ĐH Ngoại thương sẽ không giảm chỉ tiêu tuyển sinh ngành TCNH

Thiên Di |

(Soha.vn) - Đó là khẳng định của PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Hiệu phó ĐH Ngoại thương về chủ trương dừng mở mới ngành tài chính ngân hàng, kế toán năm 2013.

Chúng ta vừa thừa, vừa thiếu

Năm 2013 dự báo có khoảng hơn 10 nghìn sinh viên ra trường thất nghiệp hoặc làm trái ngành, ông đánh giá như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ: Trước hết phải xác định rõ sinh viên học ngành tài chính - ngân hàng (TCNH) được đào tạo cho những vị trí công việc nào sau khi tốt nghiệp. Sinh viên có thể làm việc ở nhiều vị trí khác nhau từ các cơ quan nhà nước, ngân hàng nhà nước cho đến các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp.

Theo tôi, để có nghiên cứu tổng thể về việc thừa hay thiếu nguồn nhân lực thì cần phải có nghiên cứu kỹ lưỡng doanh nghiệp có cần nguồn lực có kỹ năng về tài chính hay không chứ không nhất thiết đưa ra dự báo về cơ hội nghề nghiệp trong ngành ngân hàng và kết luận.

Bộ GD&ĐT vừa có chủ trương dừng mở ngành mới dư thừa như kế toán, tài chính ngân hàng...năm 2013.

Bộ GD&ĐT vừa có chủ trương dừng mở ngành mới dư thừa như kế toán, tài chính ngân hàng... năm 2013.

Trong thời gian trước mắt, tôi đồng ý nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực ngân hàng sẽ giảm xuống, tuy nhiên nhu cầu nhân viên có trình độ kiến thức tài chính chuyên sâu lại tăng lên do các doanh nghiệp đã nhận thức được vai trò quan trọng của quản trị tài chính, tránh phá sản trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Như vậy sinh viên học TCNH không phải làm trong ngân hàng thì mới là làm đúng ngành nghề?

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ: Sinh viên không nhất thiết phải làm ở các ngân hàng mà có thể phụ trách tài chính ở các doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều có nhu cầu cần ít nhất là 1 đến 2 sinh viên làm về tài chính.

Việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, có kiến thức tài chính chuyên sâu, có khả năng xây dựng kế hoạch huy động và sử dụng vốn hiệu quả cho doanh nghiệp và có tác phong làm việc chuyên nghiệp còn rất thiếu ở Việt Nam.

Hoạt động tài chính luôn song hành cùng với tất cả các hoạt động khác của nền kinh tế như mua bán trên thị trường, bạn phải thanh toán, hoặc trong bất kỳ công ty nào, lập kế hoạch huy động và sử dụng tài chính là quan trọng, kết quả kinh tế mang lại cũng được đo lường bằng các chỉ tiêu tài chính. Một giám đốc doanh nghiệp mà không hiểu biết về quản trị tài chính thì không thể quản lý tốt doanh nghiệp.

Nên nói sinh viên đi làm trái nghề thì ví dụ sinh viên học TCNH đi sửa chữa xe máy, thợ xây nhà, công nhân sản xuất ti vi là trái ngành, còn nếu sinh viên TCNH làm ở trong một lĩnh vực kinh tế và liên quan tới các hoạt động quản lý kinh tế vĩ mô hoặc quản lý doanh nghiệp thì là đúng ngành.

Vậy chúng ta đang thiếu nguồn nhân lực này chứ không phải dư thừa như dự báo?

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ: Việt Nam đang ở trong tình trạng vừa thừa vừa thiếu nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Thừa những người được đào tạo nhưng không có đầy đủ kỹ năng, đủ trình độ làm việc, còn thiếu những người được đào tạo bài bản, làm việc chuyên nghiệp.

Nhiều trường hiện nay đào tạo ngành TCNH nhưng sinh viên ra không đủ kiến thức để thực hiện công việc liên quan đến công tác tài chính của đơn vị. Sinh viên kết thúc chương trình đào tạo không tiếp cận được công việc và yêu cầu của nhà tuyển dụng. Quan trọng nhất trong đào tạo TCNH là đào tạo đáp ứng được xã hội, đào tạo phải gắn kết học thuật với yêu cầu của thị trường lao động, và đỏi hỏi của nhà tuyển dụng.

Hiện nay, ở Việt Nam nhiều chủ doanh nghiệp đi lên từ kinh nghiệm, phát triển doanh nghiệp nhờ kiến thức chuyên môn. Vì thế, nhu cầu về nhân viên được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp về tài chính, hiểu biết về lưu thông hàng hóa và tiền tệ, hiểu biết về thị trường tài chính trong nước và quốc tế vẫn còn rất thiếu ở Việt Nam.

Nhưng sinh viên ngành TCNH vẫn rất khó xin việc?

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ: Nguyên nhân trực tiếp nhất là không chỉ ngành ngân hàng mà tất cả các doanh nghiệp ở VN hiện nay đều đang gặp khó, rất nhiều doanh nghiệp phá sản.

Ngân hàng cho đến nay vẫn là khu vực có hiệu quả kinh doanh tốt nhất. Họ chỉ thu hẹp sản xuất và giải quyết vấn đề nợ xấu. Nếu không giải quyết được vấn đề nợ xấu thì sẽ gây ra khủng hoảng, gây giảm sút nghiêm trọng nguồn lực trong lĩnh vực ngân hàng.

Vì vậy, ngành ngân hàng là lĩnh vực sinh viên coi là hấp dẫn nhất. Tuy nhiên, vì cơ hội tốt nên yêu cầu cao, chỉ những sinh viên xuất sắc nhất mới có thể tìm kiếm được cơ hội việc làm trong những lĩnh vực này. Nhà tuyển dụng thường mong muốn tuyển người có kiến thức chuyên sâu và có kinh nghiệm làm việc. Nên nhiều sinh viên mới ra trường “khó” xin việc ngành này.

PGS Nguyễn Đình Thọ - Phó hiệu trưởng ĐH Ngoại thương cho rằng đây chỉ là giải pháp tạm thời, mang tính cơ học, quan trọng là định hướng nghề cho học sinh.

PGS Nguyễn Đình Thọ - Phó hiệu trưởng ĐH Ngoại thương cho rằng đây chỉ là giải pháp tạm thời, mang tính cơ học, quan trọng là định hướng nghề cho học sinh.

Tuy nhiên, những công việc liên quan đến kỹ năng phân tích tài chính và quản trị đầu tư ở các doanh nghiệp khác đều vẫn rất cần và sinh viên hoàn toàn có thể khai thác cơ hội này để chuẩn bị kinh nghiệm cho những cơ hội việc làm tốt hơn. Sinh viên cần có kế hoạch phát triển cơ hội nghề nghiệp cho cả cuộc đời của mình.

Không giảm chỉ tiêu tuyển sinh TCNH

Để hạn chế nguồn nhân lực dư thừa, Bộ GD& ĐT có chủ trương dừng mở thêm ngành đào tạo TCNH, ông nghĩ sao?

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ: Đây là chủ trương đúng đắn đối với toàn bộ khối kinh tế và quản lý để khắc phục tình trạng “thừa thày, thiếu thợ” ở Việt Nam. Việt Nam đang thừa người quản lý có trình độ kém và thiếu công nhân lành nghề có chất lượng cao.

Khó khăn như vậy, là một trong những trường đào tạo chính nguồn lực TCNH, năm 2013 Trường ĐH Ngoại thương có giảm chỉ tiêu tuyển sinh ngành này?

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ: Nhà trường đã thống nhất giữ nguyên tỷ trọng tuyển sinh sinh viên ngành tài chính ngân hàng so với các năm trước.Tôi tin số lượng thí sinh đăng ký ngành TCNH của Đại học Ngoại Thương sẽ không giảm và thậm chí tăng lên như các năm trước.

Để sinh viên có nhiều kinh nghiệm, tránh tình trạng thất nghiệp khi ra trường, nhà trường đã làm gì để sinh viên đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng?

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ: Trường tạo điều kiện kết nối với các doanh nghiệp, ngân hàng tổ chức nhiều buổi hội thảo, tọa đảm cho sinh viên để các em tìm kiếm cơ hội việc làm, tiếp cận với thị trường lao động. Đấy là cơ hội tốt nhất cho các bạn hiểu được yêu cầu của nhà tuyển dụng như thế nào. Và rất nhiều ngân hàng, doanh nghiệp tìm đến trường ĐH Ngoại thương để tuyển dụng sinh viên.

Song song,trường cũng tạo điều kiện cho sinh viên năm 3 và cuối khóa thực tập và phải thực tập hiệu quả.

Theo ông đánh giá thì dừng mở ngành “hot” có phải biện pháp hiệu quả trong thời gian này?

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ: Tôi nghĩ biện pháp mang tính cơ học không giải quyết được vấn đề, có thể giải quyết được 1 năm, 2 năm sau đó đâu lại vào đó. Điều quan trọng là định hướng và cung cấp thông tin để tiếp cận thị trường lao động tốt nhất.

Thay vì việc hạn chế tuyển sinh hay cấm mở ngành thì điều quan trọng hơn trong giáo dục là phải có chiếc lược định hướng cho học sinh phổ thông, lựa chọn ngành nghề và chỉ ra cơ hội nghề nghiệp. Ở Đức họ phân luồng cho học sinh từ lớp 5.

Cảm ơn ông!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại