Sau sự cố xảy ra tai nhà máy điện hạt nhân Fukushima Nhật Bản ngày 11/3 vừa qua, mỗi nước có những lời giải khác nhau, có nước đóng cửa, có nước phát triển. Tuy nhiên, các chuyên gia của IAEA cũng đưa ra khuyến cáo, rằng "không nên vì nghẹn mà không ăn cơm".
Thời gian qua, điện hạt nhân được các nước coi là nguồn năng lượng của tương lai vì những ưu thế như thân thiện với môi trường, là nguồn năng lượng sạch, giá thành hạ, cung cấp điện khá ổn định. Nhà máy điện hạt nhân đòi hỏi kỹ thuật công nghệ cao, yêu cầu về an toàn rất lớn nên vốn đầu tư ban đầu lớn, nhưng về lâu dài lại là nguồn năng lượng tương đối rẻ tiền. Chính vì vậy mà hơn 30 năm qua, các nước đều ra sức phát triển nguồn năng lượng hạt nhân, như Mỹ, nước đứng hàng đầu thế giới với 104 lò phản ứng hạt nhân, cung cấp trên 20% điện cho ngành điện cả nước.
Các nước EU có 150 nhà máy điện hạt nhân, Đức có 17 lò phản ứng cung cấp 23% điện cho cả nước. Thụy Sĩ có 5 lò phản ứng và cung cấp 40% lượng điện cho cả nước. Pháp có tới 58 lò phản ứng hạt nhân và cung cấp tới 78% điện cho cả nước. Hiện rất nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Braxin đều phát triển điện hạt nhân, trong đó Nga có kỹ thuật điện hạt nhân tiên tiến trên thế giới. Các nhà khoa học dự báo rằng hiện nay thị trường điện hạt nhân thế giới rất to lớn, tới 500 tỉ USD, nên các nước công nghiệp tiên tiến có kỹ thuật hạt nhân hàng đầu thế giới như Mỹ, Pháp, Nga, Anh, Australia... đều ra sức tranh giành thị trường này.
Nhưng kể từ khi Nhà máy điện Fukushima của Nhật Bản gặp sự cố thì điện hạt nhân trở thành tiêu điểm để chính phủ các nước đưa ra bài toán lựa chọn, trong đó chủ yếu nhấn mạnh “vấn đề đảm bảo an toàn” trong vận hành. Ngoài ra, ở nhiều nước điện hạt nhân còn bị chính trị hóa, trở thành mục tiêu đấu tranh giành phiếu bầu cử trong tranh cử, như nước Đức.
Ngày 30/5/2011 sau 12 tiếng đồng hồ tranh luận tại quốc hội, cuối cùng Đức bỏ phiếu tới trước năm 2022 sẽ đóng cửa toàn bộ 17 nhà máy điện hạt nhân; trong đó 8 lò đóng cửa ngay, 9 lò còn lại sẽ đóng cửa trước năm 2022. Năm 1987, Italia từng trưng cầu ý dân ngừng xây dựng thêm điện hạt nhân, nhưng sau đó vẫn có kế hoạch tái xây dựng. Bởi vậy, với quyết định này, Đức sẽ là nước đầu tiên trong G8 từ bỏ điện hạt nhân.
Để bổ sung vào thiếu hụt nguồn điện cung cấp ở năm đó, Đức quyết định tiến hành tiết kiệm dùng điện 10% và phát triển nguồn năng lượng tái sinh lên 35%. Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 30/5 nói: “Phải đổi mới nguồn cung cấp điện, như phát triển năng lượng tái sinh, nâng cao hiệu quả sử dụng điện và cải tạo hoàn thiện một cách triệt để mạng lưới điện”. Sau quyết định này, những tiếng nói phản đối của dư luận nổi lên, đòi xem xét lại, nếu không vai trò nước lớn kinh tế của Đức sẽ suy giảm nghiêm trọng. Sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Đức sẽ bị lép vế. Nhưng Bộ trưởng môi trường Đức Garrett Root nói: “Thời gian biểu cho việc đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân là không thể thay đổi”.
