Khắp các chợ quê, chợ phố ở tỉnh Phú Yên chim nhác bày bán, người bán quảng cáo thịt chim nhác nấu canh với đu đủ, ngọt “lủng” nồi- món ăn nghe “lạ miệng” vì lâu nay chưa hề ăn nên nhiều người xúm đến mua. Đắt hàng nên cả làng học nghề bắt chim.
Dùng lưới bắt chim nhác
Từ tháng 9 đến tháng 12 là thời điểm các cánh đồng ở Phú Yên bỏ hoang, lúa chét (lúa tái sinh) và cỏ dại mọc thưa thớt, cả làng đổ xô đi bắt chim nhác.
Chúng tôi được ông Lê Văn H. - một người chuyên bắt chim nhác ở thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân), cho đi theo để biết nghề. Trên đường đi, ông hăm hở: “Chim nhác không ngủ trên bờ ruộng, mặt ruộng mà chui xuống nấp dưới lỗ chân bò, chân trâu”.
Trong đêm tối, chọn địa điểm trên cánh đồng giăng tấm lưới dài khoảng 200m, hai người dùng dây thừng dài trên 100m buộc vào 2 đầu cây gậy “rà” sát mặt đất kéo.
Đến nơi chim nhác đang rúc đầu trong cánh ngủ dưới hố nhỏ, thấy động sống lưng, bay vọt lên loạn xạ khắp cánh đồng vướng vào lưới bùng nhùng, chim càng cố bay lên thì những sợi lưới tơ mảnh càng quấn chặt vào chân.
Một người đang đứng canh gần đó thấy vậy tiến đến dùng đèn pin rọi luồng tay vào bắt gọn. Túm hai chân chim, lấy dây thun trong túi áo ra quấn chặt rồi nhổ vài sợi lông cánh sau đó bỏ vài bao tải đeo bên hông.
“Nghề này chịu khổ lội bùn kéo ròng rã suốt đêm từ đồng này sang đồng khác. Một đêm bắt cả trăm con” - ông H nói.
Ông H. cho biết cách đây 2 năm, những người ở huyện Vân Canh, Tây Sơn (Bình Định), chiều dỡ cơm, đèo nước uống đi theo trục phía Tây Phú Yên vào các cánh đồng ở huyện Tuy An, Đồng Xuân giăng lưới bắt chim.
Sáng họ chở bằng bao tải đem về Bình Định bỏ mối, có người thì “gặp đâu bán đó”. Thấy họ làm ăn khá, ông đi theo “ăn cắp nghề”, sau đó mấy người trong xóm “học lóm” ông rồi rành nghề làm theo, cả xóm thi nhau đi bắt chim nhác bán. “Một con chim nhác bán 10.000 đông, có đêm “trúng mánh” bán cả triệu, ai mà không ham” - ông H thổ lộ.
Cũng chính vì thế, hai năm nay, đến mùa “làm gì làm chứ ông cũng bỏ đi bắt chim nhác”. Nhưng không phải đi liên tục, cứ đi 2, 3 đêm thì nghỉ vài ngày, ăn uống tẩm bổ lấy lại sức rồi đi tiếp.
Thời điểm này chuẩn bị gieo sạ vụ lúa đông xuân, ruộng đã cày ải nên ông Trần Văn A, ở xã An Định (huyện Tuy An) mới có mặt ở nhà. Ông A bảo, cuối mùa rồi thôi nghỉ vài bữa lo làm đồng, thường thì đi xa bắt chim nhác.
Bao tải đựng chim nhác
Ông A, cho biết chiều đem tấm lưới “dậu” (chiều cao của lưới) 1,2m, chiều dài thì “muốn bao nhiêu thì muốn tùy theo cánh đồng rộng hay hẹp”, giăng… Khoảng cách 10m cắm cây cọc để lưới căng thẳng đứng, gọi là “đơm khô”.
Ông giải thích rằng, lúc này nước từ các công trình thủy lợi chảy về để cày chuẩn bị gieo sạ lúa. Sẩm tối ếch nhái “ức” nước ngóc đầu lên bờ ruộng, giề đất cày kêu, chim nhác bay đi rình mò săn mồi. Loại này bay sà nên dính vào lưới. Cách này chỉ bắt sẩm tối, thời gian còn lại thì chúng ngủ.
Ông phân trần, lưới lâu nay ngâm dưới nước bắt cá, còn nay “đơm khô” trên ruộng bắt chim trời. Con người nghĩ ra nhiều “chiêu” quá, dùng đến máy móc nữa!
Tội nghiệp chim trời
Lưới đem “đơm khô” không chỉ bắt chim nhác mà tóm gọn luôn chim cuốc. Đêm, người đi nhử cuốc dùng máy cassette giăng lưới xung quanh dọc theo bờ sông, bờ bàu rồi mở loa “cuốc máy” phát ra tiếng kêu tha thiết.
Cuốc đồng nghe tiếng kêu lảnh lói bạn tình từ xa cất cánh bay, chưa đến nơi lưới của người nhử cuốc đã “nộp mạng” dính vào lưới.
Ông A nói, cuốc bán lên đến 50.000 đồng/con, năm rồi ông tranh thủ đi bẫy cuốc mấy ngày liền không dính con nào vậy mà ‘vợ thằng T gần nhà chuyên đi giăng lưới bắt chim nhác sáng nào cũng đem cuốc bán chợ’, tìm hiểu ra mới biết.
Bà Trần Thị Hoa (62 tuổi), ở thị trấn Chí Thạnh (Tuy An) cho hay, hôm rồi bà đi chợ thấy có người bán cuốc, bà mua về làm thịt. Đứa cháu ngoại bà thấy con cuốc trói chân treo, đầu chúi ngược xuống đất, bảo tội nó quá ngoại, thả nó đi!
Bà nhìn con cuốc thấy nó cũng đang nhìn mình như van xin nên “mủi lòng” thả nó bay, cháu ngoại bà liền vỗ tay!
Khắp các chợ quê, chợ phố ở tỉnh Phú Yên chim nhác được bày bán. Người bán quảng cáo thịt chim nhác nấu canh với đu đủ, ngọt “lủng” nồi- món ăn nghe “lạ miệng”, vì lâu nay chưa hề ăn nên nhiều người xúm đến mua.
Chúng tôi gặp bà Trần Thị Lành, ở xã Xuân Quang 3 (Đồng Xuân) đang định mua, thấy chim còn sống mà bị nhổ lông, giãy giụa tội quá nên bà đi về.
Bà Lành kể, về nhà bắc nồi cơm lên bếp, nghĩ đến con chim nhác còn sống bị nhổ lông thật…đứt ruột.
“Mấy người đó không biết nghĩ chứ chim nhác ở ngoài ruộng ăn sâu bọ bảo vệ mùa màng “đỡ lắm” đó. Bắt sạch chim nhác, mỗi lần lúa bị sâu ăn trụi lá đem thuốc sâu ra phun, tốn tiền mà lại độc hại” - bà Lành nói.
Thực tế hiện nay tại Phú Yên là ở chợ thì người bán rao nhản nhản, còn ở các quán nhậu có ghi trong thực đơn món “chim nhác nướng muối ớt”.
Chợt nghĩ, có mấy ai làm được như bà Lành?