Diễn biến mới nhất quanh 'tượng lạ' ở chùa Bà Đá

Sau buổi lễ cầu an chiều nay ngày 13/2, pho tượng 'lạ' sẽ được chuyển ra khỏi chùa Bà Đá.

Trao đổi với VietNamNet trưa 13/2, ông Trương Minh Tiến, PGĐ Sở VHTT&DL Hà Nội cho hay trong ngày 13 hoặc 14/2 sẽ có báo cáo cụ thể về sự việc liên quan đến pho tượng Phật Dược sư tại chùa Bà Đá. Ông Tiến cho biết đồng chí Bí thư quận ủy đã có chỉ đạo Ủy ban nhân dân quận xử lý và báo cáo về Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội qua Sở Văn hóa.

Ông Tiến cũng vừa nhận được báo cáo về việc sau buổi lễ cầu an chiều 14 tháng giêng âm lịch (tức chiều 13/2), bức tượng sẽ được chuyển khỏi chùa Bà Đá. "Qua đây cho thấy đây là việc làm chưa tuân thủ theo đúng luật. Tuy nhiên nhà chùa đã rút kinh nghiệm và sẽ chuyển bức tượng đi trước ngày 15 tháng giêng".

Liên quan đến phát ngôn của đại đức Thích Chiêu Tuệ, trả lời báo chí rằng đưa tượng vào chùa lễ cầu an thì không phải xin phép, ông Trương Minh Tiến nói: "Phát biểu trên do nhận thức của nhà chùa chưa hiểu hết Luật Di sản. Bởi ngoài luật ra còn có nghị định 92, điều 4 quy định rất rõ (xem box dưới). Dù là tạm hay cố định đều phải báo cáo, xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền. Mọi hoạt động đều phải làm theo pháp luật". 

Nghị định số 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo

Điều 4. Lễ hội tín ngưỡng và việc tổ chức lễ hội

1. Lễ hội tín ngưỡng là hình thức hoạt động tín ngưỡng có tổ chức, thể hiện sự tôn thờ, tưởng niệm và tôn vinh những người có công với nước, với cộng đồng, thờ cúng tổ tiên, biểu tượng có tính truyền thống và các hoạt động tín ngưỡng dân gian khác tiêu biểu cho những giá trị tốt đẹp về lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội.

2. Những lễ hội tín ngưỡng sau đây khi tổ chức phải được sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi diễn ra lễ hội:

a) Lễ hội tín ngưỡng được tổ chức lần đầu;

b) Lễ hội tín ngưỡng được khôi phục lại sau thời gian gián đoạn;

c) Lễ hội tín ngưỡng được tổ chức định kỳ nhưng có thay đổi về nội dung, thời gian, địa điểm so với trước.

3. Đối với những lễ hội quy định tại Khoản 2 Điều này, người đại diện có trách nhiệm gửi hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Hồ sơ gồm:

a) Văn bản đề nghị về việc tổ chức lễ hội, trong đó nêu rõ tên lễ hội, nguồn gốc lịch sử của lễ hội, phạm vi, thời gian, địa điểm, chương trình, nội dung lễ hội. Đối với lễ hội tín ngưỡng được quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều này, nội dung văn bản đề nghị không nêu lại nguồn gốc lịch sử của lễ hội;

b) Danh sách Ban Tổ chức lễ hội.

4. Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

5. Đối với những lễ hội tín ngưỡng không thuộc quy định tại Khoản 2 Điều này, trước khi tổ chức 15 ngày làm việc, người tổ chức có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp xã về thời gian, địa điểm, nội dung, hình thức tổ chức lễ hội và danh sách Ban Tổ chức lễ hội. Trường hợp do thiên tai, dịch bệnh hoặc an ninh, trật tự, việc tổ chức lễ hội có thể tác động xấu đến đời sống xã hội ở địa phương, Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định việc tổ chức lễ hội.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại