Ngay trong ngày làm việc đầu tiên tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh đã trình bày Báo cáo về tình hình biển Đông, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; chủ trương và giải pháp của Việt Nam.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Tình hình ở Biển Đông đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Việc Trung Quốc đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cùng với sự hộ tống, trong đó có cả tàu chiến và máy bay quân sự bảo vệ, là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông; bất chấp cả những thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng và Nhà nước Việt – Trung. Hòa bình và an ninh đang bị đe dọa. Đồng bào ta thực sự lo lắng và kiên quyết phản đối; cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm, chia sẻ và tỏ tình đoàn kết với Việt Nam.
“Bằng mọi biện pháp kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, đồng thời kiên trì giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, kiên trì bảo vệ, giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Bên lề kỳ họp Quốc hội, trao đổi với báo chí, nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm, trách nhiệm đối với diễn biến tình hình. Các đại biểu cho rằng, việc Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo và Quốc hội thảo luận về tình hình biển Đông, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, là thể hiện trách nhiệm với cử tri cả nước.
Đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam:
Đại biểu Đặng Ngọc Tùng khẳng định: Chúng ta phải thật bình tĩnh, khôn ngoan để xử lý mọi vấn đề theo hướng có lợi nhất, tuyệt đối không manh động, không lọt vào âm mưu của Trung Quốc. Họ đang muốn mình nổ súng. Việt Nam tuy là nước nhỏ, tiềm lực yếu, nhưng thế mạnh chính là chân lý, lẽ phải, là sự đồng tình của nhân dân thế giới yêu chuộng hòa bình và sự tự do trên biển Đông.
Chúng ta còn có sức mạnh là tinh thần đoàn kết một lòng của người dân, phải sử dụng sức mạnh đó một cách khôn khéo nhất. Phải bằng biện pháp hòa bình, bằng luật pháp quốc tế mà ở đây là Công ước về Luật biển. Trung Quốc tham gia vào Công ước và tham gia và ký kết DOC năm 2002. Họ tuyên bố tôn trọng luật pháp quốc tế. Vậy thì phải có người phân xử xem ai có chân lý, lẽ phải. Mà chân lý ở đây là gì? Đó là phải đưa ra trọng tài quốc tế.
Ông Trần Du Lịch (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM):
Qua báo cáo của Chính phủ về tình hình biển Đông, tôi có suy nghĩ là Đảng và Nhà nước ta với truyền thống hòa khí, muốn giải quyết vấn đề lợi ích trên tinh thần cầu thị, trong hòa bình, hiểu biết lẫn nhau, vì lợi ích của khu vực... Nhưng với tất cả những gì được trình bày cho thấy ý đồ của Trung Quốc vượt quá xa những điều mà thế giới và khu vực mong muốn có sự an ninh trên biển Đông.
Ông Trần Du Lịch. Ảnh: Tuổi trẻ
Tôi ủng hộ quan điểm chúng ta tiếp tục giải quyết vấn đề trên phương diện thương thảo, đàm phán, hòa bình nhưng phải kiên quyết, không nhân nhượng. Chính phủ đã có thái độ rất quyết liệt, tôi nghĩ bây giờ các đại biểu Quốc hội và Quốc hội cũng phải thể hiện một thái độ quyết liệt.
Chúng ta phải đấu tranh trên tất cả các mặt và khi cần thiết cũng phải đấu tranh về mặt pháp lý. Điều quan trọng nhất là chúng ta cần làm cho nhà cầm quyền Trung Quốc thấy rằng đụng tới chủ quyền của Việt Nam là đụng tới lương tâm, đụng tới điều thiêng liêng của một dân tộc có truyền thống bất khuất. Cần cho Trung Quốc thấy rõ thông điệp như vậy và lịch sử cũng đã chứng minh như vậy.
Ông Dương Trung Quốc (đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai):
Theo ông Dương Trung Quốc, trước mắt ta lấy đấu tranh ngoại giao là hàng đầu. Và ở ngay hiện trường ta phải thể hiện rõ chủ trương này, không tạo cớ để Trung Quốc gây ra xung đột và để thế giới nhận ra hành động ngang ngược của Trung Quốc tại Biển Đông.
Ông Dương Trung Quốc. Ảnh: Tuổi trẻ
Từ góc độ người làm sử, ông Dương Trung Quốc cho rằng, chúng ta phải lấy chính nghĩa là sức mạnh cao nhất. Và ông Dương Trung Quốc dẫn chứng về các cuộc kháng chiến cứu nước, gần đây nhất là kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ… Theo đó, điều quan trọng bây giờ, bên cạnh việc ứng phó với Trung Quốc, chúng ta phải nhanh chóng tạo sự đồng thuận của nhân dân.
Cũng theo ông Dương Trung Quốc, trong lúc này việc tăng cường sức mạnh trên biển là đương nhiên, mạnh ngoài biển rất quan trọng nhưng mạnh trong đất liền còn quan trọng hơn.
Tổng hợp từ VOV/Tuổi trẻ/Zing
Xem thêm Clip: Chiến thuật thông minh của Cảnh sát biển Việt Nam
Trong ngày 16/5 đội tàu của Trung Quốc lại tiếp tục có những hành động ngăn cản đội tàu của Cảnh sát biển Việt Nam đang thực thi nhiệm vụ trên vùng biển chủ quyền của VN. Đặc biệt là tàu 3411 của Trung Quốc đã cố tình đi sát và cắt mũi và cố tình đâm vào tàu Cảnh sát biển VN số hiệu 8003. Tuy nhiên, tàu của chúng ta đã lùi lại và chuyển hướng tránh những va chạm đáng tiếc. Vào lúc 9h, tàu hải giám TQ mang số hiệu 3411 đã có hành động khiêu khích khi cố tình cắt ngang mũi tàu 8003 của Việt Nam ở cự li rất gần gây ra tình huống nguy hiểm. Tàu cảnh sát biển Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ tạo thế gọng kìm ngăn cản hướng tiếp cận của tàu Trung Quốc.