Tờ “Tấm gương” của Đức cho rằng đóng cửa các lò phản ứng điện hạt nhân là khẩu hiệu đấu tranh của Đảng Xanh thuộc phe đối lập để giành phiếu bầu đối với Đảng “Liên minh dân chủ Thiên chúa giáo” của bà Merkel. Tháng 5/2011, phe đối lập Đảng Xanh đã thắng thế ở bang Baden Wurttemberg, đây là lần đầu tiên trong hơn 60 năm qua, Đảng của bà Merkel bị mất quyền lãnh đạo ở bang này. Theo tờ báo, việc quyết định đóng cửa lò phản ứng hạt nhân này còn ẩn chứa nhân tố chính trị để “Liên minh dân chủ Thiên chúa giáo” của bà Merkel giành thêm phiếu bầu thời gian tới.
Ngay sau khi quyết định trên đưa ra, ngày 31/5 giá cổ phiếu của Tập đoàn điện hạt nhân lớn nhất nước Đức là Rhein đã giảm 2%, trong khi giá cổ phiếu của doanh nghiệp điện mặt trời tăng 9,8%. Chủ tịch Tập đoàn ô tô Bens Mercedes Dieter Zetsche nói: “Quyết định trên của bà Merkel mang nặng cảm tính, thời gian tới địa vị kinh tế của Đức sẽ giảm sút nghiêm trọng. Đây là bài toán chưa tính tới”.
Theo các nhà khoa học, mọi việc đều có hai mặt, ngay nhà máy thủy điện được cho rằng thân thiện với môi trường cũng phá hoại môi trường sinh thái, nhất là khu vực ở trên và dưới nhà máy điện. Những khu rừng ngập nước trong hồ chứa nước phía trên nhà máy trong khi phía dưới bị hạn hán, đây chính là sự tàn phá môi trường. Kể từ khi điện hạt nhân ra đời cách đây hơn 30 năm đã có nhiều sự cố xảy ra, như nhà máy điện hạt nhân “Three Mile Island” của Mỹ từng bị rò rỉ phóng xạ năm 1979, nhà máy điện hạt nhân Chernobyl của Nga nay là Ucraina năm 1988, nhà máy điện hạt nhân ở Mexico năm 2010... Một số chuyên gia của Cơ quan năng lượng hạt nhân quốc tế (IAEA) cho rằng: “Chúng ta không vì nghẹn mà không ăn cơm”, vì sau đó công nghệ cao sẽ cho ra đời các thiết bị an toàn hơn, đảm bảo hơn và có thể khắc phục những sự cố như nhà máy điện Fukushima của Nhật Bản.
Hiện nay, nhiều nhà máy điện hạt nhân ở Châu Á và Châu Âu đã thực hiện số hóa kiểm soát vận hành thay thế cho thao tác thủ công. Theo Hãng AP – Mỹ ngày 29/5, nhà máy điện hạt nhân ở bang South Carolina sẽ được số hóa trong thời gian tới, tiếp đó 104 nhà máy điện của Mỹ đều thực hiện số hóa.
Ngày 7/2/2011, Bộ thương mại Mỹ đã quyết định thành lập “Ủy ban tư vấn giao dịch hạt nhân dân dụng” nhằm hoạch định chính sách khuyến khích xuất khẩu kỹ thuật hạt nhân dân dụng để tranh giành thị trường có tiềm năng tới 500 tỉ USD trên thế giới hiện nay. Vừa qua, Nga và Mỹ cũng ký hợp đồng trị giá 4,9 tỉ USD mua bán thiết bị điện hạt nhân và công nghệ xử lý làm giàu uranium.
Bài toán điện hạt nhân của các nước với lời giải khác nhau, có nước đóng cửa, có nước phát triển, nhưng nhìn chung với công nghệ tiên tiến hiện nay, điện hạt nhân vẫn là lựa chọn của nhiều nước trong thời gian tới.
Theo Tầm nhìn