Hành động phi nhân tính
Ngày 3/8, đối tượng Chu Quang Đạo (SN 1966, trú tại thôn Chớp, xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) đã dùng dao cắt gân tay, chân vợ mình là chị Dương Thị H. (SN 1981, trú cùng địa chỉ trên).
Vụ việc trên đang gây ra sự phẫn nộ trong dư luận xã hội.
Trao đổi với chúng tôi, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá, Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã bày tỏ sự bàng hoàng trước thông tin về vụ việc đau lòng trên.
Theo bà Khá, những hành động của đối tượng Chu Quang Đạo gây ra đối với vợ mình là rất dã man, phi nhân tính và khiến mọi người đều căm phẫn.
"Tôi không thể ngờ được là một người chồng lại có thể gây ra những việc như vậy đối với vợ của mình, người mà ăn, ở chung với mình. Đó là hành động tàn ác", bà Khá bày tỏ.
Theo bà Khá, hành vi của đối tượng này không còn là những xích mích bình thường giữa vợ chồng, mà đây đã là việc cố ý gây thương tích cho người khác và vi phạm nghiêm trọng luật phòng chống bạo lực gia đình.
Do đó, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng xem xét khởi tố hình sự và tiến hành truy bắt, thậm chí phát lệnh truy nã đối tượng này.
"Với những hành động dã man như thế này thì sau này, tôi đề nghị cần phải xử lý thật nghiêm, kể cả đưa đối tượng này ra xét xử lưu động, xử điểm để làm gương, răn đe", bà nói.
Đồng quan điểm, ĐBQH Bùi Thị An cũng đã tỏ ra thảng thốt khi nghe thông tin về vụ bạo hành dã man trên.
Bà An cho rằng, hành động của người chồng này là rất tàn ác và mất hết tính người.
Vị này nhấn mạnh: "Ở thế kỷ 21 này rồi mà vẫn có những hành động không có nhân tính như vậy, mà lại là của người chồng đối với vợ mình là không thể chấp nhận được.
Các cơ quan chức năng cần điều tra, làm rõ và truy bắt người chồng này, đồng thời, đây là hành vi cố ý gây thương tích nên cần xử lý thật nghiêm khắc, để làm gương".
Xem xét việc cấm uống rượu
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá cũng nhìn nhận một thực tế từ vụ việc thảm sát ở Bình Phước, Nghệ An đến vụ việc này, đó là sự coi thường tính mạng của người khác đang đến mức báo động.
"Tôi không hiểu sao người ta có thể coi thường tính mạng của người khác đến như thế, mà trong vụ việc này là người chồng đã quá coi thường tình mạng của người vợ từng chung sống một nhà với mình bao lâu.
Ở đây, rõ ràng là có vấn đề về sự không hiểu biết pháp luật của người dân hay pháp luật chưa đến nơi", bà Khá chia sẻ.
Vị ĐBQH này cũng cho hay, trong vụ việc này cũng thể hiện rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương ở cơ sở.
Chúng ta đã có luật phòng chống bạo lực gia đình nhưng rõ ràng, qua đây đã thể hiện việc luật vẫn chưa được tuyên truyền để người dân hiểu, thực thi.
"Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật ở đây đã được thực hiện như thế nào và việc tập huấn về phòng chống bạo lực gia đình được thực hiện cho đối tượng nào, chỉ có vợ hay cả chồng. Đó là vấn đề cần đặt ra.
Chưa kể như phản ánh thì đối tượng này nghiện rượu và thường xuyên đánh, cãi nhau với vợ. Như vậy, hàng xóm, chính quyền có biết không và biết thì đã có biện pháp gì chưa", bà Khá đặt vấn đề.
Đại biểu Bùi Thị An cũng cho rằng, theo phản ánh đối tượng chồng này đã từng có tiền án, tiền sự, mới ra tù và cũng thường xuyên uống rượu rồi đánh đập vợ.
Như vậy chính quyền địa phương có nắm được không, hàng xóm xung quanh có nắm được không và đã có những biện pháp gì để nhắc nhở, xử lý hay đến bây giờ, khi vụ việc như thế này mới biết.
Đó là vấn đề chúng ta phải xem xét lại.
Cũng theo bà An, một vấn đề cũng cần phải nói đến qua vụ việc này, đó là tình trạng uống, say rượu rồi có những hành động mất lý tính của nhiều ông chồng ở các vùng quê.
"Tôi cho rằng, ngoài việc xử lý nghiêm hành vi của người chồng vô nhân tính này thì về lâu dài, nhằm ngăn chặn tình trạng này thì một vấn đề chúng ta cũng nên xem xét, đó là việc cấm uống rượu.
Bởi như phản ánh thì người chồng này ngoài có tiền án, tiền sự, sau khi ra tù thường xuyên uống rượu và đánh đập vợ. Có tìm được cái gốc của vấn đề thì mới mong có thể giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình", bà An nêu ý kiến.