Đi tìm “cây tình yêu” của người Vân Kiều

Lê Minh Hà |

Hàng ngàn năm nay, câu chuyện huyền bí về “cây tình yêu” của người dân tộc Vân Kiều, Pa Ko giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ vẫn là một ẩn số.

Nhiều bài viết về “cây tình yêu”, nhiều lời đồn đoán về loại cây có thể “làm cho người khác yêu mình” vẫn được thêu dệt nên bằng những câu chuyện lung linh nhiều màu sắc, nhiều tình tiết lạ lùng đến khó tin.

Trong nhân gian cũng không thiếu người đã lặn lội đi tìm, vì hiếu kỳ, vì đam mê khám phá đến tận cùng và cả vì... thất tình!

Từ những câu chuyện kể

Hơn 10 năm, những bước chân đã mòn vẹt khi đạp gần hết những miền rừng của 2 huyện Hướng Hóa và ĐaKrông (tỉnh Quảng Trị), tôi đã nghe hàng trăm câu chuyện liên quan đến “cây tình yêu”.

Đa số là chuyện buồn, có nhiều câu chuyện “thăm thẳm buồn” khi người ta ngờ vực về một mối lương duyên bị “bỏ bùa” nên đôi lứa phải sống với nhau.

Cần xác minh lại một điều, nhiều trường hợp không như lời đồn đoán rằng “cây tình yêu” là một “tội đồ” khi bỏ bùa đối phương, bắt buộc người khác phải yêu thương mình.

Nói như ông Ăm Máy - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Pa Tầng (huyện Hướng Hóa) - thì “có chi đến điều tội tình đó, đã yêu nhau xa nhau thì phải nhớ, đã thương nhau không nhìn thấy được mặt nhau, không nghe được giọng nói của nhau lòng không nghe như có lửa đốt mới lạ.

Thời trước đâu có sóng điện thoại như bây giờ, thời trước đâu có Internet như bây giờ và đường sá đi lại cũng gặp rất nhiều khó khăn”.

Đa số chuyện đều có chung môtíp: Người dùng “cây tình yêu” bị coi như một “tội đồ” và người bị bỏ bùa thường là con trai hoặc con gái đẹp ở đồng bằng lên.

Khi bị “bỏ bùa”, họ chung sống với người dân tộc Vân Kiều, Pa Ko thành chồng vợ. Những câu chuyện này có thể cắt nghĩa rằng, cái chân giá trị (kể cả tri thức lẫn sắc đẹp) đều nghiêng về phía người miền xuôi.

Do đó, mới có sự tiếc nuối, có sự “mê hoặc, lú lẫn, huyễn hoặc” của cái gọi là “bùa”! Trên thực tế, việc đôi lứa yêu nhau là chuyện rất đỗi bình thường. Tình yêu không biên giới nói gì đến trong địa bàn một tỉnh, nói chi đến miền xuôi với miền ngược.

Ông Hồ A Dược - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã A Xing - nói rằng, “ở đâu cũng có người đẹp người xấu, ở đâu cũng có người tài giỏi...

Họ nhìn đôi lứa yêu nhau mà không nghĩ đó là tình yêu, cứ nghĩ đó là bùa ngải. Giờ người miền xuôi với người miền ngược lấy nhau là chuyện rất bình thường, có lẽ do trước đây quan niệm khác...”.

Những câu chuyện kể hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm cứ lan truyền trong 65.000 người đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Ko trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, rồi đến 601.000 người Quảng Trị và lan ra cả nước.

Đối với người Vân Kiều, phần lớn dựng xây gia đình, đôi lứa yêu nhau dựa trên tình cảm chân thành, không gượng ép. Nói như vậy cũng có nghĩa rằng, một bộ phận ít người đã dùng đến “cây tình yêu”.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, khi dùng lá “cây tình yêu”, trai tráng đi tìm kiếm bạn tự tin lên hẳn. Và cũng từ đó, họ nói năng hoạt bát hơn, chân thành hơn, dễ bày tỏ hơn...

Tận mắt chứng kiến cây tình yêu

Thôn A Máy thuộc xã A Xing, huyện Hướng Hóa, cách thành phố Đông Hà của tỉnh Quảng Trị hơn 100km về hướng tây.

Đây là xã có hơn 90% dân số là người dân tộc Pa Ko sinh sống. Anh Hồ Văn Thủ - chủ nhân của gia đình có “cây tình yêu” - là cán bộ văn hóa xã A Xing.

Anh đón chúng tôi ở đầu xã. Vì bận nhiều công việc nên đến 16h anh mới tiếp được chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ dưới tán cây xanh um của vùng sơn cước và mây trôi lãng đãng qua từng ngọn núi.

Ở đây hết sức thanh bình, chim hót quanh năm, rừng núi xanh thẫm và câu hát trên nương quyến rũ du khách.

Phong cảnh hữu tình ấy rất dễ “níu chân” người ở lại. Anh Hồ Văn Thủ chỉ cho chúng tôi thấy bụi cây rất giống với cây địa lan được trồng ở trong chậu nhỏ đặt trên bàn thờ kèm một số vật dụng thân quen của con người như bát, đĩa...

Anh Thủ cho biết, “cây ta - rờ - bông (tức cây tình yêu - PV) này có từ thời ông nội tôi, đến sau truyền lại cho bố tôi. Cây này làm cho người khác yêu mình. Tôi thường thấy người đàn ông dùng lá của loại cây này, phụ nữ thì chưa hề thấy”.

Theo anh Hồ Văn Thủ, nếu người nào muốn dùng lá thì phải cúng 1 con gà để “trả lễ cây” - tức nuôi cho cây ăn và duy trì “phép tình yêu” trong đó.

Người con trai muốn người con gái mà mình thích “mau yêu” mình thì chỉ cần lấy 1 chiếc lá cây gấp nhỏ lại cho vào chiếc ví hoặc túi quần rồi cứ thế mà đi tán gái, họ sẽ yêu ngay lập tức.

Khi sử dụng lá cây ta - rờ - bông cần phải sạch sẽ, cấm đưa lá cây vào những nơi mất vệ sinh, ô uế, sẽ mất đi tác dụng. Người sử dụng lá cây ta - rờ - bông sẽ được bạn tình yêu thương, chăm sóc suốt đời.

Vừa nghe anh Hồ Văn Thủ kể chuyện, tôi chăm chú nhìn những chiếc lá hình trái tim có gân lá chạy dọc rất đẹp. Anh Thủ có một người vợ cũng rất đẹp.

Đó là người con gái Pa Ko có nước da trắng hồng, nụ cười như hoa pơ lang với đôi mắt đen lấp lánh. Phải chăng Thủ cũng dùng lá ta - rờ - bông?

Câu hỏi này vừa cất lên, anh Thủ ôm lấy tôi mà cười “người đời sau yêu bằng con tim, nó nằm ở đây này”, anh Thủ vỗ vào ngực mình rồi nói thêm “gia đình tôi không ai dùng lá ta - rờ - bông cả.

Người xưa trồng thì người nay chăm sóc, để mất coi như có tội với tổ tiên thôi”.

Chuyện đó... xưa lắm rồi!

Khi lên mạng tìm hình ảnh về “cây tình yêu” để đối chứng, có không dưới 100 bài viết về “cây tình yêu” với những tên gọi khác nhau, nhưng tuyệt nhiên không có hình ảnh nào về loại cây này.

Anh Thủ cho biết thêm, “cây này ở miền núi rất hiếm, là cây gia truyền, ít khi người ta cho biết”.

Hiển nhiên, vì quý chúng tôi nên chủ nhân của “cây tình yêu” mới cho chúng tôi trực tiếp ngắm.

Đấy, nó đang nằm trước mặt chúng tôi, cây được đặt trang nghiêm trên một chiếc bàn thờ làm bằng gỗ, được thắp nhang để thờ phụng và nằm tách biệt với mặt đất phòng tạp chất gây ô uế và động vật phá hoại.

Chúng tôi vừa ngắm nghía cây vừa thắc mắc một điều rằng, “cây tình yêu” có tác dụng khiến người khác yêu mình hay không? Để giải mã một cách khoa học, đó là cả một quá trình dài.

Mà đôi lúc, những thứ thuộc về rừng chỉ có rừng mới biết. Nhân gian xưa nay nghe câu chuyện về “cây tình yêu” đã tin và sẽ tiếp tục tin. Có điều, đôi lúc, đôi nơi, niềm tin không mất tiền ấy là cả một hệ lụy.

Trên hành trình đi tìm kiếm loài cây này, chúng tôi đã được nghe câu chuyện của đôi vợ chồng ở xã A Bung (huyện ĐaKrông).

Đó là cô Kăn Nghệ và anh Kôn Nghệ (tức Hoàng Văn Phúc - PV). Phúc là người đồng bằng, đẹp trai, có học thức. Trong một chuyến tình nguyện hè, Phúc phải lòng cô gái miền núi xinh đẹp, hiền hậu và nết na.

“Chúng tôi yêu nhau và bị gia đình Phúc cấm đoán, tôi đã bị gia đình bên nội đánh hai lần”, Kăn Nghệ kể.

Vì cảm mến tấm lòng chân thành của Kăn Nghệ mà Phúc một mực trốn gia đình để đi theo. Câu chuyện từ trái tim đến với trái tim được cho là do “bùa mê thuốc lú”.

Phúc cười và nói với chúng tôi: “Tôi yêu vợ mình thật lòng mà không ai tin lại cứ đi tin vào bùa này, bùa nọ. Người đồng bằng tin vào chuyện bùa ngải đã đành, thế mà người miền núi cũng tin, đúng là lạ thiệt”.

Thanh niên Vân Kiều, Pa Ko bây giờ có dùng “cây tình yêu” để đi chinh phục bạn tình nữa không? Khi câu hỏi này được đặt ra, nhiều người cho rằng, “chuyện đó... xưa lắm rồi”.

Giờ ở vùng miền núi tỉnh Quảng Trị, Internet đã về làng, quán càphê nào cũng có sóng wifi.

Những đôi nam nữ trước khi tiến tới cuộc sống hôn nhân đã tìm hiểu nhau trên các trang yahoo, zalo, facebook..., trước khi mặt đối mặt, họ đã cảm tình với nhau.

Khi tiến tới hôn nhân, họ đã có một giai đoạn “cảm nắng”. Nhưng khi hỏi có tin vào quyền năng của “cây tình yêu” không, họ vẫn trả lời, “chúng tôi nghĩ là có, không có sao có người tin, lại đông người tin là đằng khác”.

Ông Hồ Văn Choàng - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị và là người dân tộc Vân Kiều - tâm sự với chúng tôi về “cây tình yêu”:

“Chuyện về cây tình yêu chỉ tồn tại như một huyền thoại, truyền thuyết. Bản thân tôi là người dân tộc Vân Kiều nhưng tôi chưa bao giờ tận mắt chứng kiến loại cây này, chỉ nghe kể qua những giai thoại mà thôi”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại