Điều ít biết về biệt thự 8 năm chưa trả của cựu Chủ tịch Hà Nội

Tuấn Nam |

Đó là căn biệt thự được xây dựng trên khu đất rộng hơn 400 mét vuông ngay tại mặt đường Nguyễn Chế Nghĩa khá rộng rãi, vắng vẻ…

Năm 2006, TP. Hà Nội thông báo không bán biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hoàng Văn Nghiên.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, sau 8 năm căn biệt thự này vẫn chưa được thu hồi. Chúng tôi đã đến địa điểm này để tìm hiểu.

Theo một số người dân sinh sống tại phố Nguyễn Chế Nghĩa, gia đình ông Hoàng Văn Nghiên vẫn sinh sống trong căn biệt thự này.

Được biết, trong thời gian thống nhất phương án giải quyết nhà ở tại nơi khác cho ông Nghiên, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất với thành phố cho phép ký lại hợp đồng thuê nhà với ông Nghiên tại 12 Nguyễn Chế Nghĩa.

Trao đổi với chúng tôi, một người dân ở đây tên H. chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên tại con phố này. Ở khu vực này toàn là nhà các cán bộ. Còn căn biệt thự kể từ khi xây đến nay rất ít chủ ở.

Năm 1954, Pháp rút khỏi Việt Nam nhưng vẫn còn một số người Pháp ở lại. Đến năm 1960, một người Pháp ở căn biệt thự này mới chuyển đi.

Tôi còn nhớ, hồi bé, tôi hay nhìn qua khe hở ở cổng sắt của căn biệt thự để nhìn con khỉ được ông người Pháp kia nuôi.

Sau khi ông người Pháp này rời đi, ông Nguyễn Công Hòa - nguyên Phó Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) - đến ở”.

Căn biệt thự ở 12 Nguyễn Chế Nghĩa, Hoàn Kiếm, Hà Nội (Ảnh: Tuấn Nam)

Người đàn ông tên H. kể tiếp: “Sau khi ông Hòa chuyển đến phố Nguyễn Gia Thiều, có 2 hộ gia đình chuyển đến ở căn biệt thự. Một hộ trên gác và một hộ ở phía dưới.

Hộ trên gác là nhà của một ông từng là Phó Chánh án TAND Hà Nội. Còn nhà phía dưới, hai ông bà tên là Mậu làm bác sỹ ở.

Một thời gian sau, gia đình ông bà Mậu lại đổi nhà cho một người tên là Dung ở phố Phùng Khắc Khoan. Bà Dung ngày đó là giáo viên trường THCS Ngô Sỹ Liên (gần đó)”.

Theo ông H., sau thời gian đó, Nhà nước thu hồi căn biệt thự và để hoang 2 năm rồi cho một người Nhật là chủ một hãng điện tử lớn ở Việt Nam thuê.

Đến khi người Nhật này không thuê nữa thì phải vài năm sau mới có người đến sửa và ông Hoàng Văn Nghiên về đây ở từ đó đến nay.

Theo quan sát của chúng tôi, đường Nguyễn Chế Nghĩa không dài, khá vắng vẻ và rộng rãi, một đầu thông ra đường Hàm Long và một đầu thông ra đường Trần Hưng Đạo.

Đầu đường Nguyễn Chế Nghĩa thông ra đường Hàm Long (Ảnh chụp tại vị trí đối diện căn biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa)
Đầu đường Nguyễn Chế Nghĩa thông ra đường Hàm Long (Ảnh chụp tại vị trí đối diện căn biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa)
Đầu đường Nguyễn Chế Nghĩa thông ra đường Trần Hưng Đạo (Ảnh chụp tại vị trí đối diện căn biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa)
Đầu đường Nguyễn Chế Nghĩa thông ra đường Trần Hưng Đạo (Ảnh chụp tại vị trí đối diện căn biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa)

Một người dân (xin giấu tên) sống lâu năm ở con phố này chia sẻ: “Căn biệt thự được xây dựng trên mảnh đất có diện tích hơn 400 m2, theo kiến trúc của Pháp”.

Người dân này cũng cho biết thêm: “Căn biệt thự có ít phòng, mỗi tầng chỉ có 2 phòng, cầu thang bằng gỗ, có 2 cổng: một cổng để ô tô đi vào, còn một cổng để đi lại”.

Khi được hỏi về giá đất cũng như giá thuê căn biệt thự, ông H cho biết, với giá ước tính giá khoảng 200 triệu đồng/m2 thì tính sơ căn biệt thự này cũng có giá hơn 80 tỉ đồng.

Còn về giá thuê nhà, theo ông này, giá thuê theo thị trường cũng phải hơn một chục nghìn USD.

Thấy chúng tôi ngạc nhiên, ông H giải thích: “Thời gian ông giám đốc người Nhật kia thuê ở đây nghe đâu giá thuê đã 80-90 triệu đồng/tháng. Trong khi giá vàng ngày đó cũng chỉ khoảng 500.000 - 700.000 đồng/chỉ vàng”.

Theo nhiều người dân sinh sống tại phố này, hiện họ không thấy ông Nghiên sống ở căn biệt thự mà chỉ con trai ông Nghiên ở đây.

Họ cũng tỏ ra ngạc nhiên khi biết việc thu hồi căn biệt thự vẫn chưa được thực hiện dù đã có thông tin thu hồi kể từ khi ông Nguyễn Quốc Triệu mới lên làm Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại