Tại Việt Nam, rùa hộp ba vạch phân bố ở một số tỉnh như Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, núi Tam Đảo, núi Yên Tử, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Kontum, Gia Lai.
Chúng vốn có nhiều ở dãy núi Trường Sơn, kéo dài vào tận Tây Nguyên.
Chúng sinh sống ở những cánh rừng ẩm ướt, rậm rạp, có độ cao trên dưới 1.000m so với mặt nước biển. Ban ngày chúng ẩn dưới những đống lá cây mục nát ven suối hay ẩn ở các khe rãnh, tối mới ra kiếm mồi.
Loài này có lưng màu nâu có 3 vạch màu xám đen chạy dọc theo 3 gờ trên mai vì vậy là nó có tên là rùa hộp ba vạch.
Giới săn trộm, buôn lậu thì chỉ đơn giản gọi chúng là rùa vàng hoặc rùa đỏ, do màu sắc đặc trưng của loài rùa này.
Rùa vàng được đồn thổi là "thần dược" chữa được các bệnh ung thư, bệnh tim và tăng cường sinh lực.
Loài này vốn khá phổ biến ở nước ta song từ cuối thập kỷ 1980, rùa hộp ba vạch được người Trung Quốc lùng mua ráo riết để làm chế phẩm y dược nên nó đã gần như tuyệt chủng trong tự nhiên.
Càng trở nên khan hiếm, giá của chúng càng bị đẩy lên cao, hiện tại vào khoảng 300 triệu đồng/kg dành cho rùa bắt được trong rừng. Giá của rùa nuôi nhân tạo "rẻ" hơn, chỉ khoảng 60 triệu đồng/kg.
Rùa vàng nằm trong nhóm 1B, tương đương với các loài như voi, hổ, tê giác. Người săn bắt, sở hữu, buôn bán trái phép loài rùa này có thể bị truy tố hình sự.
Dưới đây là một số hình ảnh về loài rùa có giá đắt như vàng gần như không còn tồn tại trong tự nhiên:
Tổng hợp