nào là mua quần áo mới, ăn chơi ở đâu cũng bị chặt chém không thương tiếc. Oải nhất là cái vụ lì xì cho con bạn, bà con, cháu, chắt, chít. Dù mình mới chỉ 28 tuổi"
"Phượt" là cách người trẻ "đối phó" với việc chi tiêu khủng hoảng trong những ngày Tết
Dành hết những ngày nghỉ Tết cho chuyến đi nên Trung không khỏi bị bố mẹ phản đối "sao không ở sum vầy gia đình vào ngày Tết".
"Mình đã đưa ra 1000 lí do để giải thích như đặt tour rồi nên không hủy được, hủy là mất hết tiền. Cuối cùng bố mẹ cũng phán một câu: Thôi lỡ rồi năm nay cho đi, chứ năm sau là ở nhà", Trung chia sẻ.
Cũng muốn "trốn Tết" như Trung nên Lê Ngân (Kỹ thuật viên thiết kế của một công ty đồ họa ở Khâm Thiên) đã quyết định không về quê ăn Tết mà đi "phượt" cùng một nhóm sinh viên lên Tây Bắc.
Ngân đã gửi tiền về cho bố mẹ sắm Tết và gọi điện về nhà báo là Tết năm nay phải trực nên không về được.
Ngân chia sẻ: "Mình mới chuyển chỗ làm đầu tháng 12 vừa rồi nên Tết năm nay thưởng không nhiều, lương thử việc cũng thấp. Mang tiếng đi làm Hà Nội mà về quê chưa có tới 5 triệu bạc để ăn Tết thì xấu hổ với gia đình lắm. Với số tiền này thì không thể đủ để mua quà cáp cho các cụ và mừng tuổi các cháu.
Dù sao thì năm nào cũng đón Tết ở nhà rồi nên năm nay đi "phượt" một chuyến chắc sẽ có cảm giác lạ. Bố mẹ nghe tin mình không về buồn lắm, nhưng về mà không có tiền thì chỉ ru rú ở nhà chứ chả dám đi đâu".
Tết được cho là dịp chi tiêu "khủng" nhất trong năm, hầu hết những bạn trẻ mới đi làm đều rơi vào tình trạng "cháy túi" sau những ngày nghỉ Tết. Trốn Tết đi phượt là lựa chọn "láu cá" của không ít người trẻ.
"Phượt" quên bận rộn
"Phượt" vào kỳ nghỉ Tết là cơ hội để những bạn trẻ cả năm bận rộn tìm lại cảm giác tự do và một chút riêng tư cho mình.
Phạm Đức (nhân viên xưởng sửa chữa ô tô Mỹ Đình) đã đi "phượt" Tết hai năm liên tiếp. Tết năm 2010 Đức cùng một nhóm bạn có cuộc hành trình khám phá Sa Pa, năm ngoái thăm Mẫu Sơn.
Chợ Tết ở Mường Khương, Lào Cai
Đức chia sẻ: "Tết năm nay mình dự định sẽ làm một vòng 5 ngày từ mùng 2 đến mùng 7 tết đi Mộc Châu - Sơn La - Điện Biên. Cả năm bận rộn với công việc nên được nghỉ Tết chỉ muốn đi đâu đó cho thư thả".
Đức thích đi phượt lên vùng cao vào dịp Tết vì cảm giác Tết ở vùng cao ấm áp hơn dưới xuôi.
"Thật sự ở dưới xuôi không khí Tết dần mất đi. Còn ở trên vùng cao, đa số mỗi dân tộc vẫn giữ được những bản sắc riêng của Tết. Phượt Tết lên vùng cao sẽ có cơ hội xem, ngắm, tìm hiểu những con người, những món ăn, màu sắc trang phục Tết của từng dân tộc", Đức chia sẻ thêm.
Bản sắc riêng của Tết vùng cao luôn hấp dẫn người trẻ miền xuôi đến khám phá
Là sinh viên năm cuối nên nghỉ Tết năm nay Trang Linh (Khoa Công nghệ tin học, Viện Đại học Mở Hà Nội) quyết định làm một chuyến khám phá Sa Pa trước khi ra trường, "bù đầu" vào công việc.
Linh thích cái cảm giác hoàn toàn tự do khi đi du lịch. "Mình quên không khí ngột ngạt của cuộc sống, được bay nhảy khám phá, làm mọi thứ theo ý mình mà không phải đắn đo. Đến nơi không ai biết mình là ai, mình làm gì và mình từ đâu đến. Tự do hoàn toàn", Linh hào hứng.
Linh cho biết, Linh có bạn ở Lào Cai nên khoản ăn - uống - ngủ - nghỉ không phải lo, Linh chỉ lo tiền tàu xe đi lại. Việc xin bố mẹ đi "thăm bạn" vào những ngày Tết cũng dễ dàng hơn.
"Mình chỉ mang theo hơn 1 triệu tí thôi. Lên đến Lào Cai là bạn mình đón rồi 2 đứa du xuân bằng xe máy", Linh nói thêm.
Những kỳ nghỉ dài luôn là cơ hội không thể bỏ lỡ của các tín đồ phượt. Đi để đón một cái Tết theo cách riêng của mình, để khám phá không khí xuân trên những mảnh đất lạ và nhất là thỏa mãn niềm đam mê xê dịch.
Theo 24h