Dịch chó dại bùng phát vì… "quan" xã?

Hoàng Sơn |

(Soha.vn) - Trong quá trình tìm hiểu về dịch chó dại bùng phát ở xã Thành Công (Phổ Yên, Thái Nguyên) vào đầu tháng 7/2013 vừa qua, chúng tôi phát hiện có nhiều dấu hiệu sai phạm.

Dịch chó dại vẫn hoành hành

Hàng chục vụ người dân bị chó cắn, hàng trăm con chó bị giết chết vì nghi mang mầm bệnh dịch dại, hàng chục hộ dân không còn chó để nuôi, có xóm vắng hoe không còn tiếng chó sủa. Người dân nơm nớp lo lắng mỗi khi chó nhà mình nuôi lỡ may có tuột xích chạy ra đường, bởi rất có thể nó lại trở thành “nạn nhân bất đắc dĩ” của các “Tổ công tác đánh đuổi chó lạ, nghi dại trên địa bàn” do xã lập ra mà người dân vẫn quen gọi là “đội quân diệt chó”…

Những chuyện này đang diễn ra trên địa bàn xã Thành Công (huyện Phổ Yên, Thái Nguyên) kể từ đầu tháng 7/2013 đến nay.

Tổ công tác
Tổ công tác "săn và diệt chó" ở Thái Nguyên.

Xã Thành Công là địa phương bùng phát dịch chó dại, "chó lạ" của tỉnh Thái Nguyên. Cho đến nay, nạn dịch này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Nhiều người dân khi đi ngoài đường vẫn bị chó cắn. 

Dù chưa xác định được là con chó vừa cắn người có bị dại hay không, nhưng khi được hỏi sau khi bị chó cắn người dân có đi tiêm phòng dại hay không? Thì câu trả lời nhận được là: “Không, tiền đâu mà đi tiêm phòng”.

Xóm Ao Sen, xã Thành Công (Phổ Yên, Thái Nguyên) được cho là nơi khởi đầu cho dịch chó dại bùng phát.
Xóm Ao Sen, xã Thành Công (Phổ Yên, Thái Nguyên) được cho là nơi khởi đầu cho dịch chó dại bùng phát.

Câu trả lời trên của người dân là thật: 5 mũi tiêm phòng dịch chó dại (mỗi mũi theo giá thành hiện nay là trên 170.000 đồng) có giá ngót tới một triệu đồng, một triệu đồng – đó là số tiền vượt quá khả năng của người dân nơi đây, khi mà tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo, theo lời ông Phó Chủ tịch xã, có thôn bản chiếm tới 46%!

Theo ông Dương Văn Tuyên – Phó Chủ tịch UBND xã Thành Công, chỉ tính riêng trong tháng 7/2013, trên địa bàn xã đã có tới 39 người bị chó cắn. Mỗi xóm đã phải thành lập một “tổ xung kích” làm nhiệm vụ… săn chó và diệt chó, bất kể “chó lạ” hay chó nhà, ngày hay đêm.

Nhiều sai phạm trong tiêm vắc-xin phòng chó dại

Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Quang Lý – trưởng xóm Ao Sen (xã Thành Công) không giấu nổi bức xúc: “Vừa rồi đài báo đưa tin rầm rộ về những dịch chó dại, “chó lạ” ở xã Thành Công, rồi thì xã phải lập các tổ công tác đi diệt chó… nói chung cũng chỉ đúng một phần. Về dịch chó dại ở địa phương, theo tôi là có. Nhưng nguyên nhân sâu xa khiến dịch dại bùng phát ở chó đó là do công tác tiêm vắc-xin phòng dại đã không được triển khai làm đúng theo quy trình”.

Ông Lưu Quang Lý - trưởng xóm Ao Sen (xã Thành Công, Phổ Yên, Thái Nguyên) đang phân trần với chúng tôi. Trên tay là túi vắc-xin mà UBND xã Thành Công đã
Ông Lưu Quang Lý - trưởng xóm Ao Sen (xã Thành Công, Phổ Yên, Thái Nguyên) đang phân trần với chúng tôi. Trên tay là túi vắc-xin mà UBND xã Thành Công đã "khoán trắng" bắt ông phải thực hiện, trực tiếp đem đến từng hộ dân và tự bắt chó, tự tiêm...

Ông Lý cho biết: “Theo quy định, người trực tiếp tiêm phòng vắc-xin cho chó phải là cán bộ y tế phụ trách thôn bản, tuy nhiên ở xã Thành Công thì lại có cách làm rất “lạ”: Chủ tịch xã yêu cầu tất cả các trưởng xóm, trưởng thôn ra ngoài xã họp, sau đó phát thuốc cho từng người và “khoán trắng”: Các anh đem số vắc-xin này về và trực tiếp tiêm cho chó ở trong xóm các anh phụ trách. Nếu tiêm hết thì được hưởng tiền công sau khi đã hoàn trả lại tiền vắc-xin cho xã, nếu tiêm không hết thì bị trừ vào tiền phụ cấp mỗi tháng”.

Thuốc vắc-xin tiêm phòng dại cho chó thay vì được bảo quản nơi khô mát, có nhiệt độ thích hợp thì lại được... treo trong chuồng bò vì người dân không có tủ lạnh để bảo quản...
Thuốc vắc-xin tiêm phòng dại cho chó thay vì được bảo quản nơi khô mát, có nhiệt độ thích hợp thì lại được... treo trong chuồng bò vì người dân không có tủ lạnh để bảo quản...

Cũng theo ông Lý, từ năm 2009 đến nay, tính riêng tại xóm ông đang phụ trách, theo chỉ tiêu, mỗi năm xã Thành Công phát cho xóm ông 10 lọ vắc-xin tiêm phòng chó dại, nhãn đề là “Rabisin”. “Theo giải thích của xã, mỗi lọ vắc-xin này khi “khoán” cho trưởng xóm thì có giá là 20.000 đồng/lọ, mỗi lọ được tiêm cho 10 đầu chó. Xã quy định mỗi đầu chó (sau khi tiêm) thì lấy 10.000 đồng, trong đó công người tiêm được 2.000 đồng. Nhưng rồi thấy tiền tiêm vắc-xin cao nên dân ngại, không ai muốn tiêm, sau đó phải giảm xuống mức 5.000 đồng/đầu chó/lần tiêm".

Về lý do không hoàn thành chỉ tiêu tiêm phòng do xã giao, ông Lý giải thích: “Nói thực, chúng tôi là trưởng xóm, có biết gì về nghiệp vụ tiêm phòng đâu, đi tiêm phòng đúng ra là phải có công an, dân phòng đi theo hỗ trợ việc bắt chó, đằng này lại chỉ có một mình trưởng xóm làm từ A đến Z, nhỡ may chó cắn thì ai chịu trách nhiệm cho… Chính vì thế mà hầu như không trưởng xóm nào hoàn thành nhiệm vụ cả”, ông Lý nói.

Ai dám đảm bảo rằng những lọ vắc-xin đã hết hạn sử dụng và không được bảo quản đúng cách này có còn tác dụng hay không? Và chó sau khi tiêm loại vắc-xin này vào liệu có không chết hoặc vẫn tái phát dịch dại?

Ai dám đảm bảo rằng những lọ vắc-xin đã hết hạn sử dụng và không được bảo quản đúng cách này có còn tác dụng hay không? 

“Mỗi tháng tôi được phụ cấp tiền phụ trách là trưởng xóm không đầy một triệu đồng, nhưng năm nào cũng chỉ được “thực lĩnh” tiền của 9 – 10 tháng thôi, còn lại 2 – 3 tháng tiền phụ cấp kia đều bị xã trừ hết và tiền “khoán” vắc-xin tiêm phòng chó dại vì không hoàn thành nhiệm vụ. Rõ ràng là chúng tôi không có nghiệp vụ và việc tiêm phòng trực tiếp phải là cán bộ thú ý, chứ sao lại giao cho chúng tôi và phạt chúng tôi như thế được. ”, ông Lý phân trần.

Như để chứng minh cho điều mình nói, ông Lý ra ngoài chuồng bò để lấy những túi đựng các lọ vắc-xin, trong số hàng trăm lọ vắc-xin cả cũ lẫn mới lưu qua các năm nằm ngổn ngang, có nhiều lọ đã hết hạn sử dụng. “Xã bảo phải bảo quản vắc-xin ở nơi khô mát, tốt nhất là bỏ vào tủ lạnh, nhưng nhà tôi làm gì có tủ lạnh mà bảo quản”, ông Lý giải thích.

“Từ đầu năm 2013 đến nay, tôi chỉ tiêm vắc-xin được đúng 2 đầu chó trong xóm, trong đó có chó nhà tôi, còn lại không thể tiêm được. Mà ngay cả khi chó được tiêm vắc-xin thì cũng vẫn chết. Cách đây mấy ngày, con chó nhà tôi được tiêm vắc-xin nhưng vẫn chết vì bệnh dại. 

Nguyên nhân tôi nghĩ có lẽ do vắc-xin không được đảm bảo do công tác bảo quản kém, nhưng vấn đề này chúng tôi đề cập nhiều lần rồi, xã không hề có ý kiến hay biện pháp gì để khắc phục cả”, ông Lý cho biết thêm.

Chó nuôi theo kiểu thả rông là tập quán của người dân địa phương nơi đây, không phải là
Chó nuôi theo kiểu thả rông là tập quán của người dân địa phương nơi đây, không phải là "chó lạ" như một số báo đã đưa tin.

“Chó lạ” là… chó dân nuôi

Liên quan đến thông tin trên địa bàn xã Thành Công (Phổ Yên, Thái Nguyên) vào khoảng tháng 7/2013 vừa qua xuất hiện nhiều đàn “chó lạ”, cắn người và khi giết thịt thì bên trong chó có gắn chíp điện tử,…, đại diện UBND xã Thành Công và người dân địa phương khẳng định: Thông tin trên là không đúng sự thực. “Chó lạ” mà các bài báo đề cập đến thực chất là… chó dân nuôi.

Tập quán phổ biến của người dân địa phương là nuôi chó thả rông, không bao giờ buộc xích, thế nên việc chó chạy rông ngoài đường từng đàn hoặc chó chạy từ nhà nọ sang nhà kia, xóm này xóm khác là điều hiển nhiên và dễ hiểu.

Đại diện UBND xã Thành Công và người dân đều khẳng định: Dịch chó dại cắn người xuất hiện tại địa phương là có nhưng không hề có chuyện “chó lạ” gắn chip điện tử. Đây là thông tin không đúng, bịa đặt trắng trợn và làm ảnh hưởng không tốt đến tình hình an ninh trật tự địa phương, gây hoang mang cho nhân dân.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại