Di dời bệnh viện: Ngoại thành thích, nội thành không

camnhung |

Việc di dời các bệnh viện này ra ngoại thành được nhiều người tán thành, nhưng cũng không ít người không muốn bởi nhiều lý do…

Không nên di dời mà nên mở rộng, phát triển thêm

PGS.TS Trần Văn Thuấn (phó giám đốc, viện trưởng Viện Nghiên cứu Phòng chống Ung thư, Bệnh viện K):Thực tế hiện nay, các bệnh viện tuyến Trung ương và các bệnh viện đóng trên địa bàn Hà Nội đang trong tình trạng quá tải nghiêm trọng.Do đó, việc xây dựng thêm bệnh viện, mở rộng các cơ sở khám chữa bệnh ra ngoại thành là để giảm áp lực quá tải cho bệnh viện nội thành và đáp ứng nhu cầu chữa bệnh của người dân. Cũng cần phải thấy rằng, ở đâu có dân thì ở đó cần phải có bệnh viện. Cho nên việc mở rộng các cơ sở điều trị là vô cùng cấp thiết.

Một chiếc giường có tới 4 bệnh nhân đang truyền hóa chất tại Bệnh viện K, Hà Nội.

Việc khám chữa bệnh ở các bệnh viện nội thành đã trở thành thói quen của người dân. Nếu di chuyển bệnh viện ra ngoại thành không chỉ gây tâm lí hoang mang, xáo trộn cuộc sống của nhân viên bệnh viện mà còn xáo trộn tâm lí của người dân.

Đối với Bệnh viện K là bệnh viện có lịch sử lâu đời được xây dựng từ thời Pháp (năm 1923), tiền thân là Viện Phóng xạ Đông Dương. Cho đến nay, nhu cầu phát triển của chuyên ngành ung thư rất lớn. Hiện tại, việc khám chữa và điều trị mới đáp ứng 20% nhu cầu của người dân. Vì vậy, ngoài việc khám chữa bệnh, rất cần thiết phải có bệnh viện chuyên về nghiên cứu, tìm ra các phương pháp phòng chống ung thư hiệu quả, nhằm làm giảm tỉ lệ mắc và tử vong do ung thư.

Hiện tại Bệnh viện K đã có thêm một cơ sở điều trị tại Tam Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội). Bệnh viện cũng đang trong quá trình hoàn thiện cơ sở điều trị tại Tân Triều với quy mô 1.000 giường bệnh. Dự kiến, trong năm 2012 sẽ đưa vào hoạt động khoảng 500 giường. Việc triển khai cơ sở này sẽ làm giảm tải cho cơ sở chính (43 Quán Sứ, Hà Nội), đưa cơ sở này trở về đúng chức năng trước đây của nó là một viện nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao.

Để triển khai thêm cơ sở mới, bệnh viện cũng đã làm công tác tư tưởng, vận động một số cán bộ y bác sĩ tự nguyện chuyển đến cơ sở mới. Đồng thời, chúng tôi cũng có những cơ chế riêng đối với bệnh nhân. Bệnh nhân đến cơ sở chính sau khi được khám, sàng lọc sẽ được chuyển về các cơ sở để điều trị theo dõi với mục đích cuối cùng là giảm tải tối đa cho cơ sở chính.

Nên lấy ý kiến của người dân

Bác Nguyễn Thị Hiền (56 tuổi ở Hoài Đức, Hà Nội): Tôi hy vọng, trước khi quyết định di dời hệ thống bệnh viện khỏi TP Hà Nội, cấp thẩm quyền phải chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, mặt khác cũng nên có sự khảo sát, lấy ý kiến rộng rãi toàn dân nhằm lựa chọn được những sáng kiến hay nhất để áp dụng trong thực tiễn.

Nói chung là phải làm thế nào để hệ thống y tế ngày càng đáp ứng được tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, làm cho người bệnh hài lòng hơn chứ như tình trạng quá tải, nằm ghép của nhiều bệnh viện khu vực nội thành hiện nay chẳng khác nào "cực hình" đối với bệnh nhân. Thậm chí, vào viện khám còn không có cả chỗ gửi xe.

Theo Phạm Hằng

Bee.net

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại