Đi nghĩa vụ mà gia cảnh bế tắc thì phải xem lại
“Gia đình thuộc diện nghèo đói mà lao động chính lại đi nghĩa vụ quân sự nữa thì nghèo càng thêm nghèo. Tôi đề nghị cân nhắc gọi đối tượng này đi nghĩa vụ quân sự” - thiếu tướng Nguyễn Văn Hưng nói.
Theo thiếu tướng Nguyễn Văn Hưng, đối tượng tuyển nghĩa vụ hiện nay được mở rộng, Nhà nước cũng có nhiều chính sách đối với người nghèo.
Nếu vì đi nghĩa vụ quân sự mà gia đình rơi vào cảnh bế tắc về kinh tế vì mất đi lao động chính thì cũng cần xem lại.
Ngoài ra, thiếu tướng Nguyễn Văn Hưng cũng cho rằng thanh niên đã có vợ con thì cũng không nên gọi nghĩa vụ quân sự. “Có lần đi tuyển quân tôi đã gặp cảnh dở khóc dở cười khi vợ một thanh niên vừa trúng tuyển nghĩa vụ quân sự ẵm con để trước hàng quân rồi đi về vì chồng đi nghĩa vụ không có người phụ nuôi con” - thiếu tướng Hưng kể.
Ông Hưng cho biết trong danh sách trúng tuyển nghĩa vụ quân sự của TP.HCM cũng rất ít người đã có gia đình. Do đó, quy định này sẽ mang tính nhân văn và không ảnh hưởng nhiều đến việc tuyển quân.
Ý kiến khác nhau về đóng tiền thay thế nghĩa vụ quân sự
Tại tổ Hà Nội, đại biểu Đinh Xuân Thảo (viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp) và đại biểu Đào Trọng Thi (chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội) đã có ý kiến khác nhau về việc đóng tiền thay thế nghĩa vụ quân sự.
Ông Đinh Xuân Thảo đặt vấn đề khái niệm nghĩa vụ quân sự là như thế nào, liệu việc đi ra Trường Sa để dạy học, làm bác sĩ có thể xem là nghĩa vụ thay thế được không?
Theo ông Thảo, nên có quy định theo hướng đóng tiền hoặc làm việc công ích nhất định được xem là thay thế nghĩa vụ quân sự.
Ngay sau đó, ông Đào Trọng Thi phản đối việc đóng tiền thay thế nghĩa vụ quân sự.
Theo ông Thi, đi nghĩa vụ quân sự nghĩa là được trang bị kiến thức quốc phòng, để khi cần thiết tổng động viên thì có thể tham gia chiến đấu ngay. Nếu có nghĩa vụ thay thế thì dù bằng cách nào cũng không thể trang bị cho công dân kiến thức quốc phòng, nghĩa là không thể thay thế được.
“Ý kiến dùng tiền thay thế là không chấp nhận được. Nếu bắt tất cả những ai không có điều kiện đi nghĩa vụ quân sự thì đóng tiền, có người nói tôi sẵn sàng đi chỉ vì anh không gọi tôi đi, nên sao tôi phải đóng tiền? Cho đóng tiền trước sẽ được miễn nghĩa vụ quân sự, sẽ có chuyện con nông dân, con nhà giàu, đóng tiền là phản cảm, mất đi tính thiêng liêng của nghĩa vụ quân sự” - ông Thi nói.
Huấn luyện không kỹ sẽ trả giá bằng xương máu
Thiếu tướng Ngô Ngọc Bình - Phó tư lệnh Quân khu 7 cho rằng việc tăng thời gian nghĩa vụ quân sự lên 24 tháng là rất cần thiết. Bởi nay thời gian huấn luyện thực binh cho chiến sĩ đi nghĩa vụ quân sự chỉ khoảng 10 tháng, không đảm bảo yêu cầu tác chiến.
“Thực tế vì không được huấn luyện không đầy đủ nên thời chiến tranh biên giới Tây Nam có tình trạng “gà mẹ dẫn một bầy gà con” ra trận, xương máu chiến sĩ mất mát rất nhiều, mà chỉ huy thường là người chết trước" - thiếu tướng Ngô Ngọc Bình lý giải.
Ngoài ra, theo ông Bình, việc quy định thời gian nghĩa vụ quân sự 24 tháng sẽ đảm bảo công bằng hơn so với hiện nay, khi chiến sĩ nghĩa vụ bộ binh chỉ 18 tháng nhưng hải quân lại kéo dài đến 24 tháng. Trong khi đó, lúc giải ngũ thì chế độ chính sách nhận được không khác nhau bao nhiêu.