Nếu như những năm trước, ngành ngân hàng, kế toán, hành chính – văn phòng là 3 ngành hot nhất thì hiện giờ, nó không còn là niềm mơ ước của nhiều người, 3 nghề này tạm tụt lùi để nhường chỗ cho nhiều nhóm ngành khác hấp dẫn hơn.
Cán bộ Trung tâm Giới thiệu việc làm số 2 Hà Nội giải thích: Thời điểm này, lượng sinh viên ra trường từ 3 ngành này quá lớn, cung thừa so với cầu nên tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng theo.
Đơn cử như: Kế toán – kiểm toán trong quý 3/2015 đã có lượng cung lớn gấp 11,8 lần so với nhu cầu, ngành hành chính - văn phòng có lượng cung lớn gấp 12,6 lần nhu cầu.
Các nghề dễ kiếm việc nhất năm 2016 được Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội (Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội) dự đoán dựa trên những nhu cầu tuyển dụng trong năm 2015 vừa qua như sau:
1. Ngành kinh doanh bán hàng và bất động sản
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2015, hoạt động kinh doanh bất động sản có cải thiện hơn, đạt mức tăng 2,72%, cao hơn mức tăng 2,51% của cùng kỳ năm trước với những tín hiệu khả quan.
Bước sang năm 2016, thị trường bất động sản ấm lên, tỷ lệ giao dịch bất động sản thành công tăng, lãi suất ngân hàng tiếp tục giảm, các điều kiện cho vay mua nhà được nới lỏng.
Do đó, kinh doanh bất động sản là ngành hot trong năm nay.
Theo ghi nhận của Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội: Các doanh nghiệp ở lĩnh vực này chủ yếu tuyển dụng các vị trí cần ít năm kinh nghiệm, tập trung chủ yếu vào 2 nhóm đối tượng là chưa có kinh nghiệm và có 1 kinh nghiệm.
Trong khi đó, người lao động thì lại tập trung chủ yếu ở nhóm có trên 2 năm kinh nghiệm. Cơ cấu cung – cầu có sự chênh lệch.
Điều này khiến cho nhiều lao động sau khi không tìm được công việc ở những vị trí yêu cầu kinh nghiệm cao (do có quá ít vị trí tuyển dụng) đã phải làm công việc trái ngành, trái nghề.
Thu nhập bình quân của nhân viên kinh doanh bán hàng và bất động sản rơi vào khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Nhưng đối với những người có khả năng ngoại giao tốt, am hiểu về đất cát, khi mời chào được các dự án hay bán được nhiều căn hộ, thu nhập của họ có thể lên tới 200 triệu đồng/tháng.
Bởi vì các công ty bất động sản thường trích phần trăm hoa hồng cho nhân viên bán hàng khi đem lại doanh thu lớn cho doanh nghiệp.
2. Ngành kinh doanh, marketing
Theo Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội, đây là nghề dễ xin việc, chiếm tỷ lệ cao trong số các ngành nghề được tuyển chọn nhiều so với chỉ tiêu tuyển dụng của các ngành, nghề khác.
Do xu thế toàn cầu hóa, hầu như các công ty từ sản xuất đến dịch vụ đều cần đội ngũ nhân viên tiếp thị để giúp doanh nghiệp tiếp cận nhanh với thị trường.
Thêm vào đó, Việt Nam đang phát triển mạnh các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khi đó, các doanh nghiệp này đều buôn bán, kinh doanh nên doanh nghiệp nào cũng tuyển nhân viên marketing.
Tuy nhiên, mức lương theo Trung tâm ghi nhận chỉ ở mức vừa phải chứ không vượt trội lên tới mấy chục triệu đồng/tháng trở lên.
Theo đó, lương cứng khoảng 5 triệu đồng/tháng, ngoài ra còn được thưởng % doanh thu, % hoa hồng của các dự án đem về.
Nghề này cũng yêu cầu, đòi hỏi cao: Nhân viên phải có phương tiện đi lại, ngoại hình, giao tiếp tốt, có sức khỏe thì mới chịu được “nhiệt” áp lực công việc.
3. Ngành dịch vụ thương mại, nhà hàng, khách sạn, du lịch
Nghề này được ưa chuộng vì Việt Nam đang chuyển đổi cơ cấu mô hình từ dịch vụ công - nông nghiệp chuyển sang dịch vụ thương mại.
Theo thống kê của Tổng cục du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 01/2016 ước đạt 805.072 lượt, tăng 5,8% so với tháng 12/2015 và tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2015.
Hiện nay, cả nước có 1.573 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, trong khi năm 2007 mới chỉ có 670 doanh nghiệp, năm 2010 có 909 doanh nghiệp. Đặc biệt, lĩnh vực lưu trú du lịch có sự tăng trưởng bứt phá, nhất là cơ sở lưu trú hạng cao cấp.
Sự ra đời của nhiều cơ sở lưu trú 4-5 sao đạt tiêu chuẩn quốc tế của một số nhà đầu tư chiến lược như Vingroup, Sungroup, FLC, Mường Thanh... đã góp phần nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Ngành dịch vụ thương mại, nhà hàng, khách sạn, du lịch phát triển kéo theo nhu cầu tuyển dụng tăng cao.
Đặc biệt là nhân viên nấu bếp, cứ học ra tới đâu là tuyển hết tới đó, nhân viên pha chế bàn bar cũng luôn thiếu người.
Những người có tay nghề, có kinh nghiệm, say mê với nghề và biết phấn đấu luôn tìm được việc làm ngay dù có thể không cần học tới bằng Đại học.
Đây là những nghề rất hợp xu thế của thời hiện đại. Mức lương cũng khá cao, thấp nhất khoảng 6 triệu đồng/tháng trở lên, còn đầu bếp có thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng.
Đặc biệt các hướng dẫn viên du lịch ngoài tiền lương ra còn có tiền bồi dưỡng, cơ hội đi thăm quan, tiền hoa hồng của khách.
4. Ngành công nghệ thông tin, điện tử viễn thông
Theo kết quả nghiên cứu thị trường lao động tại thành phố Hà Nội tháng 11 năm 2015 của Trung tâm Giới thiệu việc làm số 2 Hà Nội: Nhóm công nghệ thông tin, về bằng cấp, cung và cầu của nhóm ngành này có tỉ lệ tương đối đều nhau.
Nhu cầu tuyển dụng chủ yếu tập trung vào những vị trí yêu cầu bằng Cao đẳng, Đại học và trên đại học, đạt tỉ lệ 97,71% người tìm việc.
Trong đó, những công việc thích hợp như IT/phần cứng, IT/phần mềm, lập trình viên(C+,Java,PHP…), lập trình di động ứng dụng…; trong khi đó về phía cầu có 64,08% vị trí việc làm yêu cầu bằng cấp từ Cao đẳng trở lên.
Những nghề này yêu cầu các kỹ sư có kiến thức, kỹ năng và đề cao những người giỏi thật sự. Đây cũng là nghề hot trong năm 2015 và cả năm 2016.
Bởi sự phát triển vũ bão của internet khiến lập trình viên trở thành nghề “hot” được các công ty săn đón, trả lương hậu hĩnh và còn có cơ hội được đi tu nghiệp ở nước ngoài.
Các công ty sẵn sàng trả lương từ 1.000 USD hay khoảng 20.000.000 đồng trở lên cho các nhân sự có trình độ giỏi và thông thạo tiếng Anh
Đặc biệt là khi công nghệ, điện tử, viễn thông có xu hướng ngày càng bùng nổ, những kỹ sư công nghệ không thể thiếu vì các doanh nghiệp đều cần một người biết về chuyên môn để chạy một phần mềm hay sửa chữa máy móc…
5. Ngành xây dựng
Theo nhận xét của Tổng cục Thống kê: Ngành xây dựng hiện nay đang có nhiều yếu tố thuận lợi.
Chính sách lãi suất ngân hàng điều chỉnh giảm đã giúp cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp cận được vốn vay, giá vật liệu xây dựng tiếp tục ổn định cùng với sự ấm lên của thị trường bất động sản tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án, công trình.
Nhiều dự án phát triển nhà ở được hoàn thành và bàn giao trong năm cùng với hoạt động xây dựng nhà ở trong dân tăng khá cao đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất của ngành.
Chính vì vậy, kỹ sư xây dựng, nhân viên giám sát công trình được ưu tiên tuyển dụng nhiều bởi lẽ đây là ngành đặc thù, không phải ai cũng làm được mà phải có kiến thức, có trình độ cao.
Mức lương khi mới ra trường của một kỹ sư xây dựng thấp nhất từ 5 triệu đồng/tháng trở lên, khi có kinh nghiệm giám sát, họ có thể nâng mức thu nhập của mình lên trên 10 triệu đồng/tháng.
6. Ngành điện, điện lạnh
Trong những năm qua, ngành cơ điện lạnh nước ta đã phát triển rất mạnh mẽ. Quá trình chuyển đổi công nghệ để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và thay đổi môi chất lạnh mới đã tạo nên một cuộc cách mạng thực sự cho ngành cơ điện lạnh Việt Nam.
Cùng với việc phát triển thị trường cơ điện lạnh, đội ngũ kỹ sư, chuyên viên, công nhân ngày càng nhiều về số lượng, mạnh về chất lượng.
Các nhà sản xuất, lắp đặt thiết bị lạnh trong nước từ chỗ chủ yếu là lắp đặt và chế tạo các thiết bị đơn giản, đến nay nhiều đơn vị đã vươn lên làm chủ hoàn toàn công nghệ chế tạo và lắp đặt hầu hết các hệ thống lạnh trong đời sống và kinh tế của cả nước.
Tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội, nhiều sinh viên ra trường đang đặt hồ sơ dự tuyển ngành điện, điện lạnh (Ảnh: Phương Nhi)
Theo cán bộ của Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội, vào mùa hè, ngành điện, điện lạnh luôn có nhu cầu tuyển nhiều nhất vì điều hòa, tủ lạnh hỏng hóc nhiều, cần nhân viên sửa chữa, bảo dưỡng.
Vào mùa đông, nhu cầu tuyển dụng cũng không giảm vì đèn sưởi, đèn tắm cũng cần nâng cấp, đại tu.
Thêm vào đó, kinh tế khá giả, nhà nào cũng sắm điều hòa, tủ lạnh nên nhu cầu sửa chữa cũng tăng cao. Do đó, nhân viên ngành điện, điện lạnh luôn thu hút đối với các nhà tuyển dụng.
Mức lương trung bình của ngành này khoảng 6 triệu đồng/tháng trở lên tùy thuộc vào mùa vụ, doanh số…
Ngoài 6 nghành, nghề trên, một số nghề khác cũng dễ tuyển lao động đó là: Thợ thủ công, thời trang, thiết kế mỹ thuật, nhóm bán hàng siêu thị, bán hàng mỹ phẩm, thời trang...
Những nghề này dễ tuyển do nguồn cung nhiều, kể cả nhóm lao động trẻ tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng thậm chí tốt nghiệp đại học sẵn sàng tham gia nhóm này dù trái với ngành nghề được đào tạo.