Nạn nhân trong vụ đuối nước là cháu Nguyễn Văn Hoàng (12 tuổi), con trai anh Nguyễn Văn Trường (sinh năm 1969, trú tại thôn Thọ Vực, xã Vĩnh Ninh). Cháu Hoàng hiện đang là học sinh lớp 6 của trường THCS Tây Đô.
Chị Trần Thị Tuyết (trú tại thôn Thọ Vực, xã Vĩnh Ninh), một trong những nhân chứng trong vụ việc trên cho biết: “Vụ việc xảy ra vào khoảng lúc 13h trưa nay. Trưa nắng nóng nên cháu Hoàng đã rủ thêm một vài bạn cùng xóm đi ra khu vực hồ nước ở ngoài bãi đá Núi Tụng để tắm, trong đó có con trai của tôi."
“Được một lát sau thì tôi thấy con trai tôi đạp xe về nhà báo tin: “Mẹ ơi, thằng Hoàng chết đuối rồi, con đã báo cho bố mẹ nó ra ngoài đó lặn tìm xác”. Thấy con nói vậy tôi vội vàng đạp xe ra khu vực hồ nước ngoài bãi đá thì cũng là lúc mọi người vừa tìm thấy và đưa cháu Hoàng lên. Cháu Hoàng đã được đưa lên Bệnh viện đa khoa Vĩnh Lộc ngay sau đó để cấp cứu, tuy nhiên các bác sĩ cho biết cháu đã tử vong từ trước đó”, chị Tuyết kể lại.
Qua tìm hiểu được biết, bãi khai thác đá Núi Tụng nói trên trước kia do một doanh nghiệp tư nhân khai thác đá ở xã Vĩnh Ninh (Vĩnh Lộc,Thanh Hóa) khai thác. Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp này đã bị các cơ quan chức năng huyện Vĩnh Lộc và tỉnh Thanh Hóa tước giấy phép với lý do không đảm bảo an toàn trong lao động, tàn phá tài nguyên môi trường và đặc biệt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến “cung đường di tích văn hóa lịch sử” Thành nhà Hồ - Động Hồ Công (trong đó, di tích Thành nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2012, còn di tích Động Hồ Công đã được xếp hạng cấp quốc gia).
Những hồ nước này do phía doanh nghiệp khi khai thác đá tạo ra. Vào những ngày mưa, nước hồ có nơi sâu từ 1,5 - 2,5m, song không hề có biển cảnh báo.
Chị N.T.H – một người dân sống cạnh khu vực bãi đá cho biết: Những hồ nước nói trên là do quá trình khai thác đá của doanh nghiệp tạo ra từ trước đó. Vào những ngày bình thường, hồ nước chỉ sâu khoảng 0,5 – 1m, tuy nhiên vào những ngày mưa, nước dồn về các hồ, khiến có nơi nước sâu từ 1,5 – 2,5m. Trẻ em trong thôn khi chăn bò thường xuống các hồ này để tắm, nhiều cháu không biết bơi nên rất nguy hiểm.
“Tôi cũng chẳng hiểu sao phía doanh nghiệp khi không khai thác đá nữa, rút đi mà không san lấp những chiếc hồ “tử thần” này lại, đến cả biển báo cũng không”, chị H. bức xúc nói.