Đi làm từ thiện: Vở kịch cho những kẻ thích đeo mặt nạ

daquynh |

Nhiều tổ chức, cá nhân bỗng trở nên nổi tiếng nhờ những chuyến đi từ thiện sáo rỗng.

Đi làm từ thiện luôn là một nghĩa cử cao đẹp là cách mà người ta tri ân với đời sau khi đã có một cuộc sống yên lành, đủ đầy. Nhưng thời gian gần đây, không ít cá nhân tập thể đã lợi dụng việc đi làm từ thiện để đánh bóng bản thân, tạo cho mình một hình tượng hoàn hảo trong mắt công chúng. Nhưng dù có khéo che đậy đến đâu sự dối trá trong công tác từ thiện vẫn tự nó phơi bày ra với dư luận.

Đi làm từ thiện bằng hàng hết hạn

Nhiều doanh nghiệp thay vì xử lý số hàng tồn kho đã nhanh chân biến chúng thành quà từ thiện gửi tới bà con các vùng thiên tai hay bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đang điều trị tại các bệnh viện.

Vụ việc "nực cười" gần đây thuộc về đại lý Thăng Hoa khi tặng mỳ Gấu Đỏ hết hạn sử dụng cho những trẻ em bị mắc bệnh ung thư tại bệnh viện K cơ sở 2 Tam Hiệp (Hà Nội).

di-lam-tu-thien-vo-kich-cho-nhung-ke-thich-deo-mat-na
Khoảng 100 thùng mỳ Gấu Đỏ hết hạn hoặc sắp hết hạn được gửi tới bệnh viện K cơ sở 2.

Khi được báo chí hỏi đến, chủ đại lý giải thích họ hoàn toàn không có chủ ý làm từ thiện bằng số hàng hết hạn, đó chỉ là do sơ xuất của nhân viên bốc dỡ hàng, những người này đã nhầm lẫn số mỳ dùng làm từ thiện với những thùng mỳ hết hạn hoặc sắp hết hạn chuẩn bị được Công ty thu hồi lại.

Hay như vào năm 2010, hơn 650 hộ nghèo chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số 3 ở xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) chưa kịp vui vì nhận được quà hỗ trợ từ một công ty phân phối sữa tại TP.HCM thì ngay lập tức đã tỏ ra vô cùng bức xúc khi túi quà từ thiện đều là hàng hết hạn.

Nhiều doanh nghiệp khi tổ chức làm từ thiện gióng chống khua chiêng rất lớn nhưng khi số hàng hết hạn bị phát hiện, ai cũng một mực khẳng định sai sót nghiêm trọng ấy có căn nguyên từ những nhầm lẫn nho nhỏ.

Mang cái đầu rỗng đi làm công tác xã hội

Bất cứ ai làm việc gì cũng đều có mục đích, với những người sống với cái tâm sáng thì đi làm việc đến với những người có hoàn cảnh bất hạnh giúp họ thanh thản nhẹ lòng hơn. Nhưng với những kẻ trục lợi đi làm từ thiện cũng là cách để đánh bóng bản thân, để đưa những con người ấy đến gần hơn với công chúng.

Nhưng những lớp vỏ bọc do họ tạo ra đôi khi lại không đủ dày để che lấp đi cái bản chất kệch cỡm, xấu xí trong sâu thẳm tâm can. Chỉ vài ngày trước, tấm ảnh chụp lại buổi đi từ thiện của những người đẹp từ cuộc thi Miss Ngôi Sao 2012 tại Long An đã khiến nhiều người vô cùng bức xúc. Trong khi các cụ già lom khom ngồi ghế nhựa, khuôn mặt méo mó thì tất thảy người đẹp tươi cười "ngồi mâm trên".

di-lam-tu-thien-vo-kich-cho-nhung-ke-thich-deo-mat-na
Bức ảnh khiến dư luận dậy sóng.

“Tôi thấy càng ngày, các cuộc thi sắc đẹp ngày càng sáo rỗng. Và những người đẹp thường chỉ chăm chút cho hình thức mà không để ý chăm cho cái đống bùng nhùng trong hộp sọ” - một người không giấu nổi cảm xúc đã để lại dòng bình luận trên trên Facebook.

Đến với những mảnh đời bất hạnh để cùng họ sẻ chia những đắng cay cùng cực trong cuộc sống là điều rất đáng trân trọng nhưng khi những hoạt động mang tính nhân văn ấy bị biến thành sân khấu cho những kẻ vốn thích và biết cách đeo mặt nạ diễn trò lại là điều đi trái với đạo lý dân tộc.

Câu chuyện về những ngôi sao đeo kính đen, ăn mặc hở hang đi trao quà cho người nghèo, một hoa hậu mang cả cây thông Noel vào chùa hay nhiều công ty cố tình nhắm mắt mang đồ hết hạn đi làm từ thiện... trước khi bị dư luận lên tiếng chỉ trích lại xuất hiện rất lung linh với những lời khen tặng ầm ĩ trên các mặt báo. Truyền thông báo chí đôi khi vô tình tiếp tay cho những trò lố đội lốt cái tâm được dịp lên ngôi, khiến nghịch lý "lá rách đùm lá lành" trở thành điều có thật trong xã hội.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại