Dịch vụ đẻ thuê: Rủi ro không mong muốn

camnhung |

Mặc dù, việc đẻ thuê được các bên cam kết chặt chẽ, nhưng có không ít trường hợp rủi ro xảy ra.

Mặc cảm tội lỗi

P.T.T, 26 tuổi, quê ở Thanh Hoá chấp nhận đẻ thuê cho một gia đình giàu có ở quận Tây Hồ, Hà Nội. Để có bầu, T phải chấp nhận “quan hệ” với ông chủ theo lịch định sẵn. Mỗi lần “quan hệ” đều có sự giám sát của bà chủ. Khi T có bầu, mỗi tháng vợ của “đối tác” đến thăm và cung cấp tiền ăn, tiền nhà, thỉnh thoảng đưa T đi khám thai. Bẵng đi 4 tháng không thấy họ đến, T gọi điện thoại thì người vợ trả lời: “Vợ chồng tôi đã ly dị. Cô tự đi mà lo liệu. Nếu cần hãy gọi điện thoại cho ông ấy”. T vội vàng gọi cho “đối tác” nhưng ông này luôn trong tình trạng “ngoài vùng phủ sóng”. “Tiền đã gửi hết về quê cho bố mẹ trả nợ, không biết lấy gì để sống khi bụng mỗi ngày một lớn nên cực chẳng đã, em đã tìm người bán đứa con trong bụng”, T sụt sùi kể…

Tương lai của những đứa trẻ bị bỏ rơi này sẽ đi về đâu

(Ảnh chụp tại chùa Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội)

Chẳng có người phụ nữ nào có thể đứng vững trước cảnh phải chia lìa đứa con dứt ruột đẻ ra. Và cũng chẳng có ai muốn chấp nhận phải coi những đứa con mình sinh ra như những người xa lạ. Nhưng khi mọi chuyện đã diễn ra như những gì được sắp đặt thì những người phụ nữ đẻ thuê lại luôn sống trong sự dằn vặt. “Cầm trên tay những đồng tiền từ hợp đồng đẻ thuê, đôi lúc em cảm thấy mình thật tàn nhẫn dù đã thực hiện đúng theo hợp đồng… Đã rất nhiều lần em muốn trả lại tiền để giành lấy những đứa con mình đã sinh ra…”, N.T.V - một phụ nữ mang thân phận đẻ thuê đã tìm đến Trung tâm Tư vấn, đào tạo và phát triển cộng đồng nằm trên đường Giải Phóng để mong tìm kiếm sự giúp đỡ, giúp cô giải thoát khỏi mặc cảm tội lỗi.

Mặc dù những người mẹ “đẻ thuê” có nhiều điều đáng trách, nhưng suy cho cùng, vì cuộc sống quá khó khăn, mà họ phải làm “mẹ” một cách bất đắc dĩ, như một cách giải quyết miễn cưỡng cho cuộc đời cơ cực. Họ làm việc này đều xuất phát từ suy nghĩ đơn giản khi mọi chuyện tưởng chừng đã kết thúc, tiền đã nhận đủ, mỗi người một nơi chẳng ai quen biết ai thì sẽ chẳng có rắc rối. Tuy vậy, sau khi trao con cho những người xa lại, không ít người phụ nữ đã phải sống trong cảnh nhục nhã và ân hận, họ tự cho mình là kẻ bại hoại và phi lương tâm…

Tranh chấp pháp lý phức tạp

Theo luật sư Võ Đình Hải, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, mang thai hộ là việc một người phụ nữ mang một phôi thai từ trứng đã được thụ tinh của người phụ nữ khác (thường là của các cặp vợ chồng không thể sinh con vì nhiều lý do khác nhau) cho tới khi sinh ra đứa trẻ. Vì thế, người mẹ mang thai hộ và sinh ra đứa trẻ mà về mặt sinh học thì không phải là mẹ của đứa trẻ ấy.

Theo luật, dù đứa trẻ không có huyết thống với người mang thai, nhưng khi chào đời, quan hệ dân sự giữa trẻ và người sinh ra trẻ (người đẻ thuê) vẫn là quan hệ mẹ ruột - con ruột. Theo quy định của pháp luật Việt Nam hành vi mang thai hộ (hay còn gọi là đẻ thuê) là hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, đối với những trường hợp đẻ thuê mà đứa con được sinh ra do sự kết hợp giữa trứng của người đẻ thuê và tinh trùng của người thuê đẻ cũng không được pháp luật thừa nhận.

Tại điều 6, Nghị định 12/2003 của Chính phủ ban hành đề cập đến quyền sinh con theo phương pháp khoa học và hành vi mang thai hộ như sau:

“Nhà nước nghiêm cấm các hành vi mang thai hộ và sinh sản vô tính. Trẻ ra đời do thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản phải được sinh ra từ người mẹ trong cặp vợ chồng vô sinh hoặc người phụ nữ sống độc thân và họ là cha, mẹ đối với trẻ sinh ra do thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Bên cạnh đó, Nghị định số 45/2005 quy định về chế tài xử phạt vi phạm, cụ thể phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi “mang thai hộ”.

Tuy nhiên, mức xử phạt cao nhất cũng chỉ là xử phạt vi phạm hành chính khi có vi phạm xảy ra mà không có quy định về tước đoạt quyền làm mẹ đối với đứa trẻ không phải sinh ra từ huyết thống của người mang thai hộ. Do đó, nếu sự liên lạc của các trẻ với cha mẹ huyết thống của chúng không tồn tại thì có thể xảy ra tình huống hôn nhân cùng huyết thống giữa anh em hoặc với chính cha mẹ của chúng. Ngoài ra, có thể xem xét đến việc tranh chấp thừa kế ở những người có cùng dòng máu, cùng hàng thừa kế mà Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới chấp nhận khi chứng minh được về ADN.

Cũng theo luật sư Võ Đình Hải, bệnh viện Từ Dũ TP.HCM - đơn vị y tế đầu tiên ứng dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản, thì từ năm 1997 đến nay, êkíp bác sĩ và chuyên viên làm việc tại khoa Hiếm muộn của bệnh viện đã giúp hơn 4.000 em bé chào đời từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Trong số này, số trẻ ra đời “hợp pháp” nhờ phương pháp mang thai hộ chỉ tính trên đầu ngón tay. Tất cả các trường hợp này đều phải vất vả ra Hà Nội làm giấy tờ, thủ tục xin Bộ Y tế xét duyệt, tốn khá nhiều công sức. Giải pháp mang thai hộ chỉ được áp dụng với trường hợp người vợ bị bệnh không thể nuôi thai.

Hiện nay, trong xã hội đã có không ít trường hợp những đứa con bị bỏ rơi, thậm chí khi chúng mới vừa lọt lòng. Rất nhiều những trường hợp trẻ em mồ côi, cơ nhỡ, không nơi nương tựa do bị cha mẹ ruồng bỏ trong thời gian qua. Trong số đó, nhiều em vì không có người chăm sóc, dạy dỗ đã trở thành tội phạm và đôi khi chúng lại trở thành gánh nặng cho xã hội mà nguyên nhân có thể từ chính những bi kịch của những người phụ nữ đẻ thuê…

Theo Ngọc Bảo - Huệ Linh

ANTD

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại