Nếu trong lĩnh vực quân sự có danh Tướng Thoại Ngọc Hầu, thì ở lĩnh vực chính trị có ông Nguyễn Bá Thanh được dân tin yêu.
Ngoài ra, trong lĩnh vực văn thơ nhạc họa cũng có không ít tên tuổi nổi tiếng khác như nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhà thơ Lưu Quang Vũ, hay ca sĩ Mỹ Tâm…
Trên lĩnh vực quân sự có thể kể đến vị danh tướng nổi tiếng Thoại Ngọc Hầu sống ở thời Nguyễn. Vị danh tướng có tên thật là Nguyễn Văn Thoại, sinh ngày 26 tháng 11 năm Tân Tỵ (1761) niên hiệu Cảnh Hưng thứ 22, tại xóm An Trung, làng An Hải, thuộc huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam thời Nguyễn; nay thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Với công dẹp giặc, mở mang bờ cõi, ông không chỉ được người dân Đà Nẵng lập đền thờ, mà nhiều tỉnh thành khác cũng dựng tượng đài tưởng nhớ công ơn của ông.
Trên lĩnh vực chính trị, người dân nhắc đến tên ông Nguyễn Bá Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Việt Nam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng - cơ quan trực thuộc Bộ Chính trị.
Trong nhiệm kỳ làm Bí thư thành ủy Đà Nẵng (2003-2013), với những quyết sách có phần "cứng rắn", "nói là làm" và luôn hành động vì lợi ích của nhân dân, nên ông được người Đà Nẵng tin yêu và người dân trên cả nước ngưỡng mộ.
Dưới sự lãnh đạo của ông, Đà Nẵng được xếp loại thành phố thông thoáng và thuận lợi cho kinh doanh hàng đầu của Việt Nam. Các dịch vụ công ích, chăm sóc người già, bệnh nhân ung thư, người nghèo cũng được ông để tâm phát triển.
Hai ngày qua, nghe tin ông mất, người dân Đà Nẵng tiếc thương, đến trước nhà riêng của ông đặt hoa, gửi lời cảm ơn tới người con Đà Nẵng được triệu người ngưỡng mộ.
Còn trên lĩnh vực văn hóa, nhạc họa, mảnh đất Đà Nẵng cũng sản sinh ra những người ca sĩ, nhạc sĩ tài năng. Trong đó có Phan Huỳnh Điểu - nhạc sĩ tiêu biểu của nền âm nhạc đương đại Việt Nam với những đóng góp to lớn cho sự phát triển của âm nhạc Việt Nam trong thế kỷ XX. Ông được mệnh danh là "Con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam".
Ông là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng đi cùng năm tháng: Trầu cau, Đoàn giải phóng quân, Nhớ ơn Hồ Chủ Tịch, Cuộc đời vẫn đẹp sao, Hành khúc ngày và đêm, Những ánh sao đêm, Bóng cây Kơnia, Anh ở đầu sông em cuối sông, Sợi nhớ sợi thương, Ở hai đầu nỗi nhớ, Đêm nay anh ở đâu, Thuyền và biển...
Nhà thơ, nhà văn, nhà soạn kịch nổi tiếng - Lưu Quang Vũ cũng là người con của Đà Nẵng. Ông sinh tại xã Thiệu Cơ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ nhưng quê gốc lại ở phường Hải Châu, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.
Ra đi khi tuổi đời còn khá trẻ, 40 tuổi, ông đã để lại gần 50 vở kịch và hầu hết các vở kịch của ông đều được các đoàn kịch, chèo gây dựng thành công dưới sự chỉ đạo của nhiều đạo diễn nổi tiếng. Rất nhiều các tác phẩm của ông đã làm sôi động sân khấu Việt nam thời kỳ đó như: Hồn Trương Ba da hàng thịt, Lời thề thứ 9, Bệnh sĩ, Khoảnh khắc và vô tận. Lưu Quang Vũ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 (năm 2000) về nghệ thuật sân khấu.
Nữ ca sĩ Mỹ Tâm cũng là một trong những người con sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, được triệu người ngưỡng mộ.
Hiện cô là một nữ ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên, đạo diễn âm nhạc nổi tiếng ở Việt Nam. Cô được biết đến bởi các hoạt động âm nhạc nghiêm túc, sáng tạo và những cống hiến không ngừng cho dòng nhạc trẻ thịnh hành từ khi chính thức khởi nghiệp vào thập niên 2000.
Được mệnh danh là "Nữ hoàng V-pop", cô là một trong những cái tên gây được ảnh hưởng mạnh mẽ tại ngành công nghiệp âm nhạc Việt và là nguồn cảm hứng cho nhiều lớp nghệ sĩ trẻ tiếp sau. Cô còn sở hữu bộ sưu tập giải thưởng âm nhạc lớn trong nước và quốc tế, là một trong những ca sĩ sở hữu lượng fan lớn nhất hiện nay. Mới đây, Mỹ Tâm còn được vinh danh là Huyền thoại âm nhạc Châu Á.
Anh là vận động viên bơi lội Việt Nam. Trong hai lần tham dự SEA Games 2011 và 2013, tay bơi trẻ sinh năm 1993 này từng giành HC vàng 100 mét bướm (2011) và 100 mét tự do (2011, 2013)...