Giải hạn cờ bạc
Theo chân một “con nhang, đệ tử” có thâm niêm “ăn dầm, ở dề” tại nhà thầy T “rất nổi tiếng” về “đỏ đen” cuộc đời giữa phố cổ Hà Nội. Chen lấn, xô đẩy, may mắn được cầm cái tay “đầy giới tính” của ông bạn “đệ tử ruột” của “thầy” nên tôi mới len được vào được đến am thờ.
Một ca “lên đồng giải hạn”.
Với cái lễ đầy “tự tin” đặt lên ban và lời giới thiệu đầy “uy tín” của ông bạn: “Thằng được tuổi Tân Dậu tốt thầy ạ, để nó châm hương cho thầy”. Tự tin châm ba cây hương, chưa định hình được câu chuyện sẽ diễn biến ra sao thì xung quanh mấy chục “con nhang, đệ tử” đã cúi lạy tới tấp cho lần thắp hương của tôi. Trong khi đó, “thầy” vẫn điềm đạm chỉ đạo cho cho các đệ tử “cứng” xếp lễ ngựa, voi… cho đa số các anh “đi giải hạn”.
Nhìn những người đi giải hạn có thể thấy toàn dân “có số có má” bởi hầu hết là các nam giới tuổi từ trẻ tới trung niên, đầu cạo trọc, trên mình xăm đầy “long, ly, quy, phượng”. Tuân- ông bạn “đệ tử ruột” là con nhang đã có thâm niên của thầy bắt đầu nói với tôi: “Mày tốt số, tí nữa đợi nhặt tiền thôi”.
Tuân kể: “Đền này thờ thần tài, nên đa số giải hạn đầu năm nhiều nhất là chủ các sới cờ bạc, đơn giản họ đi để cầu một năm “không để công an sờ gáy”.
Rồi Tuân thành thật nói thêm: “Cái mớ tờ ghi bài khấn của thầy, ở đây học việc vài năm mà đến tôi cũng chẳng hiểu thầy khấn gì, ông biết chữ Tàu thì dịch hộ tôi đi, ông giỏi theo nghề khi lại kiếm cả đống. Ở đây, không biết thầy giỏi thế nào nhưng lúc nào cũng gặp mấy ông con nhang chủ cờ bạc vác cả vali tiền đi giải hạn thế này thì sướng!”.
Nhìn mâm lễ các con nhang đặt lên ngồn ngộn những tập tiền mà đa số là những tập tiền có mệnh giá cao nhất, 500.000 đồng, “thầy” như được tiếp thêm sức lực… Thầy nhảy, trò múa phụ họa, nếu so với… giới showbiz thì độ nhiệt tình của các “nghệ sĩ” ở đây là tuyệt đối.
Văn hóa cổ truyền từ ca trù đến quan họ, chầu văn, chèo… được mang ra trình diễn và đến lúc thầy đuối sức thì chuyển sang... đọc rap, nghe chẳng ai hiểu gì mấy mà vẫn thành tâm ngưỡng vọng. Nhưng thời điểm hạnh phúc nhất cho những người ngồi chầu xung quanh là đợi tới lúc thầy “ban lộc”. Tiền có mệnh giá trăm nghìn thì thầy để lại, “giữ cho chùa” và những tờ 1.000 đến 10.000 đồng được ném “như rơi, như vãi” không tiếc tay.
Bỏ tiền triệu để được xướng tên
Xu hướng mọi người vận hạn có hay không đều phải giải dường như đã trở thành thói quen. Bên cạnh lễ hội nếu đền chùa nào phải tổ chức thì dường như xu thế dân tình chùa “thiêng” hay một chút gì đó dính dáng đến dấu ấn lịch sử là phải tổ chức lễ giải hạn. Theo thầy Thích Đạo Lạc (chùa Khai Nguyên, Tây Hồ, Hà Nội) thì “Tâm Phật tại tâm, nhiều lúc mệt nhưng vì cái tâm, cái đức phải làm.”
Thầy mệt, người đi giải hạn cũng mệt! Cô Nguyễn Thu Hậu (Thái Hà, Hà Nội) cho biết: “Quan niệm đã là việc tâm linh rồi nên muộn mấy cũng phải theo, nhà có 2 cháu nhỏ, đợi đến ca cũng phải 10 giờ tối mới đến lượt”.
Ai cũng mong muốn mình và gia đình có một cuộc sống tốt, nhưng nếu một ngày 6 ca (mỗi ca 3 tiếng) cho một chùa được gọi cho là linh thiêng với 1 sư trụ trì thì không biết rằng liệu họ có đủ sức khỏe để theo lễ hay lại ốm luôn vì lễ.
Tôi đã từng đợi 4 tiếng “vãn cảnh” để được gọi vào đọc tên. Và phần sắm sửa cho lễ giải hạn thì phải lên tới con số hàng triệu đồng, thế nhưng cuối cùng, tất cả những gì người giải hạn nhận được chỉ là một cái tên được xướng lên trong danh sách dài, lẫn giữa những câu niệm chú mà chỉ có “thầy” mới có thể hiểu được nghĩa của nó là gì.
Thượng toạ Thích Thanh Quyết- Phó Chủ tịch Học viện Phật giáo VN cho biết: “Trong giáo lý của đạo Phật không hề có chủ trương cúng sao giải hạn. Đức Phật đã khẳng định việc cầu cúng thần linh để mong ban phúc, giải hạn là không phù hợp với tinh thần nhân quả, là những việc không đáng và không nên làm. Trong đạo Phật cũng không khuyến khích đốt vàng mã, đó là tín ngưỡng dân gian mà người đi lễ chùa mang vào”.
Theo Dân Việt