Đệ nhất dao kéo miền Bắc

Nói đến kéo ở làng Đa Sỹ (phường Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội), ông Hoàng Văn Điều được xem là "đệ nhất" miền Bắc.

Hàng ngày, ông Điều và vợ vẫn đều đặn quai búa, làm kéo để kịp các đơn đặt hàng. Ảnh: Bình Minh.

Ông Điều thường nhận làm hàng đặt và hàng nhà ông luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. Gần 60 tuổi nhưng ông vẫn rất rắn rỏi và "thư sinh" với cặp kính trắng to bản. Ngồi vào bếp, bàn tay ông thoăn thoắt, đôi mắt chăm chú nhìn vào thanh thép nhỏ đang nung đỏ trong đám than rực hồng.

Nhanh tay gắp thanh thép đỏ rực từ bếp than rồi đặt trên hòn đe rèn, ông Điều và vợ nhịp nhàng đánh búa cho tới khi thành hình một bên kéo. Trung bình 2 tiếng, ông Điều làm xong một chiếc kéo. Hiện tại, con cái thành đạt và sung túc nhưng ông bà Điều vẫn theo nghề rèn như một cách gìn giữ lửa nghề của làng.

Gia đình có truyền thống làm vali nhưng cậu bé Hoàng Điều chọn nghề rèn. 14 tuổi, Điều theo học thầy Chậm, một thợ giỏi cũng là chú họ. Nhớ lại những ngày đầu theo học, ông Điều không thể quên người thầy nghiêm khắc, nóng tính nhưng tài hoa. Nhờ thầy khó tính nên ông rèn được tính cẩn thận, chịu khó. Hàng ngày, ông đến lò rèn của thầy lúc 6h sáng và kết thúc công việc lúc 18h tối.

"Ngày ấy, bất kỳ người thợ nào ban đầu đều phải học tư thế ngồi, cách cầm búa và quai bễ (quay tay), sau mon men ra đánh rèn cùng thầy, kế đến là làm thô rồi khi đã có tay nghề mới được làm nguội. Ở công đoạn làm nguội (làm kỹ thuật), chỉ những anh lớp trước mới đủ trình độ đảm nhiệm", ông Điều kể.

Trung bình 2 tiếng, ông Điều làm xong một chiếc kéo. Ảnh: Bình Minh.

Thời đó, ông Điều học làm lưỡi bào, đục và dao, kéo. Suốt ba năm theo thầy, nhờ chịu khó học hỏi, ông trở thành học trò cưng và cùng thầy truyền lại kinh nghiệm cho những thợ mới vào nghề ở lò rèn của hợp tác xã.

Theo ông, nghề rèn vất vả lại khó nên nếu không có lòng yêu nghề sẽ không theo được. Trước đây, mọi công đoạn làm ra sản phẩm đều được thực hiện thủ công, không như bây giờ có máy móc hỗ trợ. Ông Điều cho biết thêm, ở làng Đa Sỹ, số thợ giỏi chuyên một loại sản phẩm như kéo, dao thái thì nhiều, nhưng thợ hàng ngang (có thể làm được tất cả sản phẩm theo đơn đặt hàng) lại hiếm.

Làm dao đơn giản hơn kéo bởi kéo có hai lưỡi buộc người thợ phải khéo léo và kinh nghiệm để lưỡi khít nhau mà vẫn có độ sắc, võng bên trong. Thợ rèn lâu năm này cho hay, để làm một chiếc kéo hay con dao chất lượng, khâu quan trọng mất nhiều thời gian nhất là tui và làm nguội.

Sau khi đã rèn, vỗ xong, người thợ bắt tay vào làm cho chiếc kéo trở nên sắc bén. Mỗi gia đình có một bí quyết làm dao, kéo riêng nên kinh nghiệm ấy chỉ được truyền cho người trong nhà. Với gia đình ông Điều, ngoài làm kéo, ông vẫn có thể làm được các loại dao, bào, đục.

Dao được người thợ dẻo tay tui trong lò khoảng 7-8 giây. Ảnh: Bình Minh.

May mắn hơn ông Điều vì được sinh ra trong gia đình có nhiều đời làm dao, kéo ở Đa Sỹ, ông Trịnh Văn Tuyến (47 tuổi) được tiếp xúc với nghề rèn từ nhỏ. Bố và ông nội đều là thợ có tiếng trong làng, ông Tuyến được kèm cặp và nối nghiệp nghề gia truyền với sản phẩm dao thái nhỏ.

Xưởng làm dao nhà ông huy động các thành viên trong gia đình và 2 thợ học việc. Mỗi ngày xưởng sản xuất 250 chiếc dao, mỗi tháng xuất trung bình 5.000 chiếc với giá bán buôn 15.000 đồng/chiếc. Nhắc đến người nối nghiệp, ông Tuyến khoe con trai đã tốt nghiệp cao đẳng, công việc khó khăn nên giờ quay về làm dao cùng bố. Dù đã có thể thay bố đứng lò nhưng ông Tuyến chưa giao phó công việc quan trọng cho con mà vẫn giám sát và chỉ bảo thêm.

Mỗi người phụ trách một công đoạn và ông Tuyến luôn ngồi lò tui dao. Trước khi đưa con dao thô vào lò khoảng 2.000 độ C, ông phết một lớp nước muối vào lưỡi dao. Nước muối có tác dụng giúp thợ rèn đoán biết được nhiệt độ thông qua màu thép bị nung đỏ. Khi tui, người thợ rèn dẻo tay đưa dao ra vào nhằm hạ bớt nhiệt độ. Trong vòng 7-8 giây, dao được đưa ra ngoài nhúng qua lớp dầu rồi quệt qua lớp cát trước khi đưa vào chậu nước.

Ông Tuyến chia sẻ, nếu để quá lâu trong lò, dao có thể bị cháy và chảy do nhiệt độ quá cao. Bởi vậy, người thợ cần phải quan sát lớp muối trắng phủ trên dao để đoán biết nhiệt độ. Để không bị lóa mắt, ông Tuyến có cách không nhìn vào lò mà chỉ tập trung vào phần thép tui đỏ. Ông Tuyến có thể làm được nhiều sản phẩm nhưng vì muốn chuyên tâm và giỏi một lĩnh vực, ông chọn dao thái nhỏ.

Để mắt không bị tức và mỏi, ông Tuyến chỉ tập trung vào điểm đỏ trên dao. Ảnh: Bình Minh.

Được xem là "cao tay", ông Đinh Công Đoán có "độc chiêu" dao bổ thép các loại. Hiện tại, công việc ở xưởng do hai người con trai của ông quán xuyến, còn ông là cố vấn về kỹ thuật. Sau khi xuất ngũ, ông Đoán trở về làng học nghề rèn. Nơi nào nghe tiếng có thợ rèn giỏi, ông đến đóng vai người mua dao rồi tìm hiểu cách làm của họ. Ông cũng tự nghiên cứu cấu tạo của dao Thái Lan, Trung Quốc để có cách làm tốt nhất cho mình.

Để bán được hàng, lúc đầu ông biếu hàng thịt vài con dao dùng thử làm tin. Sau dần, tin tưởng chất lượng, họ mới tìm đến dao của ông Đoán nhiều hơn. Với thợ rèn, uy tín được tính bằng việc khách nhớ đến và quay lại đặt hàng dù đã dùng sản phẩm 5 hay 10 năm. "Mối lương duyên dao kéo" đã bắc cầu cho nhiều tình bạn tri kỷ giữa thợ và khách hàng.

Gia đình ông Đoán luôn tiếp đón những vị khách tỉnh xa về ngủ lại nhà mình để sáng hôm sau lấy hàng. Buổi tối hôm đó, chủ và khách cùng chuyện trò. Sau những lần như thế, mỗi khi xuống lấy hàng, khách lại mang biếu ông vài cân sắn, tải bưởi hay túi ngô làm quà.

Các công đoạn làm dao giờ được máy móc hỗ trợ. Ảnh: Bình Minh.

Hơn 40 năm làm nghề, ông Điều có thêm nhiều bạn từ những khách hàng lâu năm. Là khách quen suốt 20 năm qua, ông chủ chuỗi cửa hàng mỹ phẩm tại Hà Nội được xem như người nhà của gia đình ông Điều cũng nhờ cơ duyên dao kéo. Có vị khách ở Nhổn sau 8 năm mang chiếc kéo quay lại nhờ ông làm thêm chiếc khác giống thế.

Theo Đinh Công Đoán, cựu chủ tịch hiệp hội làng nghề rèn Đa Sỹ, hiện tại làng có hơn 700 lò rèn, trong đó 70% sống ổn với nghề. Trước đây ngoài làm nông nghiệp, Đa Sỹ còn có nghề phụ như làm vali, đậu phụ và rèn. Sau này, nghề rèn phát triển và trở thành thương hiệu của làng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại