Đầu hè, bệnh nhân trúng độc tăng đột biến

Hà Thu |

(Soha.vn) - Số bệnh nhân trúng độc phải nhập viện đang có xu hướng gia tăng đột biến tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai những ngày đầu hè.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Bệnh nhân trúng độc phải nhập viện cấp cứu có quanh năm nhưng tập trung nhiều nhất vào mùa hè. Các dạng trúng độc chủ yếu là  rắn độc, côn trùng độc cắn; ngộ độc thực phẩm; ngộ độc khí CO2; ngộ độc các loại dung môi, hóa chất gia dụng… và bệnh nhân uống thuốc độc tự tử.

Từ đầu mùa hè, số bệnh nhân trúng độc phải nhập viện đã tăng từ 30-40% so với thời điểm trước giao mùa…”

Hiện tại, mỗi ngày Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận trên dưới 10 ca trúng độc.

Trúng độc do rắn độc cắn gia tăng đột biến

Theo các bác sĩ của Trung tâm, rắn độc cắn là một trong những nguyên nhân trúng độc phổ biến hàng đầu hiện nay và xảy ra nhiều nhất trong mùa hè.

Mùa hè là mùa hoạt động mạnh nhất trong năm của rắn và các loại côn trùng. Rắn hổ mang và rắn cạp nia là hai loại rắn độc thường xuyên tấn công và đe dọa tính mạng của con người.

Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã điều trị cho 3 bệnh nhân qua khỏi giai đoạn nguy hiểm, chuyển sang các khoa khác để tiếp tục điều trị. Hiện tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đang trực tiếp điều trị tích cực cho 2 bệnh nhân bị rắn cạp nia tấn công. Hầu hết bệnh nhân bị rắn độc cắn nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch. 

Nhiều bệnh nhân bị rắn độc cắn còn tự điều trị bằng thuốc nam, gây hoại tử nghiêm trọng cho vết thương và khiến chất đốc phát tác mạnh hơn trong cơ thể, mất đi cơ hội dùng thuốc giải độc.


	Trúng độc do rắn độc cắn đang vào mùa

Trúng độc do rắn độc cắn đang vào mùa

“Người bị rắn hổ mang cắn, cấp tính có thể tử vong, lâu dài có thể tàn phế suốt đời. Độc tính của rắn hổ mang gây đau, sưng nề, hoại tử vùng bị cắn. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn bị nhiễm trùng, liệt cơ, không thở được, tàn phế hoặc tử vong.

Người bị rắn cạp nia tấn công cũng nguy hiểm không kém. Bệnh nhân không thở được, bại liệt, hôn mê,… và tử vong.

Con người là động vật máu nóng, các loại rắn lại rất nhạy cảm, đánh hơi thấy nhanh và tấn công con người. Do đó, cần tuyệt đối cảnh giác đề phòng sự tấn công của rắn…” bác sĩ Nguyên nói.

Cũng theo bác sĩ Nguyên, thói quen dùng tay trần trực tiếp thọc vào hang bắt cua, ốc, rắn, ngủ ngoài đồng, ngủ trên mặt đất, thành cống, đi đêm không mang ủng, không dùng đèn pin, chủ quan khi kiểm tra chuồng gà, đống rơm, đống gạch… đã tạo điều kiện cho rắn có cơ hội tấn công.

Bệnh nhân trúng độc do rắn độc cắn chủ yếu ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, khu vực thành thị như ngoại thành, các khu đô thị mới rắn vẫn trú ngụ rất nhiều.

Ngộ độc thực phẩm đầu hè tăng vọt

Các bác sĩ của Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, ngộ độc thực phẩm không gây tử vong, để lại di chứng và khó khăn trong điều trị như các dạng trúng độc, ngộ độc khác nhưng lại chiếm chủ yếu về các ca mắc.

Từ đầu hè cho đến nay, các ca ngộ độc thực phẩm phải nhập viện cấp cứu đang tăng vọt, chiếm khoảng 60% các ca ngộ độc, trúng độc nói chung.

Theo các bác sĩ, thức ăn ôi thiu, hải sản không tươi sống, quá trình chế biến thức ăn không đảm bảo vệ sinh là những nguyên nhân chính dẫn đến ngộ độc thực phẩm.

Bác sĩ Nguyên phân tích: “Thức ăn ôi thiu chứa nhiều vi khuẩn. Các loại hải sản cũng là nơi trú ngụ của nhiều loại vi khuẩn có hại cho con người, trong đó cá ngừ và cá thu là hai loại dễ gây ngộ độc nhất.

Người ngộ độc hải sản thường bị đỏ toàn bộ phần da nửa trên người, cơ thể nóng bừng, ngứa ngáy, đau bụng, buồn nôn, đau đầu… Càng những loại thức ăn có nhiều đạm lại càng dễ gây ngộ độc”

Chọn thực phẩm tươi sống. Để riêng thức ăn sống với thức ăn chín. Nấu chín, ăn sớm, không để thức ăn lâu ở môi trường bên ngoài, bảo quản thức ăn bằng tủ lạnh là những cách để phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong những ngày nóng nực.


	Những ngày đầu hè, khoa Cấp cứu - Chống độc của Bệnh viện Nhi Trung ương cũng gia tăng đột biến về số lượng bệnh nhân

Những ngày đầu hè, khoa Cấp cứu - Chống độc của Bệnh viện Nhi Trung ương cũng gia tăng đột biến về số lượng bệnh nhân

Cảnh giác khi sử dụng máy phát điện

Mùa hè cắt điện nhiều, tình trạng ngộ độc khí CO2 do dùng máy phát điện đã bắt đầu xuất hiện. Đó là những trường hợp các gia đình để máy phát điện trong phòng kín, thông với phòng ngủ khiến khí CO2 dày đặc, không khí thiếu ô xy trầm trọng.

Theo các bác sĩ, ngộ độc khí xảy ra rất nhanh, cơ thể không phản ứng được và hầu hết  bệnh nhân không biết bản thân đang trúng độc. Khi ngộ độc khí CO2, hồng cầu không còn khả năng vận chuyển ô xy, ức chế hô hấp tế bào, ảnh hưởng trực tiếp tới tim, não. Tỷ lệ tử vong của ngộ độc khí CO2 từ máy phát điện cao, bệnh nhân nhanh chóng bất tỉnh do thiếu ô xy.

Để máy phát điện ngoài trời, không thông với phòng ngủ. Không nên ngủ trong xe ô tô khi bật máy điều hòa và chạy máy. Không gian của trẻ nhỏ và người già cần được lưu ý đặc biệt đảm bảo đủ  lượng ô xy. Đó là những khuyến cáo của các bác sĩ.

Mùa hè dễ ngộ độc do uống nhầm các loại dung môi, hóa chất gia dụng

Mùa hè, lao động nặng khiến cơ thể mất nước, háo nước, con người dễ uống nhầm các loại dung môi, chất độc. Nguyên nhân xuất phát từ thói quen dùng các loại chứa đựng thức ăn, đồ uống để chứa đựng hóa chất khiến người dân nhầm lẫn.

Bệnh nhân bị ngộ độc dung môi gia dụng, các loại hóa chất thường viêm phổi rất nặng, loét thực quản, gây sẹo dính ở thực quản, nặng hơn bệnh nhân có thể tử vong và chịu di chứng suốt đời.

Để tránh tình trạng này, các bác sĩ khuyến cáo không nên dùng các loại đồ chứa thức ăn, nước uống để chứa đựng rượu, xăng, dầu, thuốc sâu, thuốc diệt cỏ,… và các loại hóa chất khác. Với những hóa chất độc hại cần ghi rõ nhãn mác, để cao, để xa, tránh tầm tay với và tránh nhầm lẫn với nước uống hằng ngày.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại