Điều gì sẽ xảy ra khi nước Mỹ vỡ nợ?

vytran |

Đồng “bạc xanh” đứng trước nguy cơ cáo chung.

Đồng “Bạc Xanh” sẽ tới hồi cáo chung. Các tập đoàn lớn không thể vay nợ, thị trường chứng khoán sụp đổ, các cơ cấu thanh toán cơ bản hỗ trợ nền kinh tế sẽ bị hủy hoại… Đó chỉ là một số trong hàng loạt viễn cảnh sẽ xảy ra nếu Mỹ “vỡ nợ”.Giới phân tích cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ hứng chịu một cú sốc nghiêm trọng hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 nếu Nhà Trắng và Quốc hội vẫn không đạt được thỏa thuận chính trị về việc nâng mức trần nợ của chính phủ Mỹ trước ngày 2/8, thời điểm chính phủ sẽ không còn tiền để thanh toán các khoản chi tiêu.

Đô la Mỹ - đồng tiền phổ biến nhất thế giới.

Các nhà kinh tế cho rằng với mức thâm hụt ngân sách hiện nay, Chính phủ Mỹ có thể sẽ phải cắt giảm 40% hoạt động như đóng cửa phần lớn các cơ quan chính phủ, ngừng xuất chi phiếu trả lương cho binh sĩ, đóng cửa các tòa án hoặc hoãn trả an sinh xã hội cho người già. Ông Michael Ettlinger thuộc Trung tâm Tiến bộ Mỹ nói: “Đây sẽ là một thảm họa thực sự”. Ông cho rằng nếu mức trần nợ vẫn “đóng băng” trong suốt tháng 9 tới, sẽ dẫn tới mức giảm hơn 2% trong nền kinh tế Mỹ theo quý, nghiêm trọng hơn so với quý tồi tệ nhất trong cuộc suy thoái của Mỹ năm 2007-2009, khi đó, 2 triệu việc làm đã bị mất.

Trong khi đó, ông Lawrence Summers, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ dưới thời Tổng thống Bill Clinton, cảnh báo: “Đồng USD sẽ tới hồi cáo chung. Các tập đoàn lớn không thể vay nợ, thị trường chứng khoán sụp đổ, các cơ cấu thanh toán cơ bản hỗ trợ nền kinh tế sẽ bị hủy hoại. Đây sẽ là cú đòn giáng vào niềm tự hào quốc gia của người Mỹ, và chúng ta sẽ phải trả giá cho nó trong suốt thời gian rất dài”.

Giám đốc điều hành của hãng đầu tư QUADRO, ông Roman Andreev thì nhận định: “Chắc hẳn sẽ xuất hiện làn sóng rút tiền gửi khỏi các ngân hàng, khu vực doanh nghiệp sẽ bắt đầu nỗ lực sa thải và thu hẹp biên chế, tất cả sẽ phải thắt lưng buộc bụng và cắt giảm chi phí. Điều này sẽ tác động đến, thứ nhất là ngành công nghiệp Mỹ, và thứ hai là đánh vào lòng tin của giới tiêu dùng. Và sau đó, đây sẽ không chỉ là vấn đề của một quốc gia, mà là vấn đề mang tầm thế giới”.

Nợ liên bang của Mỹ đã lên tới mức kịch trần là 14,3 nghìn tỉ USD hôm 16/5 và cho đến nay, cuộc tranh cãi gay gắt giữa Nhà Trắng và Quốc hội xung quanh vấn đề nâng mức trần nợ để giúp nước Mỹ thoát khỏi cảnh vỡ nợ vẫn chưa có dấu hiệu khai thông.

Trong một báo cáo được công bố trong tuần, Trung Tâm chính sách lưỡng đảng đóng vai trò độc lập, cho biết Bộ Tài chính Mỹ sẽ phải ngừng thanh toán 40-45% hay trị giá 134 tỉ USD của 80 triệu hóa đơn mà bộ này phải thanh toán hàng tháng. Nếu Bộ Tài chính vẫn tiếp tục thanh toán nợ, các phúc lợi y tế và an sinh xã hội, bảo hiểm các nhà thầu quân sự và bảo hiểm thất nghiệp, thì Bộ này sẽ phải đóng cửa Bộ Tư pháp và Lao động, ngừng hoạt động xây dựng đường sá, các vấn đề của cựu chiến binh, nghiên cứu y tế, ngừng hoạt động ủng hộ kinh doanh nhỏ và một loạt hoạt động khác.

Phát biểu trước Quốc hội trong tuần này, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ, Ben Bernanke, cho rằng những cắt giảm như vậy sẽ giống như việc lặp lại cuộc Đại suy thoái, gây ra tình trạng mất việc hàng loạt, trong lúc đã có 14,1 triệu người Mỹ đang thất nghiệp.Ông Bernanke và các nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực ngân hàng, thậm chí cả Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng một sự vỡ nợ như vậy, cho dù chỉ mang tính kĩ thuật, sẽ là thảm họa tài chính có quy mô toàn cầu./.

Theo Petrotimes

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại